Bài 8:
Vụ hành dân tại Vũng Tàu: Cố ý gây khó khăn, kéo dài việc thi hành án?
(Dân trí) - “Những người không cấp sổ cho gia đình ông Hường đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý gây khó khăn, kéo dài việc thi hành bản án đã có hiệu lực”, luật sư Vũ Kim Hoàn nhận định.
Như Dân trí đã đưa tin, gia đình ông Hoàng Bùi Hường và bà Dương Thị Liên sử dụng mảnh đất diện tích 909,8m2 tại số 2A đường Nguyễn Chí Thanh (phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) từ trước năm 1990 tới nay.
Năm 2010, gia đình ông Hường đi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng bị Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất TP Vũng Tàu (hiện nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Vũng Tàu) trả hồ sơ với lý do hồ sơ không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ theo quy định.
Ông Hường, bà Liên khởi kiện hành vi hành chính về việc trả hồ sơ, không cấp GCNQSDĐ cho gia đình. Tại 2 cấp xét xử của Tòa án tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) đều nhận định diện tích đất trên của ông Hường, bà Liên có đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ và tuyên toàn bộ hành vi hành chính về việc trả hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (CN VPĐKĐĐ) TP. Vũng Tàu là trái luật, hủy bỏ văn bản trả lại hồ sơ của CN VPĐKĐĐ TP. Vũng Tàu.
Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 11/8/2014, gia đình ông Hường nộp lại hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ diện tích đất trên và được trình lên UBND TP Vũng Tàu. Ngày 25/9/2015, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Vũng Tàu có văn bản đôn đốc thi hành bản án phúc thẩm hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Sau đó Công an TP Vũng Tàu ban hành văn bản số 24/CATP (Đ3) ngày 15/2/2016 (văn bản này mới đây đã bị Công an tỉnh BRVT kết luận là trái luật, không đúng chức trách, nhiệm vụ của cơ quan Công an). Tuy nhiên, thời điểm năm 2016, dựa vào báo cáo Đ3, ngày 20/10/2016, UBND TP. Vũng Tàu và CN VPĐKĐĐ TP. Vũng Tàu có văn bản đề nghị Chánh án TAND Cấp cao và Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh BRVT.
Tháng 7/2017, Viện KSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại TP.HCM có thông báo giải quyết đơn đề nghị tái thẩm đều trả lời UBND TP. Vũng Tàu và CN VPĐKĐĐ TP. Vũng Tàu với nội dung, lý do mà CN VPĐKĐĐ TP. Vũng Tàu đưa ra không phải căn cứ để kháng nghị vụ án theo thủ tục tái thẩm.
Sau 2 bản án công minh, cộng với sự vào cuộc quyết liệt, công tâm của Viện KSND Cấp cao, TAND Cấp cao tại TP.HCM nhằm bảo vệ tính thượng tôn pháp luật, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn như Bộ TNMT, Tổng Cục quản lý đất đai, sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Sở TNMT tỉnh BRVT, tưởng rằng gia đình ông Hường sẽ được cấp GCNQSDĐ như bao công dân khác…nhưng đến nay, gia đình ông Hường vẫn “dài cổ” chờ đợi, vẫn bị đẩy đến đường cùng.
“Cố ý gây khó khăn, kéo dài việc thi hành án”
Đó là nhận định của luật sư Vũ Kim Hoàn (Đoàn luật sư Hà Nội). Luật sư Hoàn cho rằng, các cơ quan Trung Ương chỉ đạo quyết liệt, buộc UBND TP. Vũng Tàu phải thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật và cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Hường.
“Qua nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ và đánh giá một cách khách quan có thể nhận thấy, lãnh đạo TP. Vũng Tàu, Công an TP. Vũng Tàu và phường Tam Thắng đã có những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý gây khó khăn, kéo dài việc thi hành án, quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật. Việc không thi hành bản án trong nhiều năm đã gây những hậu quả, tổn thất kinh tế cho gia đình ông Hường.
Cụ thể là việc UBND TP. Vũng Tàu xác lập đất của gia đình ông Hường thành đất do Nhà nước quản lý, khiến gia đình ông Hường bị tước đoạt quyền sử dụng đối diện tích đất nêu trên, thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ đồng. Do đó hoàn toàn có cơ sở nhận định về dấu hiệu phạm tội của các cá nhân có liên quan đối với tội Cản trở thi hành án theo điểm d khoản 2 Điều 381 Bộ luật hình sự”, luật sư Vũ Kim Hoàn phân tích.
Luật sư Hoàn cho biết thêm: “Gia đình ông Hường có thể gửi đơn tố giác đến các cơ chức năng có thẩm quyền đề nghị vào cuộc để xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của những cơ quan, cá nhân có liên quan. Tùy theo mức độ để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, trả lại sự công bằng cho người dân và nêu cao tính thượng tôn pháp luật trong công tác thi hành án, tránh tạo ra các tiền lệ xấu”.
Luật sư Đỗ Trúc Lâm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, Hiến Pháp năm 2013 với vai trò là đạo luật cao nhất quy định: Điều 106: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.” Điều 119 quy định “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”
Vụ việc của gia đình ông Hường kéo dài từ năm 2014 đến nay, áp dụng Điều 247 Luật tố tụng hành chính năm 2010 và nay quy định tại Điều 314 Luật tố tụng hành chính năm 2015 về Xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính; được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính Phủ. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người phải thi hành án trong quá trình thi hành án mà gây ra thiệt hại thì phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, pháp luật về dân sự.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Trung Kiên