Hà Nội:

Vụ mất xe tại nhà hàng My Way: Hoài nghi về “đạo đức kinh doanh”

(Dân trí) - Ngày 16/2, TAND quận Cầu Giấy tiến hành phiên hòa giải lần thứ ba, với sự tham gia của đại diện nguyên đơn và bị đơn. Lấy lý do anh Toàn không có hợp đồng gửi giữ xe máy với nhà hàng, nên phía My Way không chấp nhận bồi thường.

Vụ mất xe tại nhà hàng My Way: Hoài nghi về “đạo đức kinh doanh” - 1
Chiều ngày 9/2, bà Lê Thị Khanh, thẩm phán TAND quận Cầu Giấy cùng đại diện UBND phường Trung Hòa, đại diện các đương sự trong vụ kiện trên đã có mặt tại nhà hàng My Way (tầng 1 tòa nhà 24T2, đường Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) để xem xét, thẩm định hiện trường nơi anh Vũ Song Toàn tố bị mất chiếc xe mang nhãn hiệu Honda PS, màu đen, BKS 29Y1-1673.

Lần thứ 3 tòa án hòa giải bất thành

Vụ việc mất xe tại nhà hàng My Way trong thời gian qua được đông đảo bạn đọc quan tâm. Tiếp tục bám sát diễn biến vụ án, ngày 17/2/2012, PVDân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường (người đại diện theo ủy quyền của anh Vũ Song Toàn) cùng luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), người nhận bảo vệ miễn phí cho anh Toàn trong vụ việc trên.

Ông Cường cho biết: Sau phiên hòa giải trước không thành do hai bên không thống nhất được các nội dung cần hòa giải, ngày 16/2/2012 tại trụ sở TAND quận Cầu Giấy, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã tiến hành phiên hòa giải lần thứ ba, với sự tham gia của đại diện theo ủy quyền của cả nguyên đơn và bị đơn.

Cũng giống như tại phiên hòa thứ hai, tại phiên hòa giải lần này, phía My Way vẫn xác nhận vào ngày 13/2/2011 có sự việc anh Toàn đến nhà hàng My Way sử dụng dịch vụ của nhà hàng nhưng không xác định việc anh Toàn mất xe. Lấy lý do anh Toàn không có hợp đồng gửi giữ xe máy với nhà hàng, nên phía My Way không chấp nhận bồi thường. Tuy nhiên, trên phương diện đạo đức kinh doanh, anh Toàn là khách quen của nhà hàng nên phía My Way sẵn sàng hỗ trợ rủi ro cho anh Toàn với điều kiện anh Toàn phải rút đơn khởi kiện.

Do phía bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm thiếu thiện chí trên mà kết quả của buổi hòa giải tiếp tục bất thành.

Hoài nghi về “đạo đức kinh doanh”

Trước quan điểm trên từ phía My Way, người đại diện của anh Toàn cho hay: “Nếu phía My Way nói không xác nhận việc anh Toàn mất xe nhưng lại chấp nhận hỗ trợ rủi ro cho anh Toàn thì đây đã là điều hết sức vô lý, vì nếu không có sự việc mất xe thì anh Toàn cũng không có rủi ro gì trong ngày 13/02/2011 khiến My Way phải hỗ trợ cả. Vì vậy, phía nguyên đơn cảm thấy vô cùng hoài nghi về cái gọi là “đạo đức kinh doanh” từ phía My Way, vì đó là thứ đạo đức tối thiểu, là tôn trọng sự thật khách quan phía My Way còn chối bỏ, vậy thực chất cái gọi là “đạo đức kinh doanh” mà đại diện My Way nhắc tới ở đây chỉ là một thứ “đạo đức giả”.

Còn về số tiền “hỗ trợ rủi ro” cho anh Toàn mà phía My Way “có thiện chí”, chúng tôi thiết nghĩ phía My Way nên dùng số tiền này vào mục đích làm từ thiện, nếu thực sự họ có đạo đức kinh doanh, phía nguyên đơn hoàn toàn không chấp nhận cái gọi là “hỗ trợ rủi ro” này từ My Way.

Người đại diện của anh Toàn cũng cho hay, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, không hiểu do vô tình hay hữu ý mà người đại diện theo ủy quyền của phía My Way lại luôn tỏ ra là người thích cãi vã, tranh luận hơn là việc tìm kiếm một giải một pháp hữu ích, có lợi cho cho cơ quan mình để từ đó hai bên có thể tìm được tiếng nói chung, qua đó giúp Tòa án có thể nhanh chóng kết thúc vụ án, tránh gây căng thẳng, mất thời gian công sức cho cả hai bên, bảo vệ hình ảnh và uy tín cho đơn vị do mình đại diện.

Sẵn sàng theo đuổi vụ kiện vì công lý

Ngày 18/2, trao đổi với PV Dân trí, nạn nhân của vụ mất xe máy tại nhà hàng My Way cách đây đã hơn 1 năm, anh Vũ Song Toàn cho biết: “Trong những lần tiếp xúc với đại diện phía My Way, tôi cho rằng họ không thể hiện thái độ thiện chí thật sự. Bằng chứng là thực tế họ đã chấp nhận bồi thường một nửa giá trị chiếc xe nhưng lại dùng thuật ngữ là “hỗ trợ rủi ro” để chối bỏ trách nhiệm. Nếu đã thành thật với nhau thì sử dụng ngôn từ hòng lái sự việc theo hướng khác để làm gì, và tại sao họ không làm việc này từ đầu mà để đến nỗi tôi phải đâm đơn kiện, sự việc rùm beng lên họ mới ‘thể hiện thiện chí’?
Vụ mất xe tại nhà hàng My Way: Hoài nghi về “đạo đức kinh doanh” - 2
Hiện trường vụ mất xe tại nhà hàng My Way được anh Vũ Song Toàn chụp lại

Tiếp đến là khi toà án triệu tập các đương sự tới hiện trường để thẩm định lại, đại diện phía nhà hàng (những người không hề có mặt hôm tôi bị mất xe) một mực khẳng định họ đã đặt cái biển to đùng trước cửa để khuyến cáo khách hàng từ thời điểm tôi mất xe. Nhưng thực tế, tấm ảnh tôi chụp lại bằng điện thoại ngay sau vụ việc đã chứng minh họ nói dối. Rất may là tôi đã chụp lại ảnh, chứ không thì…”.

Anh Toàn khẳng định, với quyết tâm làm rõ trắng đen của vụ việc, anh đã chuẩn bị tinh thần và dự phòng trong trường hợp xấu nhất, anh sẵn sàng theo đuổi vụ việc cho dù nó có kéo dài 5 năm, thậm chí 10 năm nữa.

Ngoài ra anh cũng cho biết, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình cũng đồng quan điểm sẵn sàng cùng anh theo đuổi vụ kiện tới cùng. Anh Toàn cho rằng trong vụ kiện này mức bồi thường mà phía My Way phải chịu trách nhiệm (trong trường hợp anh thắng kiện) không phải yếu tố quan trọng. Với anh, ý nghĩa xã hội sau vụ việc này mới là điều anh theo đuổi và anh luôn tin vào sự công minh của pháp luật.
 

Theo Luật sư Trương Anh Tú, căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, sau khi đã thực hiện đầy đủ các phiên hòa giải, các bên vẫn không hòa giải được thì thẩm phán thụ lý vụ án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nhằm có căn cứ về mức bồi thường, hiện TAND quận Cầu Giấy đang tiến hành gửi các tài liệu chứng cứ về chiếc xe PS bị mất của anh Toàn tới Hội đồng định giá tài sản (Hội đồng định giá tài sản do thẩm phán được phân công thụ lý thành lập) để xác định giá trị chiếc xe.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên khi có diễn biến mới.

Vũ Văn Tiến