Mua nợ xấu của ngân hàng và vụ kiện hy hữu bảo vệ quyền chủ nợ
(Dân trí) - TAND TP Huế đã thụ lý vụ kiện giữa một cá nhân với Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung. Đây là vụ kiện hy hữu khi một cá nhân mua nợ xấu của ngân hàng phải khởi kiện để bảo vệ quyền chủ nợ của mình.
Thụ lý vụ kiện người mua thành công nợ xấu phải đấu tranh bảo vệ quyền chủ nợ
Ngày 19/9/2019, TAND TP Huế ra quyết định thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 91/2019/TLST-KDTM về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Định (SN 1982), hộ khẩu thường trú trú tại Nghĩa Tân - Cầu Giấy (Hà Nội).
Cụ thể, bà Định khởi kiện yêu cầu Toà án buộc Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung) phải trả cho bà Nguyễn Thị Định số tiền nợ và lãi tạm tính đến ngày 30/6/2019 là hơn 463 tỷ đồng.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Định bảo lưu quyền đòi nợ đối với số tiền lãi (phát sinh sau ngày 30/6/2019) và chi phí thiệt hại phát sinh khác tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Ngoài ra, trường hợp Công ty Hoàng Cung không thanh toán được toàn bộ khoản tiền nợ thì căn cứ Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp đã ký kết, đề nghị Tòa án cho bà Định được xử lý tài sản đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 02/NHNT-TCTS ngảy 21/8/2007 và Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 01-2009/TCTS.VCBHUI ngày 01/6/2009.
Đơn khởi kiện của bà Định gửi TAND TP Huế trình bày: Công ty Cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (trước đây là Công ty Cổ phần Trường Tiền - TT Huế) là chủ đầu tư của Dự án xây dựng khách sạn Hoàng Cung tại số 08 Hùng Vương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Để thực hiện dự án trên, từ ngày 11/03/2003 đến ngày 23/12/2011, Công ty Hoàng Cung đã tiến hành vay nợ và được Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Huế (VCB Huế), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Vietinbank Huế) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Agribank Huế) chấp thuận đồng tài trợ, cho vay thông qua các Hợp đồng tín dụng.
Để bảo đảm cho các khoản vay trên, Công ty Hoàng Cung chấp thuận các biện pháp bảo đảm theo các điều kiện, điều khoản quy định tại nhiều Hợp đồng thế chấp.
“Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các Ngân hàng đã giải ngân đầy đủ, đúng hạn các khoản vay theo Hợp đồng tín dụng đã ký. Tuy nhiên đến thời hạn trả nợ, dù nhiều lần nhận được yêu cầu nhưng Công ty Hoàng Cung luôn tìm lý do trì hoãn, không tuân thủ thỏa thuận theo Hợp đồng tín dụng liên quan việc trả nợ. Do đó, để thu hồi khoản nợ trên theo đúng quy định pháp luật, các Ngân hàng đã tiến hành bán đấu giá khoản nợ của Công ty Hoàng Cung thông qua Công ty cổ phần đấu giá Nam Việt. Việc đấu giá được tiến hành theo đúng Quy chế bán đấu giá khoản nợ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Căn cứ Biên bản bán đấu giá khoản nợ và Thông báo về việc ký Hợp đồng mua bán nợ số 62/TB-HUE cùng ngày 12/02/2018, tôi là người trúng đấu giá đối với khoản nợ của Công ty Hoàng Cung. Ngày 21/02/2018, tôi và đại diện các Ngân hàng trên đã ký Hợp đồng mua bán khoản nợ đấu giá số 68/2018/HDDMBN-VCB-VIETTINBANK-AGRIBANK. Theo đó, tôi được chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản vay của Công ty Hoàng Cung theo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp đã ký giữa Công ty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung và các Ngân hàng nêu trên.
Ngày 13/03/2018, VCB Huế đã gửi văn bản gửi đến Công ty Hoàng Cung thông báo về việc bán khoản nợ và chuyển quyền chủ nợ cho tôi. Căn cứ theo Hợp đồng mua bán khoản nợ đấu giá đã ký, VCB Huế cũng thông báo về số tiền nợ của Công ty Hoàng Cung tính đến thời điểm ngày 31/12/2017 là hơn 405 tỷ đồng.
Sau đó, để thực hiện quyền chủ nợ của mình, tôi cùng đại diện theo ủy quyền đã nhiều lần liên hệ, gặp gỡ và làm việc trực tiếp nhưng Công ty Hoàng Cung luôn tìm lý do tránh né, bất hợp tác khiến cho việc thu hồi nợ bị trì hoãn và gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình đàm phán, những đề xuất và ý kiến đưa ra của Công ty Hoàng Cung hoàn toàn không thể hiện tinh thần thiện chí cũng như không thể hiện mong muốn nhanh chóng giải quyết vụ việc (Điều này thể hiện ở các Biên bản làm việc và các Công văn trao đổi giữa hai bên đính kèm Đơn khởi kiện). Do đó, tôi cho rằng hành vi của Công ty Hoàng Cung là cố tình vi phạm nghĩa vụ trả nợ được quy định tại hợp đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi”, đơn khởi kiện nêu.
Bị đơn phản tố, luật sư nói gì?
Tuy nhiên, ngày 28/10/2019, Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung có đơn phản tố gửi TAND TP Huế.
Doanh nghiệp này nghị Toà án bỏ tất cả các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa xem xét tuyên vô hiệu đối với Hợp đồng mua bán nợ số 68/2018 ký ngày 21/02/2018 giữa VCB Huế và bà Nguyễn Thị Định vì Công ty Hoàng Cung cho rằng cả Bên mua nợ, Bên bán nợ và Bên tổ chức đấu giá đã có các hành vi vi phạm quy định của Nghị quyết 42/2017, Luật đấu giá tài sản, Nghị định số 69/2016 về dịch vụ mua bán nợ nên Bị đơn không phải trả cho Nguyên đơn bất cứ khoản tiền nào.
Đối với khoản nợ tồn đọng của Bị đơn đối với các ngân hàng cho vay, Công ty Hoàng Cung phản tố cho rằng: Vì lý do Phụ lục hợp đồng tài trợ bằng USD số 02/PLHĐTT/2007 kỳ ngay 12/02/2007 và Phụ lục hợp đồng tín dụng số 07/PL-HDTD ký ngày 15/02/2007 và các Phụ lục khác giữa Bên cho vay và Bị đơn trong việc chuyển đổi Khoản tiền vay từ 72.560.000.000VNĐ thành 4.540.675,85 USD cũng như việc tính lãi từ VND sang ngoại tệ (USD) theo tỷ giá tăng theo là vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối và quy định về việc cấm Đô-la hóa tiền tệ tại Việt Nam, cho nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận cho đối trừ các khoản tiền USD (gốc, lãi tính theo tỷ giá tăng theo thời gian) bị vô hiệu và công nhận rằng CTCP KS Hoàng Cung chỉ còn nợ các ngân hàng sẽ tiền nợ gốc và lãi hơn 296 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Đức Quang, Cty Luật TNHH Key Việt Nam cho rằng: “Đây là vụ kiện đầu tiên một cá nhân mua nợ xấu của ngân hàng phải khởi kiện ra Tòa để bảo vệ quyền chủ nợ của mình. Bởi vậy, vụ kiện càng có ý nghĩa về pháp lý và kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.”
Theo luật sư Quang, yêu cầu phản tố của Công ty Hoàng Cung là không thể chấp nhận được. Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng chính là một trong những căn cứ pháp lý tạo niềm tin cho bà Định khi tham gia mua bán nợ xấu Hoàng Cung. Bà Định tin có Nghị quyết 42, việc bà mua món nợ xấu Hoàng Cung càng được pháp luật bảo vệ. Bởi, Nghị quyết 42 là pháp luật hóa chính sách huy động tiền nhàn rỗi trong dân tham gia giải quyết nợ xấu, bảo vệ hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người dân gửi tiết kiệm, nên việc làm của bà sẽ được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện.
“Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Chính phủ có khuôn khổ tạo điều kiện cho các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Nghị quyết 42 có hiệu lực trong 5 năm, nhưng những nội dung mang tính đột phá trong nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD với nguyên tắc không dùng ngân sách để xử lý, được đánh giá: Đang mở ra “cơ hội vàng” làm tan chảy các “cục máu đông”.
Một điểm mới trong Nghị quyết 42 là cùng với quy định tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu được bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ cho pháp nhân, cá nhân bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Nghị quyết cũng qui định Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Vì vậy, trong vụ kiện đặc biệt này, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ có đầy đủ căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đang của bà Định trong vai trò người mua thành công nợ xấu của ngân hàng, đúng tinh thần quy định tại Nghị quyết 42”, luật sư Quang bày tỏ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.