Vụ bỏ thuốc chuột vào thức ăn thừa: Có thể khởi tố hình sự?

Thế Hưng

(Dân trí) - Hành vi bỏ thuốc chuột vào thức ăn thừa để người khác mang về chăn nuôi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm.

Như Dân trí đã đưa tin, sáng 4/5, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) lên tiếng về vụ việc nhân viên hộ lý sử dụng độc tố trộn vào thức ăn thừa tại Phòng khám đa khoa Hùng Vương ở huyện Đoan Hùng.

Theo đó, gần đây một số vật nuôi gồm chó, mèo, lợn của gia đình anh H. (nhân viên bảo vệ phòng khám) và chị D. (nhân viên cấp dưỡng, trú ở xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng) thỉnh thoảng bị ốm rồi chết.

Nghi ngờ thức ăn thừa lấy về từ phòng khám có độc tố, anh H. đã báo cáo lãnh đạo phòng khám. Sau đó, toàn bộ quy trình nhập nguyên liệu, thực phẩm, nguồn nước, quá trình chế biến, cung cấp suất ăn,… đã được tái dựng thông qua hồ sơ và hệ thống camera an ninh. Tuy nhiên tất cả đều an toàn, không phát hiện dấu hiệu bất thường.

"Trong quá trình điều tra có một chi tiết được quan tâm đặc biệt: Trùng với những ngày xảy ra hiện tượng vật nuôi của gia đình anh H. bị chết thì chị P.T.N., nhân viên hộ lý, tạp vụ tại phòng khám đều lén bỏ một gói chất bột màu đen vào xô đựng thức ăn thừa, dùng đũa khuấy đều rồi rời đi. Ngay sau khi đã đầy đủ chứng cứ, hình ảnh trích xuất từ camera, phòng pháp chế đã triệu tập, đấu tranh và chị P.T.N. thú nhận bản thân đã chủ động bỏ thuốc chuột vào xô thức ăn thừa tại phòng khám để chị D. mang về chăn nuôi", thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho hay.

Vụ bỏ thuốc chuột vào thức ăn thừa: Có thể khởi tố hình sự? - 1

Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng ở Khu 2, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương).

Trao đổi với Dân trí về vụ việc bỏ thuốc chuột vào thức ăn ở Phú Thọ, TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp cho rằng, vật nuôi như chó, mèo... được xác định là tài sản của các hộ dân. Các tài sản này được pháp luật bảo vệ. Do đó, hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Luật sư Cường phân tích, một người bình thường sẽ nhận thức được thuốc diệt chuột là loại thuốc độc. Loại thuốc này trộn vào thức ăn để cho vật nuôi ăn thì vật nuôi sẽ chết, gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Nếu cố ý thực hiện hành động trên thì đây là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Nếu tài sản thiệt hại dưới 200.000.000 đồng nhưng hành vi được xác định là "dùng thủ đoạn nguy hiểm" thì người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 178 Bộ luật hình sự.

"Nhưng thiệt hại đến tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Cường khẳng định.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của bà N. để xác định mặt chủ quan của tội phạm. Nếu là mục đích diệt chuột theo đúng công dụng, mục đích sử dụng của thuốc thì lượng thức ăn sẽ không lớn và hành vi không cần phải "lén lút".

Đáng chú ý, vị luật sư này phân tích, trường hợp bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn thừa với mục đích để cho người khác ăn thì đây là hành vi giết người. Người sử dụng thuốc diệt chuột để sát hại người khác có thể sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng là có động cơ đê hèn và dùng thủ đoạn nguy hiểm có thể làm chết nhiều người.

Bởi vậy, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ đặc điểm của loại thức ăn này và mục đích của người thực hiện. Nếu thức ăn thừa vẫn có thể sử dụng cho người ăn, nhiều nhân viên vì khó khăn nên vẫn tận dụng thức ăn thừa để ăn lại hoặc mang về cho người khác ăn. Trường hợp nắm được thông tin này nhưng vẫn bỏ thuốc độc vào thức ăn đó (nhận thức được là thức ăn đó con người có thể ăn nên đã bỏ thuốc độc vào) nhằm đầu độc người khác thì đây là hành vi giết người, kể cả trường hợp nạn nhân không tử vong.

"Hành vi dùng thuốc diệt chuột để đầu độc người khác mà nạn nhân không tử vong thì hình phạt cũng có thể tới 20 năm tù", luật sư Cường phân tích thêm, hành vi giết người có cấu thành hình thức, chỉ cần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội với mục đích để tước đoạt tính mạng của người khác là có thể bị xử lý hình sự, không đòi hỏi nạn nhân phải tự vong.

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu là mục đích đầu độc vật nuôi thì sẽ xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Nhưng nếu mục đích đầu độc con người không thành thì sẽ xử lý hình sự về tội giết người với mức chế tài nghiêm khắc.