Bài 57:
Vụ cổ phần hóa HACINCO: Giám đốc sai phạm la liệt, nghỉ hưu là “hạ cánh” an toàn?
(Dân trí) - “Chính những hành vi của ông Nguyễn Chí Sỹ liên quan đến việc chuyển nợ thành vốn góp trái quy định pháp luật tại HACINCO và việc kiến nghị chấp thuận các sai phạm này trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp cần phải được xử lý nghiêm khắc. Không thể có chuyện sai phạm xong “hạ cánh” là an toàn”, luật sư Phạm Quang Biên nhận định.
Trở lại với vụ việc cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), như Báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ của HACINCO trong những năm 2005, 2006 là một trong những vấn đề khiến dư luận không khỏi nhức nhối bởi nó đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp và quyền lợi của các nhà đầu tư hợp pháp mua cổ phần tại doanh nghiệp năm 2005.
Vậy trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp như thế nào khi để doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ? Trong vụ việc cổ phần hóa HACINCO thì việc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ có ảnh hưởng như thế nào đến quyền - lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư mua cổ phần tại doanh nghiệp? Bức xúc của các nhà đầu tư hợp pháp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa là có căn cứ?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Quang Biên - Giám đốc Hãng Luật IMC để làm rõ các khía cạnh pháp lý.
Luật sư Phạm Quang Biên nhận định: “Trong vụ việc cổ phần hóa HACINCO, ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO là người phải chịu trách nhiệm đối với việc để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, Nhà nước mất vốn tại doanh nghiệp này, cụ thể:
Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO có khẳng định:
- Tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HACINCO trước và trong quá trình cổ phần hóa như sau: “…Công ty huy động số vốn vay quá lớn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, gây áp lực lớn trong việc trả nợ gốc và lãi vay, hiệu quả sản xuất kinh doanh hàng năm rất thấp, nếu loại trừ số tiền được Ngân hàng Thành phố hỗ trợ lãi suất tiền vay hàng năm và hạch toán phân bổ đúng các khoản chi phí phát sinh thì tình hình sản xuất kinh doanh luôn trong tình trạng thua lỗ, mất vốn nhà nước…”
- Tình hình hoạt động kinh doanh trong năm 2005 của HACINCO như sau: “Năm 2005 hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 tiếp tục thua lỗ với số tiền 7.400 triệu đồng, vượt quá số vốn nhà nước hiện có (7.189 triệu đồng)….”
Như vậy, căn cứ vào nội dung Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội có thể thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của HACINCO trong những năm trước khi cổ phần hóa (2004) và trong quá trình cổ phần hóa (2005) liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ và Nhà nước mất hết vốn tại doanh nghiệp này.
Đối với việc để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ liên tiếp hai năm trở lên, Nhà nước mất vốn tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO sẽ phải chịu trách nhiệm. Trên thực tế, tại Báo cáo số 07/CV/CAHN(PC15) ngày 16/01/2007, Công an TP Hà Nội cũng đã khẳng định như sau:
“5/ Vi phạm của ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2.
- Doanh nghiệp liên tục lỗ cụ thể: Năm 2004 lỗ 1,9 tỷ. Năm 2005 lỗ 7,4 tỷ đồng, đây là trách nhiệm của Giám đốc Công ty…”
Ông Nguyễn Chí Sỹ đã không khắc phục những sai phạm mà còn tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận những sai phạm của mình, đặc biệt là các sai phạm liên quan đến việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần.
Do đó, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003: “... Giám đốc bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp sau đây: a) Để công ty lỗ hai năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư hai năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được,…” và quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 27 Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003:
“…4. Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Giám đốc sẽ không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tuỳ theo mức độ vi phạm:
a) Để công ty nhà nước lỗ;
b) Để mất vốn nhà nước…
5. Trường hợp để công ty lâm vào tình trạng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 của Luật này thì tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả bị hạ lương và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật…”
Đối chiếu với các quy định trên, có thể thấy, đối với việc để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ liên tiếp hai năm trở lên, Nhà nước mất vốn tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Sỹ sẽ không được thưởng, bị hạ lương và phải bị xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, ông Sỹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
PV: Tuy nhiên, hiện nay, ông Nguyễn Chí Sỹ không còn giữ chức vụ Giám đốc HACINCO nữa. Vậy các cơ quan chức năng đã xử lý sai phạm của ông Sỹ như thế nào?
Ngày 09/04/2007 Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ban hành Công văn số 368/TTGDHN-BĐG xác nhận danh sách nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thanh toán tiền đúng hạn.
Luật sư Phạm Quang Biên cũng phân tích thêm: Trên thực tế, việc nguyên Giám đốc HACINCO để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ và phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp và thuộc trách nhiệm của ông Sỹ đối với HACINCO, đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, hành vi này của ông Sỹ cũng như một số sai phạm khác của HACINCO trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp lại là nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của các nhà đầu tư đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO năm 2005 khi doanh nghiệp này cổ phần hóa bởi lẽ:
Các nhà đầu tư cho rằng sự yếu kém trong việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Giám đốc doanh nghiệp đã khiến cho doanh nghiệp thua lỗ, mất hết vốn Nhà nước, không trả được nợ cho các chủ nợ, người lao động thì bị nợ lương.
Do đó, khi cổ phần hóa, doanh nghiệp đã tiến hành chuyển nợ của một số nhà đầu tư cũng như nợ lương của người lao động thành vốn góp mua cổ phần một cách trái quy định pháp luật (vi phạm quy định tại Điều 9, khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 37 Nghị định 187/2004/NĐ-CP về chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần).
Chính sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần này của HACINCO đã khiến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp kéo dài hơn một thập kỷ vẫn chưa thể hoàn tất, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Nghiêm trọng hơn, do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và bị mất hoàn toàn vốn Nhà nước nên một phần số tiền các nhà đầu tư mua cổ phần tại HACINCO đã bị sử dụng để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh (theo nội dung Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội).
Thế nhưng, HACINCO ngày càng phát triển vững mạnh trong khi quá trình cổ phần hóa thì kéo dài chưa có hồi kết, các nhà đầu tư mòn mỏi chờ đợi và quyền lợi đến nay, sau hơn mười năm đầu tư vào HACINCO vẫn chỉ là số 0 tròn chĩnh.
Trong trường hợp của ông Nguyễn Chí Sỹ, với tư cách là Giám đốc HACINCO cũng như Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp tại HACINCO, liên quan đến vấn đề để doanh nghiệp thua lỗ nói riêng và vấn đề các sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa HACINCO nói chung, hơn ai hết ông Nguyễn Chí Sỹ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị, ban ngành để khắc phục các sai phạm này của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là ông Nguyễn Chí Sỹ đã không khắc phục những sai phạm đó mà còn tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận những sai phạm của mình, đặc biệt là các sai phạm liên quan đến việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần. Điều này khiến các nhà đầu tư hợp pháp thêm phần bất bình, bức xúc.
Công văn kiến nghị nhiều nội dung trong vụ cổ phần hóa Công ty Hacinco được Công ty cổ phần NCX Hà Nội gửi Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Theo thông tin Bà Nguyễn Thị Chi - một trong số các nhà đầu tư hợp pháp đã mua cổ phần tại HACINCO cung cấp thì trên thực tế, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội tại Công văn số 497/VP-CN ngày 03/4/2007, để góp phần tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, ngày 09/04/2007 Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ban hành Công văn số 368/TTGDHN-BĐG xác nhận danh sách nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thanh toán tiền đúng hạn.
Công văn 368/TTGDCK-BĐG đã thay thế nội dung Danh sách người sở hữu chứng khoán được Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành ngày 23/11/2005, chính thức xác nhận danh sách cổ đông mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bao gồm 24 nhà đầu tư với tổng số tiền mua cổ phần thanh toán đúng quy định là: 21.070.711.111 đồng.
Các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần trái quy định pháp luật không được công nhận là cổ đông tại HACINCO. Thế nhưng, ông Nguyễn Chí Sỹ vẫn “phớt lờ” tất cả nội dung xác nhận của Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, vẫn cho rằng việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần là hợp lý, hợp lệ, từ đó tiếp tục kiến nghị việc chấp nhận sai phạm của doanh nghiệp trong việc chuyển nợ thành vốn góp (theo nội dung Công văn số 36/CV-TCKT ngày 27/7/2007 của HACINCO gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vụ pháp chế - Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp).
Hành vi bỏ qua Công văn 368/TTGDHN-BĐG và tiếp tục kiến nghị chấp nhận sai phạm của ông Nguyễn Chí Sỹ có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho Thanh tra Chính phủ đã không nhận thấy được đầy đủ, toàn diện nội dung theo hồ sơ vụ việc, dẫn tới việc ban hành Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/09/2009 trong đó chứa đựng một số nội dung chưa hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tại HACINCO.
Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương "tuýt còi" khẩn cấp dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Thanh tra Chính phủ.
Nghiêm trọng hơn, khi Kết luận 2125/KL-TTCP đã được ban hành, ông Nguyễn Chí Sỹ tiếp tục có buổi làm việc với Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị chỉ đạo UBND TP Hà Nội thực hiện Kết luận 2125/KL-TTCP (theo Công văn số 2981/TTCP-BTCDTW ngày 10/11/2016 của Thanh tra Chính phủ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội). Có thể thấy, đây là việc quyết tâm bảo vệ đến cùng những sai phạm của mình trong quá trình cổ phần hóa HACINCO. Điều này không chỉ làm cho quá trình cổ phần hóa tiếp tục rơi vào bế tắc mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền – lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư hợp pháp tại HACINCO.
Tại Báo cáo số 4834/STC-TCDN ngày 16/11/2006, Sở Tài chính cũng khẳng định: “…Công ty Đầu tư xây dựng số 2 vẫn không nhận thức đầy đủ về cơ chế chính sách hiện hành, nhiều lần có văn bản đề nghị UBND thành phố và các cấp ngành công nhận tình hình thực tế tại Công ty, bỏ qua các sai sót không xử lý theo quy định mà chỉ rút kinh nghiệm là không phù hợp…”
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy, chính những hành vi của ông Nguyễn Chí Sỹ liên quan đến việc chuyển nợ thành vốn góp trái quy định pháp luật tại HACINCO và việc kiến nghị chấp thuận các sai phạm này trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc của các nhà đầu tư hợp pháp đã mua cổ phần tại HACINCO từ năm 2005.
Theo dõi diễn biến nội dung vụ việc có thể thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là vấn đề nội bộ doanh nghiệp, thế nhưng trong vụ việc này đã để lại những hậu quả trực tiếp đối với hoạt động cổ phần hóa nói chung và quyền - lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư mua cổ phần tại doanh nghiệp nói riêng.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị có sai phạm liên quan đến quá trình cổ phần hóa thì việc nhanh chóng hoàn tất cổ phần hóa HACINCO đã kéo dài hơn một thập kỷ theo đúng quy định pháp luật để bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư là vô cùng cấp bách.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế