Tai nạn 2 người chết trên cao tốc: Khi văn hóa đi cao tốc như đường làng!

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Văn hóa đi cao tốc của nhiều lái xe như đi đường làng, đáng ra phải đặt cảnh báo trước 100 m để các tài xế khác thấy mà tránh", một độc giả Dân trí bình luận.

Như Dân trí thông tin, sáng 11/7, xe khách 16 chỗ do anh Quách Văn Lâm (35 tuổi, quê Hòa Bình) điều khiển va chạm nhẹ với xe bán tải do anh Đặng Quốc Hoàng (41 tuổi, ở Hà Tĩnh) chạy phía trước. Sau va chạm, anh Lâm cùng 2 người khác trên xe bán tải xuống đứng tranh luận trước đầu xe khách 16 chỗ. 

Trong lúc các bên tranh cãi, ô tô VF9 do tài xế Trần Ngọc Thế (ở Thái Bình) từ phía sau lao tới, đâm mạnh vào đuôi xe khách 16 chỗ khiến anh Lâm cùng một người trên xe bán tải tử vong, 10 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu. 

Quá chủ quan khi đứng giữa đường tranh cãi

Vụ tai nạn khiến nhiều người không khỏi bức xúc, đặc biệt trước cách xử lý tình huống của những người điều khiển xe khách và xe bán tải. Anh Võ Đức Hưởng bình luận: "Văn hóa đi cao tốc của nhiều lái xe như đi đường làng, đáng ra phải đặt cảnh báo trước 100 m để các tài xế khác thấy mà tránh". 

"Dừng xe để giải quyết mâu thuẫn, tranh cãi, đền bù đúng sai ở làn cao tốc 120 km/h chẳng khác nào tự tử. Luật Giao thông đường bộ đã có quy định về việc xe gặp sự cố trên đường thì lái xe bắt buộc phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể thì phải đặt vật cảnh báo để báo hiệu người khác biết, và khoảng cách đặt vật cảnh báo phải đủ xa để đảm bảo an toàn", anh Vu Tuan tiếp lời. 

Có chung sự bất bình, độc giả Trương Tien Thuc viết: "Tai nạn xảy ra, đang trên cao tốc, nếu có thể thì cần đánh xe ngay vào làn khẩn cấp và sơ tán hành khách vào nơi an toàn, đây đứng giữa làn 120km/h cãi nhau, dù có cảnh báo cũng cực kỳ nguy hiểm. Không chỉ nguy hiểm cho xe khác mà còn với chính mình". 

"Các lái xe có thời gian xuống tranh cãi chứng tỏ lúc đó không có xe ở phía sau với khoảng cách gần. Họ đã quá chủ quan khi đứng giữa đường tranh cãi, trong khi tài xế VF9 cũng không tập trung quan sát khi lái xe, không làm chủ tốc độ. Xin chia buồn cùng gia đình các nạn nhân và mong muốn cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm tình trạng xe 16 chỗ chạy ẩu, quá tốc độ, luồn lách, tạt đầu trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng", anh Nguyễn Thanh Bình nêu quan điểm. 

Tai nạn 2 người chết trên cao tốc: Khi văn hóa đi cao tốc như đường làng! - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Trung Hiếu).

Theo thông tin hiện có, nguyên nhân va chạm ban đầu giữa xe bán tải và xe khách là do ô tô bán tải chạy chậm để tránh chướng ngại vật phía trước. Từ vấn đề trên, chủ tài khoản Haoylc cho rằng lực lượng chức năng cần phải xử lý nghiêm đối với không chỉ các trường hợp chạy quá tốc độ cho phép mà còn với cả những phương tiện chạy chậm, gây ùn tắc, cản trở giao thông trên cao tốc. 

"Rất nhiều phương tiện đi vào làn 120 km/h nhưng không nhằm vượt xe, nhiều xe chạy chậm dưới 110 km/h gây ùn tắc, cản trở phương tiện ở làn trái, nhất là sau trạm thu phí. Có cảm giác họ không được học về làn đường. Đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt các phương tiện lưu thông không đúng làn đường", người này bình luận. 

"Kinh nghiệm cho thấy, khi xảy ra sự cố bắt buộc phải dừng xe trên cao tốc, cần đặt cảnh báo nhưng quan trọng hơn là tìm cách rời khỏi khu vực xảy ra sự cố càng xa, càng nhanh càng tốt!", độc giả Hoang Huy rút ra bài học từ vụ tai nạn trên. 

Pháp luật quy định ra sao về việc dừng xe? 

Theo khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 26 Luật này, trong trường hợp lưu thông trên đường cao tốc, lái xe chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.