Vụ bé 4 tuổi bị đánh ở khu vui chơi: Đủ cấu thành hành vi bạo hành trẻ em?

Hải Hà

(Dân trí) - Nóng tính, mất bình tĩnh, không kìm chế được cảm xúc… không bao giờ có thể là cái cớ để giải thích cho những cơn quát tháo hay đòn roi mà người lớn giáng xuống đầu trẻ nhỏ.

Liên quan đến vụ việc cháu gái 4 tuổi bị đánh tại khu vui chơi ADCbook, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, ông V.T.Đ. (SN 1988, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) đã bị công an quận Hoàng Mai triệu tập tới làm việc.

"Hiện cơ quan công an chưa tiến hành tạm giữ hay đưa ra bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào với ông Đ.. Chúng tôi mới chỉ triệu tập người đàn ông này đến cơ quan công an để phối hợp làm rõ vụ việc. Công an quận đang phối hợp với Công an phường Hoàng Liệt điều tra, làm rõ sự việc này", một lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàng Mai cho biết.

Vụ bé 4 tuổi bị đánh ở khu vui chơi: Đủ cấu thành hành vi bạo hành trẻ em? - 1

Ông V.T.Đ. tới làm việc tại cơ quan công an (Ảnh: Công an cung cấp).

Vụ việc khiến dư luận hết sức bất bình. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý nghiêm theo đúng luật, nhất là việc bạo hành trẻ em thì cần phải khởi tố sớm...

Hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ nhỏ cần phải được xử lý mạnh tay!

Bạn đọc Nguyen Van Anh viết: "Hành vi của người này quá côn đồ, hành hung một đứa trẻ không có khả năng tự vệ chỉ vì em bé vô ý. Về nhà, em bé vẫn có biểu hiện khác thường chứng tỏ em đã bị hành hung nghiêm trọng. Đề nghị xử phạt người đàn ông thật nặng để làm gương cho người khác, ở một đô thị văn minh không thể chứa chấp hành vi côn đồ này".

"Xem video thấy người này rất ích kỷ, con chưa trượt được nhưng vẫn cho ngồi ngay dưới cầu trượt, các bé khác không trượt được. Thêm nữa, cũng là người có con nhỏ, anh này hành hung một cháu 4 tuổi như vậy cái tâm anh ác quá, dù cháu có lỡ ném quả bóng vào mặt cũng đã sao đâu. Anh này nếu không biết kiềm chế sẽ có ngày đánh đau chính con mình...

Vì thế, theo tôi xử lý thế nào để răn đe được những người như thế này mới là quan trọng. Vấn nạn bạo hành trẻ em ngày càng nhức nhối, xảy ra nhiều vụ thương tâm nhưng quy định xử lý đối với hành vi bạo hành trẻ em hình như chưa đủ sức để răn đe", quan điểm của bạn đọc Hà Minh.

Vụ bé 4 tuổi bị đánh ở khu vui chơi: Đủ cấu thành hành vi bạo hành trẻ em? - 2

Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy hành vi bạo hành của người đàn ông với bé gái.

Bạn đọc Việt Anh thì cho rằng: "Hai năm gần đây có quá nhiều hành vi bạo lực với các cháu bé gái dưới 5 tuổi, có ai thấy điều gì bất thường trong văn hóa xã hội chúng ta hay không? Có cần phải báo động chưa hay cần bổ sung các án phạt nặng hơn cho những hành vi xâm hại trẻ vị thành niên, thiếu nhi, nhất là với bé gái?"

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng đây là vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần cháu bé. Theo luật sư Xuyến: "Pháp luật quy định rất rõ về mức độ của các hành vi bạo hành trẻ, nhưng tôi cho rằng tội hành hung, xâm phạm thân thể, ngược đãi trẻ nhỏ cần phải được xử lý mạnh tay để người này và những ai đó có ý định ngược đãi, hành hung trẻ em phải chùn tay.

Nóng tính, mất bình tĩnh, không kìm chế được cảm xúc… không bao giờ có thể là cái cớ để giải thích cho những cơn quát tháo hay đòn roi mà người lớn giáng xuống đầu trẻ nhỏ".

Theo quy định tại khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 bạo lực trẻ em là hành vi: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập; Xâm hại thân thể, sức khỏe; Lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần trẻ em.

Như vậy, bạo hành trẻ em được hiểu là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em, trong đó:

- Bạo lực thể chất là hành vi dùng vũ lực với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác như đánh đập, trói hoặc có hành động khác gây tổn thương cơ thể.

- Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. Hành vi bạo lực tinh thần có thể bao gồm: chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; gây áp lực thường xuyên về tâm lý hoặc hành động khác gây tổn thương tinh thần. Những hành vi này mặc dù không tác động trực tiếp đến thể chất nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ em.

"Theo diễn biến sự việc, tại cơ quan công an người này khai: Quá trình chơi, bé M. nhặt những quả bóng nhựa ném, vô tình trúng phải người đàn ông đeo kính cận. Người đàn ông này đã lớn tiếng mắng và dùng tay đánh cháu bé. Như vậy có thể thấy rõ việc đánh đập và mắng mỏ khiến cháu bé bị ảnh hưởng về tinh thần, đã đủ cấu thành hành vi bạo hành trẻ em", luật sư Xuyến cho biết.

Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tùy vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em

Theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu TNHS

Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người. Cụ thể:

* Đối với tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên.

* Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Luật sư Xuyến cho rằng, cần xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em để tạo sự răn đe cho xã hội. Tuy nhiên, trừng trị không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ để thúc đẩy các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc bảo vệ trẻ em.