Sóc Trăng:
Vụ con liệt sĩ bị mất đất: Chị ruột người được tòa tuyên thắng phẫn nộ với bản án!
(Dân trí) - Xung quanh vụ “Con liệt sĩ có nguy cơ mất đất vì giấy mua bán và di chúc bất hợp pháp”, bà Nguyễn Thị Thơi (chị ruột ông Nhơn - người được TAND huyện Kế Sách tuyên cho nhà và đất) tỏ thái độ bất bình về bản án của TAND huyện Kế Sách cũng như hành vi cấu kết để chiếm đoạt tài sản bà Ba của ông Nhơn và ông Hảo.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thơi bức xúc: “Tôi là chị ruột của Nguyễn Phước Nhơn. Về đất, tôi khẳng định đất đó là của bà Nguyễn Thị Ba do cha mẹ cho từ năm 1952. Ông Khanh hy sinh, sau năm 1975, bà Ba mới gá nghĩa với ông Dương Minh Hảo chứ không phải năm 1964 như bản án của tòa án. Năm 1964, vợ ông Hảo là bà Nguyên còn sống. Cuối năm 1966 bà Nguyên mới mất. Sau đó, Nguyễn Phước Nhơn có hỏi mượn bà Ba một phần đất để cất trại mộc và được bà Ba đồng ý. Sau đó, Nhơn sinh lòng chiếm đoạt đất của bà Ba. Trước lúc bà Ba mất khoảng 3 tháng, cha con của Nhơn đập phá nhà cửa của bà Ba, ép bà phải làm giấy sang bán phần đất Nhơn đang mượn. Khi bị Nhơn đập phá nhà cửa, bà Ba có gọi gia đình tôi đến chứng kiến.
Ngày 20/7/2007, bà Ba qua đời thì Nhơn bắt đầu san lấp mặt bằng lấn chiếm nên xảy ra tranh chấp với cháu Trung và kết quả tòa xử cháu Trung thua kiện, cho Nhơn được lấy đất của bà Ba một cách trái pháp luật. Sau đó, tòa án còn xử cho con ông Hảo là bà Dì và bà Liêm cùng Nhơn được lấy đất và nhà của bà Ba mà cháu Trung đang quản lý, sử dụng. Tôi rất bất bình vì không biết công lý ở đâu mà xử như vậy. Tôi tha thiết khẩn cầu các cấp lãnh đạo có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng đắn vụ việc, chứ xử như tòa án vừa qua là ép cháu Trung, cháu Thủy quá đáng”.
Cũng vì quá bức xúc nên bà Nguyễn Thị Thơi đã làm tờ tường trình gửi các cơ quan có thẩm quyền, tường trình lại toàn bộ nội dung vụ việc mà bà là người nắm rất rõ tình tiết, thời điểm diễn ra các sự kiện xung quanh vụ tranh chấp đất mà báo Dân trí đã có 3 bài phản ánh trước đó.
Như Dân trí đã phản ánh, cha mẹ bà Phan Thị Thu Thủy và ông Phan Thành Trung là ông Phan Công Khanh và bà Nguyễn Thị Ba tạo lập được thửa đất diện tích 10.865m2 tọa lạc tại ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (nay thuộc ấp Trường Thọ, xã An Mỹ). Năm 1962, ông Phan Công Khanh hy sinh trong chiến đấu. Bà Nguyễn Thị Ba ở vậy nuôi con và quản lý, sử dụng điện tích đất trên, được UBND huyện Kế Sách cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/5/1994 đứng tên bà là chủ tài sản.
Sau khi miền Nam giải phóng, bà Nguyễn Thị Ba và ông Dương Minh Hảo (SN 1926, ngụ cùng địa phương, là cán bộ UBND huyện Kế Sách, ông này mất ngày 18/2/2014) gá nghĩa với nhau, không đăng ký kết hôn, không có con chung; tháng 4/1996 ông Hảo nhập hộ khẩu vào hộ gia đình bà Ba.
Sau khi bà Nguyễn Thị Ba chết, ông Nguyễn Phước Nhơn cho rằng ông mua của bà Ba 1.116,3m2 nên xảy ra tranh chấp với ông Trung và bà Thủy. Ông Trung và bà Thủy khởi kiện ra tòa thì cả 2 cấp tòa sơ thẩm (ngày 3/8/2012) và phúc thẩm (ngày 19/12/2012) xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Trung, bà Thủy; tuyên cho ông Nhơn được quản lý, sử dụng diện tích đất 1.116,3m2.
Tiếp đó, ngày 21/8/2013, ông Dương Minh Hảo tự mình viết tay tờ di chúc với nội dung “Khi tôi qua đời tài sản của tôi gồm có 6.865m2, tôi cho 2 đứa con gái tôi Dương Thị Kim Dì, Dương Thị Ngọc Liêm; tôi tặng Nguyễn Phước Nhơn một ngôi nhà ngang 5/4, dài 14m”. Tờ di chúc này không thể hiện rõ thông tin về tài sản, không có xác nhận của cơ quan chức năng.
Ngày 9/9/2013, ông Hảo viết tay tờ giấy tặng cho ông Nguyễn Phước Nhơn một căn nhà ngang 5,4m, dài 14m và bổ sung tặng cho nhà ở và đất ở. Tờ di chúc này cũng không thể hiện thông tin về tài sản, không có xác nhận của cơ quan chức năng. Với tờ di chúc và tặng viết tay không có xác nhận của chính quyền địa phương này, các con ông Hảo và ông Nhơn khởi kiện bà Phan Thị Thu Thủy và ông Phan Thành Trung ra tòa án.
Ngày 28/4/2017, TAND huyện Kế Sách mở phiên tòa xét xử và tuyên “Di chúc viết tay ngày 21/8/2013 và Di tặng ngày 9/9/2013 của ông Dương Minh Hảo có hiệu lực pháp luật một phần đối với di sản của ông Hảo; di sản của ông Dương Minh Hảo là quyền sử dụng phần đất diện tích 3.395,13m2; di sản của bà Nguyễn Thị Ba là quyền sử dụng phần đất diện tích 1.697,57m2”. Đồng thời, tòa cũng tuyên “Căn nhà kích thước ngang 5,4m, dài 14m gắn liền với phần đất diện tích 286m2 giao cho ông Nguyễn Phước Nhơn quản lý, sử dụng; 2 con của ông Hảo là bà Dì và bà Liêm được thừa hưởng quyền sử dụng phần đất diện tích 3.395,13m2; ông Phan Thành Trung và bà Phan Thị Thu Thủy mỗi người được hưởng 848,785m2 đất là di sản của bà Ba”.
Theo TAND huyện Kế Sách, ông Hảo và bà Ba đã sống chung với nhau như vợ chồng từ năm 1964, đến năm 1965 cha mẹ vợ có cho vợ chồng trên 10 công đất (đang tranh chấp-PV). Đồng thời, tòa cũng cho rằng “phần đất đang tranh chấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Nguyễn Thị Ba ngày 23/5/1994 là tài sản chung của ông Dương Minh Hảo và bà Nguyễn Thị Ba (…). Như vậy có cơ sở xác định tài sản đang tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ba và ông Dương Minh Hảo, chứ không phải tài sản riêng của bà Nguyễn Thị Ba”.
Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, bà Phan Thị Thu Thủy và ông Phan Thành Trung đã kháng cáo đến TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm và TAND tỉnh Sóc Trăng đã có thông báo nhận hồ sơ kháng cáo của chị em bà Thủy.
Bạch Dương