Vụ con liệt sĩ mất đất sau bản án của Toà: Người dân địa phương nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Con liệt sĩ chính thức mất đất sau bản án khó hiểu của tòa”, sau khi TAND huyện Kế Sách tuyên án, chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin từ phía người dân ở ấp Trường Thọ, xã An Mỹ phản ứng gay gắt với phán quyết của tòa mà theo bà con là “quá ép người, gây thiệt thòi cho con liệt sĩ”.

Ông Phan Thành Trung bên phần đất tòa tuyên cho ông Hảo và ông Nhơn thắng kiện.
Ông Phan Thành Trung bên phần đất tòa tuyên cho ông Hảo và ông Nhơn thắng kiện.

Ghi nhận của PV, ông Nguyễn Hoàng Khải (63 tuổi, nhà ở gần nhà bà Nguyễn Thị Ba) bức xúc: “Tôi sống ở đây từ nhỏ tới lớn, biết rất rành về vụ tranh chấp và tôi thấy tòa xử án chủ yếu theo lời khai của ông Nguyễn Phước Nhơn và ông Dương Minh Hảo chứ không xác minh trong nhân dân.

Về đất tranh chấp, tôi khẳng định đúng là đất của bà Nguyễn Thị Ba, được cấp sổ đỏ đứng tên bà Ba thì đó là tài sản riêng của bà Ba chứ không phải là tài sản chung của ông Hảo và bà Ba được. Tòa cho rằng ông Hảo kết hôn với bà Ba năm 1964 là sai hoàn toàn. Thứ nhất, năm 1964, vợ ông Hảo là bà Bùi Thị Nguyên vẫn còn sống. Bà này chết vào cuối năm 1966 tại ấp Trường Thọ vì máy bay trực thăng của chế độ cũ bắn. Lúc đó tôi đang học lớp nhì (tương đương lớp 4 bây giờ-PV) và cũng là vào thời điểm lúa đang trổ bông. Trường hợp bà Nguyên chết, hỏi những người từ 60 tuổi trở lên ở ấp này ai cũng biết cả. Vì vậy tòa cho rằng sau khi bà Nguyên chết, ông Hảo kết hôn với bà Ba năm 1964 là không đúng. Điều vô lý là khi tòa hỏi mẹ mình mất năm nào thì con gái ông Hảo là bà Dì và bà Liêm trả lời không nhớ. Con mà không nhớ mẹ ruột mình chế năm nào là không ai chấp nhận cả, trong khi đó bà Dì là người thờ cúng, làm đám giỗ hàng năm cho bà Nguyên.

Thứ hai, năm 1964, ông Hảo hoạt động cách mạng phải bí mật, còn gia đình ông Hai Long (cha ruột bà Nguyễn Thị Ba) có 2 người con trai đang là lính, là sĩ quan của chế độ cũ, 2 bên ở 2 chiến tuyến đối lập nhau, làm gì có chuyện ông Hai Long gả bà Ba cho ông Hảo và càng không có chuyện ông Hai Long cho ông Hảo và bà Ba 10 công đất như ông Hảo tường trình. Như vậy ông Hảo khai là khai bậy nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bà Ba.

Tôi cam đoan ông Hảo gá nghĩa với bà Ba sau năm 1975 chứ không phải năm 1964. Năm 1967, ông Hảo bị giặc bắt tại vườn nhà ông Năm Chiến, giáp ranh với vườn nhà ông Sáu Trọng. Sau đó, ông Hảo bị đưa đi Côn Đảo đến khi giải phóng miền Nam mới về. Nghe tòa tuyên con bà Nguyễn Thị Ba mất nhà mất đất vào tay ông Nguyễn Phước Nhơn và 2 người con riêng của ông Hảo, bà con chúng tôi không thể nào tin được vì nó quá vô lý, quá ép người ngay”.

Ông Nguyễn Hoàng Khải.
Ông Nguyễn Hoàng Khải.

Cựu chiến binh Trương Văn Nhánh thì nói: “Tôi năm nay 67 tuổi, từ nhỏ tới lớn ở đây, nhà tôi ở ngang với nhà bà Ba nên tôi biết rõ lắm. Tôi khẳng định ông Hảo chỉ gá nghĩa với bà Ba sau năm 1975 chứ không phải năm 1964 như ông ta tường trình với tòa. Ông Hảo hoạt động cách mạng, đến năm 1967 bị giặc bắt đưa đi Côn Đảo sau giải phóng mới về. Còn cái chết của bà Nguyên (vợ ông Hảo) thì tôi vẫn nhớ đó là năm 1966, lúc đó là buổi chiều khi nước đang xuống. Chúng tôi rất tiếc là khi xảy ra tranh chấp, tòa không xác minh ở người dân mà chỉ nghe ông Nhơn và dựa vào tường trình của ông Hảo.

Trong khi xác minh ở UBND xã An Mỹ, ông Phó Chủ tịch UBND xã đã có văn bản khẳng định ông Hảo về ở với bà Ba sau năm 1975, nhưng tòa lại không lấy đó làm căn cứ. Là người lính, chúng tôi chỉ biết nói đúng sự thật. Nếu sai chúng tôi xin chịu hết mọi hình thức xử lý của pháp luật. Chúng tôi hy vọng tòa phúc thẩm sẽ xác minh thấu đáo hơn, xử đúng hơn”.

Cựu chiến binh Trương Văn Nhánh.
Cựu chiến binh Trương Văn Nhánh.

Bà Trần Thị Lợi (67 tuổi) nói một cách ngắn gọn: “Nhà tôi ở đối diện với nhà đất của bà Ba. Tôi về đây làm dâu năm nay tròn 50 năm. Từ khi về đây, tôi thấy bà Ba ở một mình nuôi con, không có chuyện ông Hảo kết hôn với bà Ba năm 1964. Tôi cam đoan sau năm 1975, ông Hảo mới đến với bà Ba. Sau khi bà Ba chết thì ông trở về ở bên nhà người con gái là bà Dì cho đến khi chết. Mộ ông hiện nay chôn bên cạnh mộ vợ trước là bà Nguyên”.

Bà Trần Thị Lợi.
Bà Trần Thị Lợi.

Các nhân chứng khác như bà Lê Thị Khứng, ông Từ Văn Từ , ông Trương Văn Sên, ông Nguyễn Xuân Hoàng (đều ngoài 60 tuổi) cũng xác nhận rất rõ là ông Hảo về ở với bà Ba sau năm 1975 và đất đó là của bà Nguyễn Thị Ba chứ không phải là của ông Hảo và bà Ba như ông Hảo tường trình với tòa.

Ông Phan Thành Trung với sấp hồ sơ dày cộm liên quan đến đất đai của gia đình.
Ông Phan Thành Trung với sấp hồ sơ dày cộm liên quan đến đất đai của gia đình.

Chỉ vào chồng hồ sơ nặng hàng chục ký với hàng trăm lá đơn kêu cứu gửi từ ấp cho đến Trung ương, ông Phan Thành Trung chua chát: “Cha mẹ tôi đổ mồ hôi, nước mắt và máu xương với mong muốn góp phần giải phóng đất nước và giữ tài sản cho con cái, nhưng cuối cùng không rơi vào tay người khác mà nguyên nhân là phán quyết không đúng của tòa sơ thẩm”.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm