Giải đáp pháp lý từ vụ án nam sinh lớp 8 bị đánh chết não ở Hà Nội

PV

(Dân trí) - Việc đánh giá trách nhiệm pháp lý của Minh, bố và em trai Minh cần thực hiện cẩn trọng, khách quan, toàn diện nhằm tránh oan sai nhưng đồng thời phải đảm bảo không được bỏ lọt tội phạm.

Như Dân trí thông tin, Trương Văn Minh (16 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) đang bị Công an quận Long Biên tạm giam về tội Cố ý gây thương tích. Minh cùng em trai là K. (12 tuổi) là những người hành hung em N.H.Đ. (14 tuổi, học sinh trường THCS Việt Hưng) dẫn tới chấn thương sọ não nghiêm trọng, tiên lượng tử vong.

Vụ việc thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Hàng loạt câu hỏi pháp lý được đặt ra về số phận của Minh, em trai K. cũng như bố của Minh, người chở 2 anh em tới sân đình Lệ Mật để hành hung khiến nam sinh lớp 8 bị chết não.

Giải đáp pháp lý từ vụ án nam sinh lớp 8 bị đánh chết não ở Hà Nội - 1

Nam sinh lớp 8 được xác định chết não, duy trì sự sống bằng máy thở (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Số phận pháp lý của nghi phạm

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, dưới góc độ xã hội, đây là sự việc rất đáng tiếc khi chỉ từ một xô xát nhỏ trong đời sống hàng ngày mà dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Việc nam sinh 16 tuổi bị Công an quận Long Biên khởi tố, bắt tạm giam là lời cảnh cáo đanh thép, lời cảnh tỉnh cho những cá nhân có xu hướng bạo lực, thích giải quyết những mâu thuẫn, xung đột bằng chân tay.

Dưới góc độ pháp lý, ông Cường nhìn nhận với những tình tiết hiện được công an cung cấp, việc bước đầu xem xét trách nhiệm của Minh về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 là có cơ sở. Tiếp đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục củng cố lời khai của Minh và thực hiện các hoạt động tố tụng khác nhằm củng cố tài liệu, chứng cứ để làm rõ chính xác trách nhiệm pháp lý của nam thanh niên.

Về độ tuổi xử lý hình sự, luật sư cho biết theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Điều 9 Bộ luật này quy định tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7 năm tới 15 năm tù còn tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có khung hình phạt cao nhất từ trên 15 năm tù tới tử hình.

Về mức phạt, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hành vi cố ý gây thương tích thuộc trường hợp rất nghiêm trọng nếu gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên hoặc làm chết người.

Giải đáp pháp lý từ vụ án nam sinh lớp 8 bị đánh chết não ở Hà Nội - 2

Trương Văn Minh (16 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) đang bị Công an quận Long Biên tạm giam về tội Cố ý gây thương tích.

"Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định trường hợp một người bị hành hung dẫn tới chấn thương sọ não, gây di chứng sống kiểu thực vật, mức độ tổn hại sức khỏe được xác định là 99%. Nếu kết luận điều tra phản ánh đúng những thông tin hiện có, tức Đ. bị Minh hành hung dẫn tới chết não hoặc thậm chí chết người, hành vi của nam thanh niên đủ yếu tố để được xếp vào nhóm tội phạm rất nghiêm trọng theo khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015", ông Cường bình luận.

Theo khoản 3 và khoản 4 Điều này, mức phạt áp dụng lần lượt là 5-10 năm và 7-14 năm tù. Từ đó, cần phân loại 2 trường hợp như sau: Nếu Minh chưa đủ 16 tuổi, căn cứ Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 về việc áp dụng mức phạt bằng ½ khung hình phạt tù của tội danh bị truy tố, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là 5 năm (khoản 3) và 7 năm tù (khoản 4). Nếu nghi phạm đủ 16 tuổi, mức phạt tối đa áp dụng sẽ tương đương 3/4 khung hình phạt của tội danh bị truy tố, tức lần lượt là 7 năm 6 tháng tù và 10 năm 6 tháng tù.

Có cơ sở xem xét tội Giết người không?

Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng cần xem xét trách nhiệm đối với Minh về hành vi giết người. Tuy nhiên, theo luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), không nên vội quy kết tội danh đối với một cá nhân khi chưa có bản kết luận điều tra chính thức của cơ quan công an. Việc xem xét trách nhiệm pháp lý cần được đánh giá một cách khách quan, toàn diện, cần thực hiện một cách cẩn trọng, tỉ mỉ nhằm tránh oan sai nhưng đồng thời không được bỏ lọt tội phạm, dựa trên nguyên tắc tôn trọng các tài liệu, chứng cứ có được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Giải đáp pháp lý từ vụ án nam sinh lớp 8 bị đánh chết não ở Hà Nội - 3

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

"Quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục củng cố lời khai của Minh, K. (em trai Minh), ông T. (bố Minh) cùng những người làm chứng, người liên quan; kết hợp các hoạt động tố tụng như đối chất, thực nghiệm hiện trường, trích xuất dữ liệu camera, bản ảnh vụ án… để làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề. Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm là ý chí chủ quan của nghi phạm khi thực hiện hành vi; phương thức, cách thức thực hiện cũng như tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

Trách nhiệm hình sự có thể được đề cập nếu hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành như tấn công một cách mãnh liệt, hung bạo, ra đòn với lực mạnh, cường độ cao, tần suất lớn, liên tục, nhắm vào các vị trí trọng yếu nhằm tước đoạt mạng sống hoặc không nhằm giết người nhưng ý thức được hành vi có tính chất nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả đáng tiếc nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả nghiêm trọng xảy ra", luật sư Trang phân tích.

Đối với trường hợp này, những dữ liệu hiện có chưa thể hiện được việc hành vi có dấu hiệu của tội Giết người hay Cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu bị cơ quan công an quy kết phạm tội Giết người, việc áp dụng mức phạt sẽ căn cứ quy định tại Điều 101 và 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, mức phạt đối với hành vi giết người dưới 16 tuổi cao nhất có thể lên tới tử hình. Tuy nhiên, mức phạt tối đa áp dụng với các trường hợp người phạm tội chưa đủ 16 tuổi hoặc từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi lần lượt là 12 năm và 18 năm tù, không áp dụng mức án tử hình hoặc tù chung thân.

Xem xét trách nhiệm của em trai 12 tuổi ra sao?

Về trách nhiệm của em trai Minh là K. (12 tuổi), luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi. Với trường hợp người dưới 14 tuổi thực hiện các hành vi có dấu hiệu phạm tội, việc xử lý hình sự sẽ không được nhắc tới. Tuy nhiên, có thể áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương.

Cụ thể, khoản 1 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Còn theo khoản 1, Điều 92 Luật này, nếu hành vi có dấu hiệu của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng.

Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì cha, mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho con theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu trường hợp trên, luật sư Giáp cho biết trước tiên, do K. chưa đủ 14 tuổi, trách nhiệm hình sự sẽ không được bàn tới. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn sẽ tiến hành lấy lời khai, xác minh vai trò của K. trong vụ án để đánh về tính chất, mức độ hành vi của thiếu niên này. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi của K. có dấu hiệu phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương hoặc nặng hơn là đưa vào trường giáo dưỡng.

Bố nghi phạm có phải chịu trách nhiệm liên đới?

Về trách nhiệm của bố nghi phạm Minh là anh T.V.T., theo tài liệu hiện có, người này chở Minh và K. tới sân đình Lệ Mật rồi bảo các con đi vào xem ai đánh K. Khi thấy Minh đánh Đ. ngã ra đất, anh T. vào can ngăn rồi chở các con về nhà. Quay lại sân đình, thấy Đ. có biểu hiện choáng và tím tái, anh T. chở nạn nhân vào cấp cứu tại bệnh viện.

Bình luận về trách nhiệm của anh T., luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) nhìn nhận, hoàn toàn chưa có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với anh T. Tuy nhiên, luật sư nhấn mạnh đây mới là lời khai ban đầu, chưa thể hiện một cách toàn diện, khách quan vụ việc.

Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác minh bản chất, làm rõ vai trò của anh T. trong vụ án. Việc xem xét trách nhiệm hình sự sẽ được đề cập nếu có cơ sở cho thấy anh T. tạo điều kiện về mặt vật chất hoặc tinh thần để Minh thực hiện hành vi phạm tội; biết Minh thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội Giết người (nếu cơ quan điều tra chuyển tội danh sang Giết người) nhưng che giấu, không tố giác hoặc thấy cháu Đ. trong trường hợp nguy hiểm về tính mạng nhưng không cứu giúp, dẫn tới hậu quả chết người xảy ra.

Nếu không thuộc các trường hợp trên, trách nhiệm hình sự của anh T. sẽ không được bàn tới.

Tuy nhiên, do anh T. là bố của Minh, người này có trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình phía bị hại. Việc bồi thường sẽ dựa trên tài sản hiện có của Minh, đối với phần nghĩa vụ bồi thường nằm ngoài phạm vi giá trị tài sản của Minh thì anh T. có trách nhiệm bồi thường thay cho con trai.

Hoàng Linh