Hồi âm:

Vụ mất xe máy tại nhà hàng My Way: Ý kiến của luật sư

(Dân trí) - Nhận được đơn thư của anh Vũ Song Toàn, đến nhà hàng My Way để sử dụng dịch vụ. Sau đó anh bị mất chiếc xe máy nhưng đến nay nhà hàng chưa có ý kiến gì. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú về vấn đề này.

Vụ mất xe máy tại nhà hàng My Way: Ý kiến của luật sư - 1
Luật sư Trương Anh Tú đang trao đổi cùng PV Dân trí. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết quan điểm của luật sư dưới góc nhìn  pháp lý về vụ việc anh Vũ Song Toàn mất xe như sau:

 

Thứ nhất, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, tuy pháp luật chưa quy định rõ ràng nhưng trên thực tế, ở Việt Nam chúng ta, ít có trường hợp nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống mà lại không nhận trông giữ xe cho khách hàng khi họ vào sử dụng dịch vụ của mình. Đó được xem như là một thói quen trong hoạt động kinh doanh nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, và xã hội chúng ta đang mặc nhiên thừa nhận thói quen đó, vì tính hợp lý của nó.

 

Đó được xem như là một dịch vụ đi kèm với dịch vụ cung cấp thức ăn đồ uống, và phí sử dụng dịch vụ đã bao gồm phí trông giữ xe. Khoản 4 Điều 3 Luật Thương Mại quy định: “Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.”.

 

Như vậy, có thể xem việc trông giữ xe của khách hàng khi khách hàng vào sử dụng dịch vụ của nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống là tập quán thương mại tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống. My Way là nhà hàng lớn tại Hà Nội chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống, do đó không thể không biết tập quán này.

 

Điều 13 Luật Thương mại quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại: “Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật này và trong Bộ luật dân sự.” Do đó, trường hợp này áp dụng Tập quán thương mại, nhà hàng My Way có nghĩa vụ trông giữ xe cho khách vào sử dụng dịch vụ của mình.

 

Thứ hai, xét cho trường hợp cụ thể của anh Vũ Song Toàn, hôm đó, anh tới dùng dịch vụ của nhà hàng My Way. Những lần trước tới nhà hàng, anh đều dựng xe ở vỉa hè của cửa hàng. Và lần tới cửa hàng ngày 13/02/2011, theo lời trình bày của anh Toàn “tôi dựng xe cùng với khoảng 5-6 chiếc xe cùng để ở đó, cẩn thận khóa cổ xe và tiến vào hỏi nhân viên phục vụ đón tiếp tại cửa nhà hàng, chỉ ra nơi dựng xe nói là để tại đó được không? Nhân viên nhà hàng (sau này tôi biết tên là Thúy) gật đầu và mời vào trong nhà hàng”. Như vậy, chính vào lúc đó, giao dịch dân sự dưới dạng Hợp đồng gửi giữ xe máy đã được thiết lập giữa anh Toàn và cô Thuý (Đại diện cho cửa hàng My Way). Hợp đồng này được điều chỉnh bởi Điều 559, 560, 561, 562, 563, 564, 565, 566 Bộ luật dân sự và những quy định khác có liên quan. Hợp đồng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về chủ thể: giữa hai bên có đủ năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện, tự do về ý chí…,

 

Về nội dung: gửi và giữ tài sản là xe máy, và về hình thức: hợp đồng miệng. Do đó, hợp đồng trên có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm phát sinh việc gửi giữ. Trong thời gian thực hiện hợp đồng thì đã có hiện tượng mất trộm, và lỗi của việc mất trộm là do bên phía nhận giữ xe tức là nhà hàng My Way, điều này đã được các bên xác nhận và có bằng chứng xác thực nên không cần bàn cãi.

 

Như vậy, trong trường hợp này, nếu không tìm lại được chiếc xe máy của mình và hai bên không có thoả thuận khác thì anh Vũ Song Toàn hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý để có thể kiện ra Toà án về Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Khoản 4 Điều 562 Bộ Luật dân sự quy định nghĩa vụ của bên giữ: “Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.” Do đó, về pháp lý, nhà hàng My Way phải bồi thường thiệt hại  cho anh Toàn.

 

Ở góc độ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng thì tôi thấy xử sự của nhà hàng My Way là hết sức vô trách nhiệm với khách hàng của mình, mà lại là khách hàng quen.

 

Tôi tin là sau sự việc này, nếu nhà hàng My Way không có hướng xử lý tích cực hơn thì có lẽ việc kinh doanh của nhà hàng sẽ vô cùng khó khăn vì không ai lại vừa đi ăn, đi uống cà phê mà lại vừa trông xe của mình được. Đối với những nhà hàng thông báo về việc khách hàng tự bảo quản phương tiện giao thông, mất nhà hàng không chịu trách nhiệm thì người tiêu dùng nên tẩy chay.

 

Vũ Văn Tiến (ghi)