Bài 6:

Vụ phản ứng tàu cát trên sông Lô: Dân khẳng định việc bắt người là sự thật!

(Dân trí) - Chiều ngày 17/12, trả lời PV Dân trí ngay tại khúc sông Lô thuộc xã Đội Bình - Yên Sơn (Tuyên Quang), anh Trần Văn Báu thêm một lần nữa khẳng định việc anh bị phó chủ tịch xã, công an xã còng tay, bắt giữ đưa về trụ sở là có thật. Người dân địa phương cũng lên tiếng xác nhận sự thật.


Sau khi báo Dân trí liên tiếp đăng tải loạt bài điều tra phản ánh vụ việc anh Trần Văn Báu trú tại thôn Cầu Cháy - xã Vĩnh Lợi - Sơn Dương - Tuyên Quang bị ông Trần Hoài Cảnh - Phó chủ tịch xã Đội Bình, ông Hoàng Văn Quỳnh, trưởng công an xã và ông Hoàng Văn Tiến, phó công an xã bắt giữ khi anh Báu cùng người dân xua đuổi tàu cát của Công ty TNHH Hiệp Phú vì cho rằng tàu cát gây sạt lở bờ sông Lô, chiều ngày 17/12, PV Dân trí lại tiếp tục vượt chặng đường hơn 100km quay trở lại hiện trường khúc sông Lô để làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ việc.

Từ thị trấn Yên Sơn, men theo con đường đất ghập ghềnh ổ trâu, ổ gà gần sát triền sông Lô, PV Dân trí đã tận thấy trên một khúc sông Lô ước chừng hơn 3km có rất nhiều phương tiện phục vụ cho việc khai thác cát sỏi. Chuyển tầm mắt về hướng sát mép sông, chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều những vết sạt lở, nứt nẻ kéo thành vệt dài.

Anh Trần Văn Báu (phải) bức xúc kể lại việc bị còng tay bắt giữ với PV Dân trí.
Anh Trần Văn Báu (phải) bức xúc kể lại việc bị còng tay bắt giữ với PV Dân trí.

Tiếp xúc với PV Dân trí tại khúc sông Lô thuộc xã Đội Bình, nơi xảy ra sự việc anh Trần Văn Báu bị bắt giữ ngày 4/11, anh Báu lại bức xúc: "Tôi ra khu tàu cát đang làm và yêu cầu chủ tàu làm xa bờ. Đúng lúc đó anh công an viên và bà con thôn Chiến Thắng cũng đã có mặt rất đông, tàu cuốc vẫn tiếp tục khai thác. Tôi gọi điện tiếp cho anh công an huyện phụ trách địa bàn xã. Vì người dân trong thôn ra đã đông nên tôi vào bờ ngồi.

Ngồi được 20 phút thì thấy ông Trần Hoài Cảnh - Phó chủ tịch xã Đội Bình, ông Hoàng Văn Tiến là phó công an xã, ông Hoàng Văn Quỳnh là trưởng công an xã và đại diện công an huyện phụ trách địa bàn. Tôi chào ông Cảnh nhưng bất ngờ ông Cảnh lao vào bẻ tay tôi ra sau rồi hô ông Tiến và ông Quỳnh khóa tay tôi bằng còng số 8 áp tải tôi ra xã.

Việc ông Trần Hoài Cảnh - Phó chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo bắt tôi có rất nhiều bà con thôn Chiến Thắng chứng kiến. Hơn thế nữa, mọi người chứng kiến sự việc đều bức xúc vì hành vi bắt người của chính quyền mà không hề có lệnh bắt giữ", anh Báu nói.

Anh Báu còn cho biết: "Tôi bị họ dẫn giải đưa về trụ sở UBND xã Đội Bình để làm bản tường trình về sự việc xảy ra. Sau đó, tôi lại tiếp tục bị đưa lên trụ sở Công an huyện Yên Sơn làm việc.Trong quá trình làm việc với tôi, cả lãnh đạo UBND xã, công an xã và các đồng chí công an huyện Yên Sơn đều không công bố quyết định về việc tạm giữ hành chính hay hình sự gì với tôi cả. Hơn 20 giờ sau khi sự việc xảy ra, bỗng nhiên tôi lại được cho về. Và tôi cũng hề nhận được quyết định, lý do hay câu trả lời thỏa đáng nào từ những người liên quan".

Theo lời anh Báu, sự việc xảy ra đối với anh đã gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho bản thân cũng như những người thân trong gia đình anh. Theo đó, anh Báu đã trực tiếp đề nghị PV Dân trí vào cuộc, theo sát vụ việc mà anh Báu cho rằng anh bị những người có cương vị thực hiện nhiệm vụ có dấu hiệu bất minh. Anh Báu cho rằng những người đó đã lợi dụng quyền hạn và chức vụ trong quá trình làm việc với công dân để xâm phạm đến thân thể, danh dự nhân phẩm cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của anh này.

Anh Trần Văn Báu (phải) bức xúc kể lại việc bị còng tay bắt giữ với PV Dân trí.
Anh Trần Văn Báu (phải) bức xúc kể lại việc bị còng tay bắt giữ với PV Dân trí.
Hình ảnh các phương tiện phục vụ cho việc khai thác cát sỏi của công ty nằm ngay sát bờ sông Lô chiều ngày 17/12 gần hiện trường anh Trần Văn Báu bị còng tay chiều ngày 4/11.

Anh Báu chia sẻ: "Dù sau khi tôi bị bắt giữ và đã được cho về nhà nhiều ngày, thế nhưng, thi thoảng cán bộ công an huyện Yên Sơn vẫn điện thoại để yêu cầu tôi đến trụ sở làm việc. Tôi rất lo lắng và mệt mỏi. Vì thế, tôi đã thuê luật sư tư vấn giúp tôi để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tôi trong vụ việc này".

Cũng tại buổi tiếp xúc với PV Dân trí, những người dân địa phương đã trực tiếp xác nhận việc anh Báu bị bắt giữ, còng tay vào chiều ngày 4/11 là điều hoàn toàn có thật.

Trước đó, ông Đàm Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Đội Bình cho biết, phía UBND xã Đội Bình cũng đang phối hợp với Công an huyện Yên Sơn điều tra sự việc.

Về việc Công ty TNHH Hiệp Phú khai thác cát trên sông Lô khiến người dân địa phương bức xúc xua đuổi vì cho rằng gây sạt lở bờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, ông Hợi cho rằng Công ty TNHH Hiệp Phú thực hiện hút cát theo giấy phép. Tuy nhiên, ông Hợi thừa nhận việc khai thác cát của Công ty TNHH Hiệp Phú cũng góp phần gây ra tình trạng sạt lở bờ sông Lô nhưng đã hỗ trợ cho người dân.

Theo giải trình của ông Hoàng Văn Quỳnh - Trưởng Công an xã Đội Bình tại cuộc họp Ban thường vụ mở rộng của UBND xã Đội Bình ngày 12/11/2014, việc bắt anh Trần Văn Báu khi chưa có chứng cứ xác đáng là sai. Vì đi cùng ông Trần Hoài Cảnh nên ông Quỳnh cũng tham gia vào sự việc.

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

A) Có tổ chức;

B) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

C) Đối với người thi hành công vụ;

D) Phạm tội nhiều lần;

Đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin những diễn tiến tiếp theo của vụ việc đến bạn đọc.

Anh Thế