Huế:

Vụ kiện đòi quyền chủ nợ: Luật sư đề nghị xét xử minh bạch, đúng thời hạn

Đại Dương

(Dân trí) - Luật sư cho rằng vụ án mua nợ xấu khách sạn Hoàng Cung đang có dấu hiệu bị "câu giờ" qua 2 lần hoãn phiên tòa xét xử.

Ngày 30/3, luật sư Nguyễn Tiến Quang, thuộc Công ty Luật TNHH KEY Việt Nam, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn - bà Nguyễn Thị Định trong vụ án mua nợ xấu khách sạn Hoàng Cung đã phát đi Bản kiến nghị gửi Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP. Huế.

Nội dung của Bản kiến nghị là "Kiến nghị đưa vụ án ra xét xử đúng quy định, do thời gian tố tụng đã kéo dài, không hình sự hóa quan hệ dân sự".

Luật sư đề nghị không hình sự hóa quan hệ dân sự

Theo Bản kiến nghị, tình tiết mới là "Phòng cảnh sát kinh tế (CSKT) - Công an TP. Huế tiếp nhận Đơn trình báo của Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (Cty Hoàng Cung) cho rằng "trong quá trình xử lý, mua bán nợ, Ngân hàng đã có dấu hiệu vi phạm quy trình đấu giá gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Cty Hoàng Cung, việc mua bán có dấu hiệu rửa tiền.

TAND TP. Huế đã có văn bản trao đổi với Phòng CSKT để làm rõ các nội dung liên quan tại Đơn trình báo. Cụ thể, ngày 26/2/2021, TAND TP. Huế đã gửi Công văn số 32/CV-TA đề nghị Phòng CSKT cho biết là hiện nay đã khởi tố vụ án theo Đơn trình báo của Cty Hoàng Cung hay chưa? Nếu có và Tòa án tiếp tục xét xử thì có ảnh hưởng gì đến quá trình điều tra hay không, có làm thay đổi bản chất vụ án dân sự mà Tòa đang giải quyết hay không?"

Ngày 2/3/2021, Đại tá Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng CSKT - Công an TP Huế đã gửi Công văn phúc đáp số 143/PC03-Đ1. Theo đó, Phòng CSKT "đang thu thập các tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo và tiến hành xác minh để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Đến nay Công an chưa khởi tố vụ án theo Đơn trình báo của Cty Hoàng Cung".

Qua nội dung trên, Bản kiến nghị cho rằng: "Văn bản phúc đáp của Phòng CSKT là chưa đầy đủ theo nội dung trao đổi của TAND TP Huế"; Đồng thời, nêu nghi vấn với TAND TP. Huế: "Việc trao đổi những nội dung trên của TAND TP. Huế có cần thiết cho việc giải quyết vụ án hay không? Hay TAND TP. Huế chỉ cần căn cứ vào hồ sơ và quy định của pháp luật để giải quyết vụ án? Điều này vô hình chung khiến cho việc giải quyết vụ án bị trì hoãn và kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng thời hạn xét xử vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS)".

Vụ kiện đòi quyền chủ nợ: Luật sư đề nghị xét xử minh bạch, đúng thời hạn - 1

Luật sư Nguyễn Tiến Quang cho rằng, căn cứ vào Bộ luật TTDS năm 2015, trong quá trình thụ lý và chuẩn bị xét xử sơ thẩm, trường hợp nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, TAND TP. Huế phải chuyển hồ sơ đến CQCSĐT để xem xét, giải quyết, đồng thời tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

"Tuy nhiên, theo tài liệu, chứng cứ và các tình tiết của vụ án này, tôi khẳng định không đủ cơ sở để tạm đình chỉ vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật TTDS 2015. Bên cạnh đó, đối chiếu theo quy định tại Điều 9 Luật Tổ chức TAND 2014, Điều 12 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định thẩm phán và hội thẩm độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ cũng quy định: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm".

Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND TP. Huế, VKSND TP. Huế đã tiến hành thu thập, nghiên cứu và đánh giá các tài liệu, chứng cứ. Do có đủ cơ sở để khẳng định đây là vụ án thụ lý, giải quyết đúng thẩm quyền nên TAND TP. Huế đã Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2021/QĐXXS-KDTM, ngày 22/1/2021.

Với tư cách là luật sư nguyên đơn trong vụ án, tôi cho rằng, quyết định đưa vụ án ra xét xử là đúng với các quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và nguyên tắc xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án" - luật sư Quang trao đổi.

Đề nghị đưa vụ án ra xét xử sớm

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Quang, nội dung thứ 2 mà Bản kiến nghị đề cập là thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Theo Khoản 1 Điều 147 Bộ luật TTHS 2015 quy định: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra phải ra 1 trong 3 quyết định: Khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự hoặc Tạm đình chỉ việc giải quyết. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/3, quá thời hạn luật định 15 ngày nhưng 1 trong 3 quyết định trên vẫn chưa được CQĐT Công an TP. Huế gửi tới các bên đương sự.

Từ 2 nội dung trên, Bản Kiến nghị "đề nghị Quý Tòa, HĐXX, cũng như các cơ quan liên quan có thẩm quyền căn cứ quy định của pháp luật TTDS hiện hành đưa vụ án ra xét xử vì thời hạn tố tụng đã kéo dài, vụ án đã bị hoãn xét xử tới 2 lần, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn".

Vụ kiện đòi quyền chủ nợ: Luật sư đề nghị xét xử minh bạch, đúng thời hạn - 2

Sau hơn 1 năm 8 tháng, kể từ ngày TAND TP Huế thụ lý hồ sơ vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" này, vụ án sau 2 lần hoãn vẫn chưa thể xét xử.

Như Dân trí từng thông tin nhiều kỳ, ngày 19/9/2019, TAND TP. Huế ra quyết định thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 91/2019/TLST-KDTM về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Định (SN 1982), hộ khẩu thường trú tại Nghĩa Tân - Cầu Giấy (Hà Nội).

Cụ thể, bà Định khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung) phải trả cho bà Nguyễn Thị Định số tiền nợ và lãi tạm tính đến ngày 30/6/2019 là hơn 463 tỷ đồng.

Đơn khởi kiện của bà Định gửi TAND TP. Huế trình bày: Công ty Cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (trước đây là Công ty Cổ phần Trường Tiền - TT Huế) là chủ đầu tư của Dự án xây dựng khách sạn Hoàng Cung tại số 08 Hùng Vương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Để thực hiện dự án trên, từ ngày 11/03/2003 đến ngày 23/12/2011, Công ty Hoàng Cung đã tiến hành vay nợ và được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (VCB Huế), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Vietinbank Huế) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Agribank Huế) chấp thuận đồng tài trợ, cho vay thông qua các Hợp đồng tín dụng.

Để bảo đảm cho các khoản vay trên, Công ty Hoàng Cung chấp thuận các biện pháp bảo đảm theo các điều kiện, điều khoản quy định tại nhiều Hợp đồng thế chấp.

"Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các ngân hàng đã giải ngân đầy đủ, đúng hạn các khoản vay theo Hợp đồng tín dụng đã ký. Tuy nhiên đến thời hạn trả nợ, dù nhiều lần nhận được yêu cầu nhưng Công ty Hoàng Cung không tuân thủ thỏa thuận theo Hợp đồng tín dụng liên quan việc trả nợ. Do đó, để thu hồi khoản nợ trên theo đúng quy định pháp luật, các Ngân hàng đã tiến hành bán đấu giá khoản nợ của Công ty Hoàng Cung thông qua Công ty cổ phần đấu giá Nam Việt. Việc đấu giá được tiến hành theo đúng Quy chế bán đấu giá khoản nợ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Căn cứ Biên bản bán đấu giá khoản nợ và Thông báo về việc ký Hợp đồng mua bán nợ số 62/TB-HUE cùng ngày 12/02/2018, tôi là người trúng đấu giá đối với khoản nợ của Công ty Hoàng Cung. Ngày 21/02/2018, tôi và đại diện các Ngân hàng trên đã ký Hợp đồng mua bán khoản nợ đấu giá số 68/2018/HDDMBN-VCB-VIETTINBANK-AGRIBANK. Theo đó, tôi được chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản vay của Công ty Hoàng Cung theo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp đã ký giữa Công ty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung và các ngân hàng nêu trên" - bà Định khẳng định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm