Ông bố đánh bé 2 tuổi giành đồ chơi với con và bài học pháp lý cay đắng!
(Dân trí) - Người thực hiện hành vi đánh đập trẻ em dưới 16 tuổi dù tỉ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường tổn thất cho gia đình đứa bé.
Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền và tức giận về đoạn video quay lại cảnh 1 người đàn ông xông vào lớp học túm tóc, tát vào mặt 1 bé gái vì cô bé tranh giành đồ chơi và cắn vào tay con gái ông.
Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Phan Vũ Tuấn đến từ Văn phòng Luật Phan Law Vietnam để cùng tìm hiểu.
Thưa luật sư, hành vi đánh đập bé gái của người phụ huynh trong đoạn video sẽ bị xử phạt thế nào theo quy định của pháp luật?
L.s Phan Vũ Tuấn: Đánh đập trẻ em là một trong những hành vi bạo lực trẻ em và theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, hành vi bạo lực trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Như vậy, hành vi bạo lực trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người có hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng đó là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi đánh đập trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em dưới 16 tuổi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% cũng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên tới 3 năm. Trường hợp tỷ lệ tőn thương cơ thể trên 11% thì có thể bị truy cứu với khung hình phạt cao nhất 20 năm hoặc tù chung thân (Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.
Giáo viên hoặc phụ huynh khác nhìn thấy hoặc biết hành vi đánh đập trẻ em nhưng im lặng mà không báo thì có bị xem là vi phạm pháp luật không?
L.s Phan Vũ Tuấn: Theo quy định tại Điều 51 Luật Trẻ em năm 2016, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.
Nghị định 144/2013/NĐ-CP và các văn bản liên quan không có quy định cụ thể về mức xử phạt hành chính nếu có hành vi không thông tin, thông báo về hành vi xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, khi hành vi đánh đập trẻ em bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì hành vi trên có thể bị coi là Tội không tố giác tội phạm và bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015), trừ trường hợp người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.
Xét dưới góc độ đạo đức, đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, hành vi nhìn thấy trẻ em bị đánh mà không can ngăn là hành vi thể hiện sự vô tâm của con người, cần phải lên án và phải bị xử lý theo quy chế của trường học (nếu có).