Vụ kiện nhà hàng My Way: Thất vọng vì sự thật không được tôn trọng

(Dân trí) - Chúng ta luôn kêu gọi người tiêu dùng phải thông thái, nhưng điều này rất khó, bởi trước khi đòi hỏi người tiêu dùng thông thái thì pháp luật phải thông thái, những người cầm cân nảy mực phải thông thái và người bảo vệ người tiêu dùng phải đặc biệt thông thái.

Vụ kiện nhà hàng My Way: Thất vọng vì sự thật không được tôn trọng
Cán bộ của TAND quận Cầu Giấy đang đo đạc hiện trường nơi anh Toàn
bị mất xe mang nhãn hiệu Honda PS
 
Ngày 10/5 vừa qua, TAND quận Cầu Giấy mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ mất xe máy tại nhà hàng My Way, để làm sáng tỏ hơn những “bất thường” của phiên tòa, PV Dân trí đã có buổi phỏng vấn luật sư Trương Anh Tú - người bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Vũ Song Toàn là nạn nhân trong vụ việc nêu trên.

Ông đánh giá thế nào về kết quả xét xử sơ thẩm vụ án?

Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy thất vọng, điều thất vọng lớn nhất không phải là việc thân chủ tôi không được bồi thường, mà đó là sự thật khách quan không được tôn trọng. Trong khi sự việc xảy ra là người thật, việc thật. Điều này chẳng khác nào “cánh cửa” bảo vệ người tiêu dùng vừa “hé mở” đã bị “đóng sập lại”.

Xin ông cho biết, căn cứ vào đâu để Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn?

HĐXX đã căn cứ vào một phần (chứ không phải toàn bộ) lời khai của cô Thủy (lễ tân của nhà hàng My Way) và một cán bộ ở địa phương, trong khi các lời khai này hết sức mâu thuẫn và đáng ngờ. Đó không thể coi là những chứng cứ khách quan và xác thực để làm căn cứ giải quyết vụ việc, bên cạnh đó, chúng tôi đưa ra không ít những chứng cứ là sự thật khách quan thì đều bị HĐXX bác bỏ, điều này khiến chúng tôi mất niềm tin vào những người thực thi pháp luật trọng vụ án này.

Ông có thể nêu ra những chứng cứ mà ông đưa ra tại phiên tòa để bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn là ông Vũ Song Toàn?

Tại phiên tòa, cùng với những luận điểm của mình, tôi đều đưa ra những chứng cứ có tính chính xác cao như: File ghi âm lại diễn biến sau khi việc mất xe xảy ra, lời khai mâu thuẫn của bị đơn, lời khai của các nhân chứng trong vụ việc... Mọi người tham dự phiên tòa ngày hôm đó đều có thể thấy rằng chứng cứ mà chúng tôi đưa ra hết sức đa dạng, logic và phù hợp với thực tế khách quan. Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà HĐXX lại bác bỏ hoặc không xem xét, đánh giá một cách đúng mức những chứng cứ này.
Vụ kiện nhà hàng My Way: Thất vọng vì sự thật không được tôn trọng
Bà Lê Thị Khanh, thẩm phán TAND quận Cầu Giấy, Chủ tọa phiên tòa

Theo ông, đâu là những điều mà ông cho là bất hợp lý trong vụ án?

Mấu chốt để xem xét việc có chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hay không là việc chứng minh vào ngày 13/2/2011 khi anh Toàn đến nhà hàng thì anh toàn và nhà hàng có thiết lập hợp đồng gửi giữ tài sản không và trước cửa nhà hàng có tấm biển cảnh báo khách hàng về việc lấy vé không?

Việc vắng mặt hai nhân chứng quan trọng tại phiên tòa là cô Đinh Thị Thủy - nhân viên lễ tân của nhà hàng và ông Phạm H.N - phường Trung Hòa đã khiến bà thẩm phán chủ tọa tại phiên tòa phải công bố lời khai của hai người này. Tuy nhiên, những lời khai trước đây của hai người làm chứng này có rất nhiều mâu thuẫn;

Đối với cô Đinh Thị Thủy là cô nhân viên đón khách tại cửa nhà hàng mà anh khi anh Toàn tới nơi, do không thấy bảo vệ đâu nên anh Toàn đã hỏi cô này về việc để xe nơi anh đang dựng có được không và cô Thủy  gật đầu đồng ý. Trong băng ghi âm diễn ra do anh Toàn ghi lại thì cô Thủy có xác nhận về việc mất xe và sự việc mình đồng ý. Tuy nhiên, ngày 13/2/2012 (tức là tròn 1 năm sau ngày mất xe) tại bản tự khai tại trụ sở TAND quận Cầu Giấy, cô Thủy đã phủ nhận việc đồng ý trước câu hỏi của anh Toàn. Tòa án căn cứ vào tài liệu này để đưa ra nhận định giữa anh Toàn và nhân viên đại diện này không xác lập hợp đồng gửi giữ để bác yêu cầu bồi thường.

Đối với ông Phạm H.N, ngày 13/2/2011, sau khi nhận được trình báo của anh Toàn về việc mất xe thì ông N có tới hiện trường thu thập thông tin ban đầu. Tuy nhiên, hoàn toàn không có việc ông N chỉ cho anh Toàn về việc nhà hàng có tấm biển kẻ vẽ sơ đồ hiện trường vụ mất xe điều này đã được những người trực tiếp có mặt từ đầu tới cuối là anh Toàn, anh Sáng, anh Hoàng một mực khẳng định. Đây là điều đáng hoài nghi thứ nhất.

Tuy nhiên, điều vô lý hơn nữa là trong hồ sơ vụ án không hề có tài liệu nào trong hồ sơ phản ánh việc các đương sự thu thập các tài liệu này nhưng vị thẩm phán được phân công giải quyết vụ án lại rất “tận tâm” và “sốt sắng” trong việc thu thập tài liệu này, điều đó là không phù hợp với quy định của Bộ luật TTDS. 

Như vậy, để chứng minh cho những điểm mâu thuẫn cần làm sáng tỏ thì Tòa án chỉ căn cứ một cách phiến diện vào những tài liệu thiếu khách quan, có nhiều nghi ngờ về tính trung thực, chứ không xem xét đánh giá những chứng cứ có tính xác thực, phù hợp với lời khai ban đầu và kết quả tranh luận tại phiên tòa để đưa ra nhận định. Có thể nói nhận định của Tòa để bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn là rất khiên cưỡng.

Về việc định giá chiếc xe PS làm căn cứ giải quyết vụ án: Trong suốt quá trình tố tụng cũng như tại thời điểm diễn ra phiên tòa, mặc dù nguyên đơn vẫn không đồng ý với kết quả định giá chiếc xe của mình. Viện kiểm sát sau khi nghiên cứu hồ sơ cũng nhận thấy việc định giá này cũng là chưa chính xác do hội đồng định giá chưa tuân thủ đúng nguyên tắc định giá trong tố tụng dân sự, đã có ý kiến về vấn đề này (đề nghị hoãn phiên tòa để định giá lại, thẩm định lời nói trong băng ghi âm) tuy nhiên, bất chấp tất cả, Tòa vẫn nhất mực bảo lưu quan điểm của mình, thậm trí đôi lúc còn “cự lại” vị đại diện VKS.
 
Vụ kiện nhà hàng My Way: Thất vọng vì sự thật không được tôn trọng
Luật sư Trương Anh Tú: "Giá trị tài sản của vụ việc không lớn nhưng đây là một vụ án thu hút sự quan tâm lớn của dư luận"

Được biết, ông Toàn có nguyện vọng kháng cáo, ông đánh giá thế nào về việc xét xử phúc thẩm trong thời gian sắp tới?

Xét xử là việc của các cấp Tòa án, xét xử phúc thẩm là việc chưa diễn ra, và cũng không thể khẳng định trước được kết quả. Tuy nhiên, tôi tin ở TAND thành phố Hà Nội, Thẩm phán là những người có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn rất cao, họ sẽ tìm ra được những bất cập trong vụ án, xác minh được những mâu thuẫn, quanh co của bị đơn và sự thật khách quan, lẽ phải sẽ sớm được công nhận, như các cụ ta xưa đã dạy: “Nói phải củ cải cũng nghe”.

Pháp luật hiện nay có quy định như thế nào về việc khách hàng bị mất xe, mất tiền, mất ví… khi đến sử dụng dịch vụ của bất kỳ một cơ sở kinh doanh nào.

Quy định của pháp luật nhìn chung là mang tính phổ quát, không đi vào cụ thể từng sự việc như mất xe, mất tiền, mất ví, mất điện thoại hay mất bất kỳ một tài sản cụ thể nào. Tuy nhiên, điều đáng mừng là ngày 11/7/2011 vừa qua, Luật Bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực, việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi mất xe nói riêng và các tài sản có giá trị khác nói chung hiện nay được dễ dàng hơn. Cụ thể: người kinh doanh, cơ sở kinh doanh phải “bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.”(khoản 1, điều 8 LBVNTD) và người kinh doanh, cơ sở kinh doanh muốn chối bỏ nghĩa vụ bồi thường, phải có nghĩa vụ tự chứng minh, điều này rất có ý nghĩa khi trước đây nghĩa vụ chứng minh thuộc về người tiêu dùng.

Sau khi vụ kiện nhà hàng My Way về việc mất xe của ông Vũ Song Toàn khi đến sử dụng dịch vụ của nhà hàng này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, có một số người dân cũng tìm đến chúng tôi để được tư vấn về những vụ việc mất xe tương tự, sau khi nghe luật sư tư vấn về việc người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi như thế nào và làm sao để bảo vệ được quyền lợi đó, thì hầu hết các cơ sở kinh doanh đều thương lượng và xin được bồi thường cho khách hàng 50% giá trị tài sản đã mất.

Có thể thấy, chúng ta luôn kêu gọi người tiêu dùng phải thông thái, nhưng điều này rất khó, bởi trước khi đòi hỏi người tiêu dùng thông thái thì pháp luật phải thông thái, những người cầm cân nảy mực phải thông thái và người bảo vệ người tiêu dùng phải đặc biệt thông thái.

Xin cảm ơn ông!
 
“Như trước đây tôi đã nói rồi, không ai muốn đi kiện cả, chẳng qua là việc phải làm. Tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội trải nghiệm xem sự thật và công lý được thực thi như thế nào, nhất là trong bối cảnh đất nước chúng ta đang thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Giá trị tài sản của vụ việc không lớn nhưng đây là một vụ án thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Bởi lần đầu tiên một vụ mất xe máy bị khởi kiện, trong khi hàng ngày vẫn có rất nhiều vụ mất xe trên khắp cả nước diễn ra mà đa số nạn nhân phải “nuốt cục tức” vào bụng.
 
Liệu có ai đó mặc kệ chúng tôi, rồi biến việc mất cắp này thành chuyện thường ngày, rồi thách thức vểnh râu “con kiến mà kiện củ khoai” không? Liệu chúng ta có còn luật pháp nữa hay không, khi để mặc cho những vụ việc như thế này rơi vào cảnh… “biết rồi khổ lắm nói mãi ?.
 
Chúng tôi kiện không để tìm lại, đòi lại tài sản đã mất. Chúng tôi muốn được nghe chân lý, nghe thấy sự công bằng của luật pháp, sự nỗ lực của cơ quan Công an trong việc giúp đỡ những công dân lương thiện như chúng tôi khi vụ trộm “chẳng may” xảy ra"- anh Vũ Song Toàn chia sẻ.

Vũ Văn Tiến (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm