Vụ đám đông hôi của khi xe tải cháy, tài xế đứng khóc dưới lăng kính pháp luật!

(Dân trí) - Về vụ việc “Tài xế đứng khóc vì đám đông lao vào hôi của xe tải bị cháy” qua đoạn video ghi cảnh hàng chục người dân lao vào hôi của trên xe tải tải chở hàng bị gặp nạn ở Bình Định ngày 1/11 trên Quốc lộ 1D, đoạn qua phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), luật sư Trương Anh Tú nhận định có cơ sở xử lý hình sự.

Theo luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Hôi của không phải là một hành vi đúng đắn của một con người, hoàn toàn trái với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Hôi của xuất phát từ lòng tham và sự ích kỷ, dù họ ý thức được đó không phải là tài sản của mình nhưng lại dung túng bản thân, cho bản thân cái quyền ngang nhiên lấy tài sản của người khác. Sự tham lam đã lấn át lý trí và lòng tự trọng khiến họ - những người hôi của - có thể biết rõ việc mình làm là sai nhưng vẫn làm, bỏ qua việc bị cả xã hội lên án.

Dĩ nhiên, có nhiều lúc đám đông cũng có lý, khiến chúng ta phải tôn trọng và làm theo. Tuy nhiên trong trường hợp này, về khía cạnh đạo đức, đám đông hôi của đã đánh mất những giá trị nhân bản “tình người”, “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn khó khăn, tinh thần đoàn kết truyền thống của người Việt Nam đã bị rũ bỏ, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức trong xã hội của đám đông hôi của.


Sau khi đám cháy được dập tắt, nhiều người dân lao vào hôi của trên xe tải cháy mặc cho tài xế khóc van xin.

Sau khi đám cháy được dập tắt, nhiều người dân lao vào hôi của trên xe tải cháy mặc cho tài xế khóc van xin.


Lái xe khóc trong bất lực.

Lái xe khóc trong bất lực.

Trong đám đông đó, không phải hoàn toàn chỉ có người dân lao động nghèo khổ nhưng họ vẫn lao vào hôi của, đó chính là hội chứng đám đông mà căn nguyên sâu xa nhất của tệ nạn hôi của cũng như nhiều vấn nạn khác, là trách nhiệm cá nhân đã bị coi nhẹ trong cộng đồng, tâm lý đám đông, với việc “ bắt chước” tính “adua” làm theo người khác cho dù biết hay không biết việc làm của người mình đang “bắt chước” có đúng hay sai. Trong trường hợp nói trên, trách nhiệm cá nhân cần phải được làm rõ, dù nhỏ đến lớn đều phải bị chế tài, xử lý và trừng phạt theo pháp luật.

Do đó, mặc dù giá trị tài sản do đám đông chiếm đoạt không có giá trị cao nhưng hành vi của từng cá nhân này đã có dấu hiệu của Tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 Bộ luật hình sự:

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Hành hung để tẩu thoát;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng”.

Theo đó, đối với những người có hành vi hôi của nói trên thõa mãn đầy đủ các dấu hiệu về chủ thể (từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi) đã có lỗi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.


Luật sư Trương Anh Tú: Có cơ sở xử lý hình sự vụ đám đông hôi của khi xe tải cháy, tài xế đứng khóc.

Luật sư Trương Anh Tú: Có cơ sở xử lý hình sự vụ đám đông hôi của khi xe tải cháy, tài xế đứng khóc.

Về mặt khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là xâm phạm đến quan hệ về tài sản (quan hệ sở hữu) và có hành vi chiếm đoạt tài sản công khai, với thủ đoạn lợi dụng đám đông và hoàn cảnh hỏa hoạn, tai nạn để vơ vét tài sản trên xe tải ( hành vi này khác với tội cướp giật ở chỗ không cần sự nhanh chóng).

Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội (các cá nhân trong đám đông) ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản (người lái xe tải) mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội hoặc nếu có thì không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai). Tính chất công khai và trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội ( người hôi của) không giấu giếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong và sau khi bị mất tài sản, người bị hại (người lái xe) biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được).

Từ những phân tích ở trên thì những người tham gia hôi của trong vụ việc ngoài việc bị lên án về mặt đạo đức, xử phạt vi phạm hành chính, hành vi hôi của đã có dấu hiệu của Tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 Bộ luật hình sự, theo đó các cá nhân hôi của có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm, nếu xác định được gí trị hàng hóa trên hai triệu đồng, do đó CQCSĐT thành phố Quy Nhơn cần xác minh làm rõ những tình tiết liên quan, nhất là việc định giá tài sản và qua clip để xác định những đối tượng hôi của.

Anh Thế (ghi)