Vụ hồ sơ lý lịch "sinh đôi" tại Đắk Nông: Đã từng phát hiện 6 năm trước
(Dân trí) - Vụ việc một giáo viên tiểu học mượn bằng THPT của người khác để làm hồ sơ đi học đã được chính quyền huyện Tuy Đức phát hiện cách đây 6 năm. Thế nhưng, việc xử lý khi đó không rõ ràng, khiến cho vụ việc chìm vào quên lãng cho đến nay...
Như Dân trí đã phản ánh, năm 1997, ông Đồng Hữu Giảng mượn bằng THPT của em họ là Phùng Văn Quyền (hiện là chuyên viên Văn phòng UBDN huyện Tuy Đức) để làm hồ sơ dự thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Theo lý giải của ông Giảng, do thời điểm đó gia đình ông mới chuyển từ Hải Dương vào xã Đắk Buk So, tỉnh Đắk Lắk cũ (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) nên chưa có hộ khẩu, không đủ điều kiện dự thi nên ông mượn hồ sơ của em họ để đi thi.
Sau khi trúng tuyển, ông Giảng đã khai trong hồ sơ của mình theo thông tin từ bằng THPT và lý lịch như của ông Quyền. Kể từ đó đến nay, hơn 20 năm, ông Giảng có hồ sơ mang tên Phùng Văn Quyền.
Sự việc dẫn đến chuyện trên địa bàn xã Đắk Buk So (huyện Tuy Đức) có hai người trùng tên, trùng lý lịch là Phùng Văn Quyền nhưng công tác tại hai đơn vị khác nhau.
Về phần ông Phùng Văn Quyền, trong hồ sơ công chức có bản sao công chứng bằng THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Hưng (nay là Hải Dương) cấp cho ông vào ngày 15/9/1990. Bằng THPT này có các thông tin: "cấp cho Phùng Văn Quyền, ngày sinh 08.02.1973; nơi sinh Nguyên Giáp, Tứ Lộc, Hải Hưng; đã trúng tuyển kỳ tốt nghiệp Phổ thông Trung học, khóa thi ngày 6 tháng 6 năm 1990, tại Hội đồng thi Cầu Xe; xếp loại Trung bình; số ANo 937678/PT90; vào sổ cấp bằng số 82/TNPTTH". Phần thông tin cá nhân và kỳ thi trên bằng được viết tay.
Trong hồ sơ viên chức của ông Đồng Hữu Giảng cũng có bản sao bằng THPT mang tên Phùng Văn Quyền. Phần lớn các thông tin trong bản sao này trùng khớp với bản sao có trong hồ sơ của ông Phùng Văn Quyền. Tuy nhiên, qua đối chiếu thì có một số chi tiết khác nhau. Theo đó, dù đều vào sổ cấp bằng số 82 TNPTTH ngày 15/9/1990, nhưng bằng tốt nghiệp của trong hồ sơ của ông Giảng lại có số bản sao, cách viết thông tin, nét chữ… khác với bản chính, nghi ngờ có dấu hiệu bị làm giả.
Được biết, sự việc ông Giảng mượn hồ sơ, lý lịch của ông Quyền đã được cơ quan chức năng ở huyện Tuy Đức đã phát hiện năm 2012.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Tuy Đức, năm 2012, UBND huyện Tuy Đức đã giao cho Công an huyện Tuy Đức điều tra, xử lý vụ việc. Công an huyện Tuy Đức đã trực tiếp làm việc với Phòng GD và ĐT để xác minh thông tin về bằng THPT của ông Đồng Hữu Giảng. "Tuy nhiên sau đó họ lại có một buổi làm việc khác và thông báo là hồ sơ của Đồng Hữu Giảng là không thụ lý, giải quyết nữa", ông Đan cho biết.
Biên bản kỷ luật ông Giảng bằng hình thức cảnh cáo
Ông Đan giải thích thêm, Phòng GD và ĐT chỉ quản lý về các mặt chuyên môn giáo dục. Còn công tác tổ chức thuộc thẩm quyền của UBND huyện Tuy Đức. Do đó, Phòng GD và ĐT không đủ thẩm quyền để xem xét, xử lý vụ việc.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng giai đoạn 2012, cho biết, khi phát hiện sự việc, nhà trường đã đề nghị cấp trên xử lý, buộc thôi việc đối với ông Đồng Hữu Giảng. Sau đó, UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo nhà trường phải ra quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Giảng và tiếp tục để cho ông Giảng dạy học ở đó.
Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với ông Giảng thuộc về UBND huyện Tuy Đức. Do đó, việc Trường Tiểu học Lý Tự Trọng ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Giảng là vượt thẩm quyền. Bà Nguyễn Thị Phượng thừa nhận: "Đúng là tôi không đủ thẩm quyền để ký quyết định kỷ luật ông Giảng, nhưng huyện chỉ đạo thế thì tôi phải làm thế".
Trao đổi về vấn đề này, LS Nguyễn Thanh Huy, phó trường Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông cho biết, việc ông Giảng sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác để thi tuyển vào trường cao đẳng là trái với quy định tại khoản 2, điều 14, Nghị định số 49/2005/ND-CP và được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 40/ND-CP ngày 8/6/2011. Tuy nhiên căn cứ pháp lệnh xử phạt hành chính năm 2001 thì thời hiệu xử phạt trong trường hợp này là 1 năm kể từ ngày vi phạm. Do sự việc của ông Giảng xảy ra vào thời điểm năm 1997, nên tới thời điểm này không còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ có thể xử lý kỹ thuật về hành vi “sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp” theo quy định tại Nghị định số 27/2012/ND-CP.
Dương Phong