Vụ ông bố đánh bạn của con: Mức xử phạt khi đánh trẻ dưới 16 tuổi ra sao?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, việc làm của Mỹ rõ ràng đã vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi nhẫn tâm đó hết sức nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, sự phát triển tinh thần của cháu K.

Như đã đưa tin, do Phan Thượng Mỹ (SN 1979) có hành vi chặn đường, đánh dã man bạn học cùng lớp với con nên đã bị công an huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) khởi tố, bắt tạm giam.

Phan Thượng Mỹ bị bắt tạm giam 3 tháng để điều tra hành vi gây thương tích đối với em L.G.K., học sinh lớp 9 trường THCS thị trấn La Hà.

Trước đó, người đàn ông này không hợp tác với nhà trường để giải quyết sự việc. Vợ của ông này cho rằng, bạn của con ra tay trước với bậc cha chú khiến ông bực tức.

Sự vào cuộc kịp thời của cơ quan công an được dư luận đồng tình ủng hộ. Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả thắc mắc ngoài bị điều tra về hành vi gây thương tích, người đàn ông này có bị tăng nặng trách nhiệm hình sự khi có hành vi bạo lực với trẻ dưới 16 tuổi không?

Vụ ông bố đánh bạn của con: Mức xử phạt khi đánh trẻ dưới 16 tuổi ra sao? - 1

Hình ảnh Phan Thượng Mỹ dùng đầu gối, cùi chỏ đánh vào đầu cháu K. được camera an ninh ghi lại (Ảnh cắt từ clip).

Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết hiến pháp và những văn bản pháp luật hiện hành luôn ưu tiên bảo vệ trẻ em và nghiêm cấm các hành vi bạo lực đối với trẻ em. Cụ thể Điều 37 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".

Theo Điều 1 Công ước quyền trẻ em, trong phạm vi Công ước này trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ các trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định dưới tuổi thành niên sớm hơn. Tuy nhiên theo Luật trẻ em năm 2016 hiện nay lại quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Việc làm của Phan Thượng Mỹ rõ ràng đã vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi nhẫn tâm đó hết sức nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, sự phát triển tinh thần trong suốt quãng đời còn lại của cháu K.

Tuy nhiên để đưa ra được mức hình phạt cho người đàn ông này, cần phải căn cứ vào tính chất của hành vi và hậu quả mà cháu bé gặp phải.

Do đối tượng phạm tội trong trường hợp này là trẻ em nên căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội cố ý gây thương tích làm tổn hại đến sức khỏe của người khác. Tuy nhiên tùy vào tỷ lệ thương tật của nạn nhân mà hình phạt có thể tăng lên theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Một tội danh khác mà người thực hiện hành vi này có thể phải gánh chịu khi thực hiện hành vi bạo hành trẻ em đó là tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015.

Khi đã xâm phạm đến quyền được bảo hộ về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác, căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 thì người thực hiện hành vi có thể phải bị phạt tù từ 1-5 năm tù tùy vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi.

Ngoài ra còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015. Theo đó người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.