Bài 3:

Vụ phó chủ tịch xã xác nhận “ma”: Công an kết luận không phạm tội, luật sư phản đối kịch liệt

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc làm giả giấy ủy quyền quản lý, sử dụng, định đoạt đất có xác nhận “ma” của UBND xã Liên Mạc để vay khoản hơn 600 triệu rồi chây ỳ không trả nợ, Công an huyện Mê Linh kết luận vụ việc không có tội phạm. Tuy nhiên, luật sư Phan Thị Lam Hồng lại phân tích chỉ ra nhiều dấu hiệu hình sự.

Báo Dân trí vừa nhận được Công văn số 504/BC của Công an huyện Mê Linh do Trung tá Trương Văn Hồng - Phó trưởng Công an huyện Mê Linh ký hồi âm vụ việc “Một chữ ký “ma” đẩy người dân vào cảnh tán gia bại sản” được báo Dân trí đăng tải.

Liên quan đến vụ việc, anh Lưu Quý Trường (SN 1976), trú tại  Phố Yên - Tiền Phong - Mê Linh (Hà Nội) kêu cứu cho biết gia đình anh đang rơi vào cảnh “tán gia bại sản” do bị lừa mất 650 triệu đồng bằng một thoả thuận vay mượn dựa trên tấm giấy uỷ quyền “ma” được chính ông Trần Văn Toản - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc ký xác nhận chứng thực.

Giấy uỷ quyền giả được Phó chủ tịch xã Liên Mạc xác nhận "ma".

Giấy uỷ quyền giả được Phó chủ tịch xã Liên Mạc xác nhận "ma".

Với giấy uỷ quyền giả, vợ chồng Luyến - Thích đã đi giao dịch vay 650 triệu rồi nhiều năm chây ỳ không trả.

Với giấy uỷ quyền giả, vợ chồng Luyến - Thích đã đi giao dịch vay 650 triệu rồi nhiều năm chây ỳ không trả.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Tường trú tại Liên Mạc - Mê Linh (Hà Nội) chết năm 2007. Điều kỳ lạ là năm 2011, một tấm giấy ủy quyền sử dụng thửa đất 522 m2 lại có tên ông ký cùng xác nhận đóng dấu đỏ của Phó chủ tịch UBND xã Liên Mạc. Và người được uỷ quyền là vợ chồng ông Nguyễn Văn Luyến và Nguyễn Thị Thích dễ dàng đi giao dịch vay được 650 triệu của vợ chồng anh Trường rồi chây ì không trả.

Theo công văn của Công an huyện Mê Linh, việc vợ chồng Nguyễn Văn Luyến và Nguyễn Thị Thích dùng giấy uỷ quyền giả, được ông Trần Văn Toản - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc ký xác nhận chứng thực “ma” là có thật. Tuy nhiên, công an huyện Mê Linh cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó đã được anh Nguyễn Văn Nghị là con trai ông Tường (người đã chết trước đó nhiều năm vẫn có chữ ký uỷ quyền được xác nhận) đồng ý cho anh Luyến mượn để thế chấp vay tiền.

“Hiện anh Luyến vẫn cam kết hoàn trả anh Trường số tiền trên, không bỏ trốn. Giấy uỷ quyền mà anh Luyến làm không phải là giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức. Do vậy, hành vi của anh Luyến không phạm tội hình sự”, Công an huyện Mê Linh kết luận.

Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của anh Trường, sau khi có tấm giấy uỷ quyền giả được xác nhận của lãnh đạo địa phương, vợ chồng Luyến - Thích đã tạo lòng tin vay được số tiền 650 triệu đồng của vợ chồng anh Trường hẹn đến 22/9/2011 sẽ trả.

 

Giấy xác nhận người uỷ quyền cho vợ chồng Luyến - Thích đã chết trước đó nhiều năm.

Giấy xác nhận người uỷ quyền cho vợ chồng Luyến - Thích đã chết trước đó nhiều năm.

Thế nhưng đến hẹn không thấy vợ chồng Luyến trả tiền, anh Trường đến nhà để hỏi thì vợ chồng Luyến, Thích nói là không có tiền và xin gia hạn đến ngày 11/11/2011 sẽ trả hết. “Đến hẹn tiếp tục không thấy trả tiền, sau nhiều lần gọi điện cho Luyến không liên lạc được, tôi đã đến nhà để hỏi nợ thì không thấy anh Luyến đâu, hỏi chị Thích thì chị bảo anh đi đâu chị không biết, hỏi nợ thì chị bảo giờ chưa có tiền. Và đến thời điểm hiện tại, khi đã quá hạn nhiều năm, chúng tôi vẫn chưa được vợ chồng Luyến - Thích trả nợ”, anh Trường cho biết.

Trước kết luận của Công an huyện Mê Linh về vụ việc không tìm ra tội phạm, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Trưởng Văn phòng luật sư Đông Hà Nội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra nhiều phân tích cho rằng có nhiều hành vi phạm tội hình sự rõ ràng trong vụ việc này.

Theo luật sư Hồng, trước nhất là hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của vợ chồng ông Nguyễn Văn Luyến và bà Nguyễn Thị Thích.

“Để được cho vay khoản tiền 650.000.000 (Sáu trăm năm mươi triệu) đồng, ông Nguyễn Văn Luyến và vợ là bà Nguyễn Thị Thích đã có hành vi giả mạo trong việc lập Giấy ủy quyền để cụ Nguyễn Văn Tường ủy quyền cho ông Luyến được toàn quyền sử dụng thửa đất 522 m2 tại khu 3, Xa Mạc, Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội mà cụ là chủ hộ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 479235 do UBND huyện Mê Linh cấp ngày 15/12/2003). Tuy nhiên, trên thực tế cụ Tường đã mất từ năm 2007 (việc này đã được xác nhận của phó thôn xóm 3, Xa Mạc, Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội - Ông Nguyễn Phúc Thuận). Vậy tại sao một người đã chết có thể ký vào Giấy ủy quyền năm 2011?

Công an huyện Mê Linh cho rằng vụ việc với giả uỷ quyền giả và xác nhận "ma" là không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án.

Công an huyện Mê Linh cho rằng vụ việc với giả uỷ quyền giả và xác nhận "ma" là không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án.

Hành vi của vợ chồng Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Thị Thích đã có đầy đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo khoản 1, Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như sau: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Như vậy, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Trong vụ án này, ông Nguyễn Văn Luyến và bà Nguyễn Thị Thích đã  có hành vi dùng Giấy ủy quyền giả để ông Lưu Quý Trường tin tưởng và cho vay số tiền là 650.000.000 (Sáu trăm năm mươi triệu) đồng vì vậy đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Việc Cơ quan CSĐT- CA huyện Mê Linh ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự khi hành vi của ông Nguyễn Văn Luyến, bà Nguyễn Thị Thích đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là trái quy định pháp luật. Ngoài ra, trong Thông báo số 504/BC về việc Thông báo kết quả giải quyết đơn khiếu nại của anh Lưu Quý Trường ở Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội, Cơ quan CSĐT – CA huyện Mê Linh cho rằng bà Nguyễn Thị Thích chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự về số tiền vay ông Trường là không có căn cứ vì bà Thích chính là người cùng ký vào Giấy ủy quyền do đó bà Thích đồng phạm với ông Luyến về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này”, luật sư Hồng bày tỏ.

 

Luật sư Phan Thị Lam Hồng phản bác cho rằng nhiều dấu hiệu phạm tội hình sự trong vụ việc.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng phản bác cho rằng nhiều dấu hiệu phạm tội hình sự trong vụ việc.

Theo luật sư Hồng, dấu hiệu tội phạm còn ở hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của Phó chủ tịch UBND xã Liên Mạc.

Thứ nhất, sai phạm về thẩm quyền chứng thực Giấy ủy quyền.

Điểm c, Khoản 1, Điều 23, Nghị định 75/2000/NĐ- CP về công chứng, chứng thực quy định  UBND huyện có thẩm quyền:

“Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản theo thẩm quyền địa hạt quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định này”.

Như vậy, theo quy định của điều luật trên UBND huyện có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản. Phó chủ tịch UBND xã chỉ được làm những công việc theo thẩm quyền của mình điều này cũng có nghĩa việc ông Phó chủ tịch UBND xã Liên Mạc chứng thực Giấy ủy quyền liên quan đến bất động sản mà vợ chồng ông Luyến, bà Thích đã lập ra là trái quy định của pháp luật.

Thứ hai, hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chứng thực chữ ký của cụ Nguyễn Văn Tường.

Khoản 1, Điều 11, Nghị định 75/2000/NĐ- CP về công chứng, chứng thực quy định việc ký, điểm chỉ trong việc thực hiện công chứng, chứng thực như sau:

“Việc ký, điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, chứng thực phải được thực hiện trước mặt người thực hiện công chứng, chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác…”.

Theo quy định này, khi yêu cầu UBND xã Liên Mạc chứng thực Giấy ủy quyền thì việc ký vào Giấy ủy quyền của cụ Nguyễn Văn Tường, ông Nguyễn Văn Luyến, bà Nguyễn Thị Thích phải được thực hiện trước mặt người thực hiện chứng thực (ông Phó chủ tịch xã Liên Mạc). Tuy nhiên trên thực tế, khi ông Phó chủ tịch UBND xã chứng thực Giấy ủy quyền không có mặt của cụ Nguyễn Văn Tường vì cụ Tường đã mất từ năm 2007. Việc ông Phó chủ tịch thực hiện chứng thực Giấy ủy quyền là thiếu trách nhiệm.

Việc làm thiếu trách nhiệm trên của ông Phó chủ tịch UBND xã Liên Mạc đã dẫn tới hậu quả là vợ chồng ông Luyến, bà Thích chiếm đoạt số tiền 650.000.000 (Sáu trăm năm mươi triệu) đồng của ông Lưu Quý Trường. Theo quy định tại mục b5, điểm 3.4, khoản 3, Điều 1, Thông tư liên tịch 02/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự 1999 thì gây thiệt hại rất nghiêm trọng là “gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng”. Do đó, thiệt hại từ việc làm thiếu trách nhiệm của ông Phó chủ tịch UBND xã Liên Mạc đã gây ra là thiệt hại rất nghiêm trọng.

“Cơ quan CSĐT- CA huyện Mê Linh cho rằng ông Phó chủ tịch UBND xã Liên Mạc không có mục đích, động cơ vụ lợi cá nhân trong việc ký xác nhận vào Giấy ủy quyền nên không cấu thành tội phạm hình sự là không có căn cứ, hiểu sai quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự chỉ cần có hành vi thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng đã cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều luật không quy định động cơ, mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc. Do đó, hành vi của ông Phó chủ tịch đã cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng””, luật sư Hồng khẳng định.

Dân Trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế