Bài 9:

Vụ bỗng dưng kê biên nhà dân đang ở 18 năm: Ai là kẻ thực sự hưởng lợi?

(Dân trí) - Liên quan đến việc thi hành án đối với căn nhà số 10 Kim Mã (nay là nhà số 194 Kim Mã), liệu có cần thiết phải lật lại vụ việc khi mà các bên đương sự không hề có tranh chấp với nhau và ba trong số các đương sự đã mất? Ai là người thực sự được hưởng lợi đằng sau câu chuyện gần 20 năm này? Dư luận vẫn đang chờ sự xem xét và câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.

Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến việc thi hành án đối với căn nhà số 10 Kim Mã (nay là nhà số 194 Kim Mã), bà Đặng Thị Lâm (chủ sở hữu nhà đất trước khi chuyển nhượng cho ông Ích) là bị đơn của 07 vụ án dân sự trong đó có một vụ đã có Bản án phúc thẩm số 50/DSPT của TAND TP Hà Nội và 06 vụ còn lại là bản án, quyết định của TAND quận Ba Đình. Trong 07 văn bản của Tòa án thì chỉ có Bản án số 50 giữa bà Lâm và bà Oanh và Quyết định công nhận hòa giải thành giữa bà Lâm và bà Việt có đề cập tới việc bán căn nhà số 10 Kim Mã để thi hành án trong khi đó, ông Ích là người đang quản lý tài sản tại thời điểm thi hành án theo Hợp đồng thuê nhà.

Trong quá trình thi hành án, do sự thỏa thuận, thống nhất của bà Lâm, bà Oanh và ông Ích, THADS quận Ba Đình đã lập Biên bản ngày 16/01/1999 ghi nhận bà Lâm bán nhà cho ông Ích. Trên cơ sở thỏa thuận này, sau khi thu tiền mua nhà từ ông Ích, THADS quận Ba Đình đã đối trừ số tiền ông Ích được thi hành án và phần còn lại được thi hành án cho những người khác (03 trong số những người được thi hành án đã nhận đủ tiền là ông Ích, bà Lan và ông Giáp).


Việc nộp tiền vào Chi cục Thi hành án quận Ba Đình của ông Ích còn nguyên biên lai đóng dấu đỏ từ năm 1999.

Việc nộp tiền vào Chi cục Thi hành án quận Ba Đình của ông Ích còn nguyên biên lai đóng dấu đỏ từ năm 1999.

Sau gần 10 năm kể từ khi nhận tiền từ ông Ích và sử dụng số tiền này để thanh toán cho những người được thi hành án khác, Trưởng THADS quận Ba Đình đã có Quyết định số 602.1/THA ngày 05/4/2007 hủy toàn bộ kết quả giải quyết tại Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 của Chấp hành viên THADS quận Ba Đình. Tiếp đó, Cục THADS TP Hà Nội đã rút hồ sơ lên để giải quyết, buộc gia đình ông Ích phải hoàn trả lại tài sản đã mua hợp pháp và tổ chức kê biên tài sản để thi hành án lại.

Vậy việc hủy bỏ Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 của Cục THADS TP Hà Nội có đúng quy định của pháp luật hay không và việc tổ chức thi hành án lại trong khi số tiền mua bán nhà đã được thanh toán cho những người được thi hành án còn lại có phù hợp với các quy định pháp luật?

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ hơn về các vấn đề này.

PV: Thưa luật sư, xin luật sư cho biết, việc hủy bỏ Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 của Cục THADS TP Hà Nội có đúng theo quy định pháp luật hay không?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Thứ nhất, phải khẳng định rằng, thỏa thuận giữa các bên theo Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 là không trái quy định của pháp luật và cần được ghi nhận bởi:

Căn cứ Theo quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 cũng như tinh thần của Bộ luật dân sự năm 1995 thì khi có Bản án, Quyết định của Tòa án về việc giải quyết vụ án dân sự thì trước hết người phải thi hành án có nghĩa vụ tự nguyện thi hành. Trong quá trình đó, các đương sự có quyền thoả thuận thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Xét trong vụ án này, trong quá trình thi hành án theo Đơn yêu cầu thi hành án của bà Oanh, bản thân bà Oanh đã cùng bà Lâm (chủ sở hữu nhà đất số 10 Kim Mã) và ông Ích (người đang quản lý, sử dụng nhà đất theo Hợp đồng thuê nhà) thỏa thuận về việc mua bán căn nhà để thi hành án. Với những người được thi hành án còn lại (bà Việt, bà Lan, bà Quang và ông Giáp) tuy không tham gia trực tiếp vào thỏa thuận nhưng đều không có ý kiến phản đối về việc ông Ích mua căn nhà của bà Lâm. Thực tế, số tiền sau khi bán nhà số 10 Kim Mã đã được thanh toán cho những người được thi hành án còn lại, tất cả đều nhất trí nhận tiền và cho đến nay đều không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào.

Mặt khác, tại thời điểm có thỏa thuận trên, ngoài căn nhà số 10 Kim Mã, bà Lâm vẫn còn có các tài sản khác có thể kê biên để thi hành án cho những người còn lại, đó là 50.000.000 đồng tiền được Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất và căn nhà F501 số 65 Phố Hàng Than. Do đó quyền - lợi ích hợp pháp của những người liên quan sẽ luôn được đảm bảo nếu cơ quan thi hành án làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Như vậy, rõ ràng thỏa thuận giữa bà Lâm, bà Oanh và ông Ích là không trái với quy định của pháp luật thi hành án, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp đối với việc dân sự: đó là tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội và không xâm phạm tới lợi ích của người thứ ba là những người được thi hành án còn lại.


Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết tố cáo Cục trưởng Cục thi hành án Hà Nội của người dân.

Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết tố cáo Cục trưởng Cục thi hành án Hà Nội của người dân.

Thứ hai, Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 không phải là Quyết định về thi hành án do đó, cơ quan thi hành án không có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ Biên bản này.

Tại Pháp lệnh THADS, Luật THADS qua các thời kỳ, quy định tại Quyết định số 07/2007/QĐ-BTP về việc ban hành quy định về biểu mẫu nghiệp vụ THADS và quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BTP về việc ban hành và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các loại biểu mẫu nghiệp vụ THADS đã quy định và liệt kê chi tiết các văn bản về thi hành án. Đối chiếu theo quy định và các biểu mẫu này thì Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 không phải là một Quyết định (văn bản) về thi hành án (Chấp hành viên ký tên trong Biên bản này chỉ là người chứng kiến việc thỏa thuận giữa các bên).

Bên cạnh đó, xét thời điểm Trưởng THADS quận Ba Đình ra Quyết định hủy bỏ kết quả theo Biên bản thỏa thuận (ngày 05/4/2007): Tại Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể về các trường hợp được phép sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ Quyết định thi hành án. Trong Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 gửi các phòng thi hành án tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về hướng dẫn một số vấn đề nghiệp vụ thi hành án có đưa ra một trường hợp hủy bỏ quyết định thi hành án: đó là trường hợp thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết.

Sau này, tại Điều 37 Luật THADS năm 2008 quy định về việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án bao gồm các trường hợp cụ thể như sau:

+ Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền;

+ Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc;

+ Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn;

+ Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật THADS (chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án).

Như vậy, Văn bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 không phải là Quyết định về thi hành án, đồng thời theo các quy định này trên thì cũng không có cơ sở nào để hủy bỏ Biên bản thỏa thuận này. Do đó, việc hủy bỏ biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 của cơ quan thi hành án là hoàn toàn không có căn cứ.

Thứ ba, do thỏa thuận giữa các bên tại Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 là giao dịch dân sự nên giao dịch này chỉ có thể bị hủy bỏ bởi Quyết định của Tòa án hoặc do các bên đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc hủy bỏ kết quả thỏa thuận này.

Trong vụ việc này, rõ ràng giữa ông Ích, bà Lâm và bà Oanh chưa hề có bất cứ Biên bản nào thống nhất về việc huỷ bỏ kết quả thoả thuận ngày 16/01/1999. Điều này cho thấy rằng việc hủy bỏ Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 của cơ quan thi hành án là việc làm tuỳ tiện, không đúng với quy định của pháp luật và đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia thỏa thuận. Pháp luật đã quy định rất rõ rồi, chúng ta cần tôn trọng và triển khai thực thi theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền - lợic ích hợp pháp của công dân, chứ không thể tuỳ tiện và cảm tính trong thực thi pháp luật được.

PV: Sau khi có Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 thì ông Ích đã nộp tiền mua tài sản cho cơ quan thi hành án và cơ quan thi hành án đã chi trả cho những người được thi hành án còn lại. Luật sư có đánh giá như thế nào về việc thanh toán này?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Theo thông tin mà ông Ích cung cấp thì ông Ích đã nộp đầy đủ số tiền mua nhà đất vào cơ quan thi hành án (có phiếu thu của Thi hành án quận Ba Đình). Sau đó, cơ quan thi hành án đã dùng số tiền này để thanh toán cho những người được thi hành án còn lại. Cụ thể, số tiền bà Lâm phải thanh toán cho những người khác và số tiền cơ quan thi hành án đã thanh toán cho những người khác là như sau:

+ Theo Quyết định công nhận hòa giải thành số 06/CNHGT ngày 06/3/1999, bà Lâm phải trả cho bà Nguyễn Thị Lan số tiền là: 3.600.000 đồng. Sau đó, Cơ quan thi hành án đã trả cho bà Lan toàn bộ số tiền trên. Vậy việc thi hành án đối với bà Lan đã hoàn tất.

+ Theo Quyết định công nhận hòa giải thành số 12/CNHGT ngày 22/6/1998, bà Lâm phải trả cho bà Vũ Thị Hồng Việt số tiền là: 43.000.000 đồng. Sau đó, Cơ quan thi hành án đã trả cho bà Việt số tiền là: 30.000.000 đồng - đúng bằng số tiền mà bà Lâm phải trả cho bà Việt sau khi bán căn nhà số 10 Kim Mã được ghi trong Quyết định công nhận hòa giải thành.

+ Theo quyết định của Tòa án tại văn bản số 26/CNSTT ngày 04/11/1998, bà Lâm phải trả cho bà Phạm Thị Tuyết Trinh số tiền là: 95.000.000 đồng. Sau khi cơ quan thi hành án đã trả cho bà Trinh thì hiện bà Lâm còn phải thanh toán cho bà Trinh số tiền là 20.448.480 đồng.

+ Theo Bản án số 28/DSST ngày 12/11/1998, bà Lâm phải trả cho bà Hồ Nguyên Quang số tiền là: 72.000.000 đồng. Sau khi cơ quan thi hành án đã trả cho bà Quang thì hiện bà Lâm còn phải thanh toán cho bà Quang số tiền là 42.000.000 đồng.

+ Theo Bản án số 50/DSPT, bà Lâm phải trả cho bà Nguyễn Kim Oanh số tiền và vàng là: 246 chỉ vàng 98% và 15.283.460 đồng tiền lãi phát sinh tính cho tới tháng 12/1997. Sau khi cơ quan thi hành án đã trả cho bà Oanh thì hiện bà Lâm còn phải thanh toán cho bà Oanh số vàng là 101,7 chỉ vàng 98%.

+ Theo Quyết định công nhận hòa giải thành số 02/CNHGT ngày 31/01/1998, bà Lâm phải trả cho ông Nguyễn Văn Giáp số tiền là: 30.000.000 đồng. Ông Giáp đã được cơ quan thi hành án thanh toán toàn bộ số tiền này.

+ Theo Quyết định công nhận hòa giải thành số 27/CNHGT, bà Lâm phải trả cho ông Ích số tiền là: 86.500.000 đồng. Sau khi có thỏa thuận về việc mua nhà và khấu trừ tiền nợ, ông Ích đã khấu trừ toàn bộ số tiền bà Lâm nợ mình trước khi chuyển số tiền mua nhà còn lại cho cơ quan thi hành án theo đúng thỏa thuận ngày 16/01/1999.

Như vậy, tổng cộng số tiền bà Lâm còn phải trả cho những người còn lại là khoảng 90.348.000 đồng và 101,7 chỉ vàng 98% (chưa tính khoản 1.495.000 đồng tiền án phí). So sánh số tiền ông Ích đã nộp cho thi hành để mua nhà với số tiền đã được cơ quan thi hành án thanh toán cho các đương sự còn lại có thể thấy rằng toàn bộ số tiền mua nhà ông Ích nộp cho cơ quan thi hành án đã được cơ quan thi hành án sử dụng để trừ tiền án phí và trả cho các đương sự.

Vụ bỗng dưng kê biên nhà dân đang ở 18 năm: Ai là kẻ thực sự hưởng lợi? - 3


Luật sư Phan Thị Lam Hồng cho rằng 2 quyết định thi hành án theo yêu cầu được Cục thi hành án TP Hà Nội ban hành sau 10 năm khi người dân đã nộp tiền vào cơ quan thi hành án, xây nhà và sinh sống ổn định là không có căn cứ.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng cho rằng 2 quyết định thi hành án theo yêu cầu được Cục thi hành án TP Hà Nội ban hành sau 10 năm khi người dân đã nộp tiền vào cơ quan thi hành án, xây nhà và sinh sống ổn định là không có căn cứ.

Căn cứ nội dung bản án 50/DSPT của TAND TP Hà Nội thì Hội đồng xét xử đã quyết định kê biên diện tích 20m2 nhà đất tại số 10 Kim Mã và tạm giữ số tiền 50.000.000 đồng của bà Lâm hiện còn tại Ban dự án GPMB cho đến khi thi hành án xong. Bên cạnh đó, tại Quyết định công nhận hòa giải thành số 12/CNHGT ngày 22/6/1998, Tòa án đã công nhận thỏa thuận của các đương sự đó là sau khi bán được nhà số 10 Kim Mã để thi hành vụ kiện của bà Oanh, bà Lâm trả trước cho bà Việt 30.000.000 đồng còn lại 13.000.000 đồng trả dần trong 13 tháng.

Như vậy, căn cứ trên các quyết định này thì tại thời điểm xử lý tiền bán nhà thu được theo hướng ưu tiên giải quyết cho bà Oanh, bà Việt rồi sẽ đến những người được thi hành án khác (bao gồm cả ông Ích). Tuy nhiên, bà Oanh đã cùng thỏa thuận tại Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 và cũng không có ý kiến gì về việc thanh toán cho các đương sự khác trước (bao gồm cả việc ông Ích khấu trừ tiền nợ trước). Điều này cho thấy bà Oanh đã tự khước từ quyền ưu tiên thanh toán trước, đó là quyền của bà Oanh và bà Oanh đã tự thực hiện quyền này, chứ không do chấp hành viên hay không do bất cứ ai tạo nên, do đó việc thi hành án trong trường hợp này không trái với quy định pháp luật. Điều này cũng có nghĩa là việc thi hành án không có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc dẫn tới phải hủy bỏ kết quả thỏa thuận. Rõ ràng, xét về mặt thủ tục thi hành án thì việc kê biên, xử lý nhà đất số 10 Kim Mã đã xong kể từ khi ông Ích nộp tiền mua nhà và cơ quan thi hành án chi trả cho các đương sự khác. Việc thi hành án đối với những người đã được thanh toán xong (ông Ích, bà Lan và ông Giáp) đã khép lại.

Đối với số tiền còn lại mà bà Lâm chưa chi trả được cho những người được thi hành án thì bà Lâm vẫn có nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ này. Trong trường hợp các đương sự có yêu cầu và vẫn còn trong thời hạn yêu cầu thi hành án, Cơ quan thi hành án chỉ được quyền kê biên các tài sản khác của bà Lâm để thi hành án (nhà ở 65 phố Hàng Than, căn nhà số 218 Ngọc Khánh là căn nhà được cơ quan phân cho chồng của bà Lâm – nếu bà Lâm có quyền sở hữu đối với khối tài sản này…) chứ không thể cưỡng chế thu hồi nhà ở của ông Ích để tiến hành thi hành án lại. Trường hợp bà Lâm có tài sản chung với người khác thì Cơ quan thi hành án vẫn được quyền kê biên, bán đấu giá tài sản đó để thanh toán cho người được thi hành án căn cứ theo quy định tại Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.

Nếu do sự tắc trách của cơ quan thi hành án dẫn tới việc người phải thi hành án tẩu tán tài sản thi hành án, trốn tránh việc thi hành án thì trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về cơ quan thi hành án và chấp hành viên phụ trách vụ việc. Theo tinh thần của pháp luật về thi hành án thì đối với các việc thi hành án đã thi hành một phần hoặc chưa thi hành xong nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì kết quả thi hành án được công nhận. Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu tài sản đã được chuyển nhượng cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành ánkhông có tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn có thể bị kê biên, xử lý để thi hành án. Do vậy nếu có trường hợp tẩu tán tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền yêu cầu huỷ việc chuyển nhượng đó và tiến hành kê biên tài sản để tiếp tục việc thi hành án.

Có thể thấy rằng, Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 là thỏa thuận hợp pháp giữa các đương sự. Vì vậy, thỏa thuận này phải được các bên cũng như cơ quan có liên quan tôn trọng và thực hiện. Việc hủy bỏ thỏa thuận này và tổ chức thi hành án lại trong khi các đương sự không có khiếu kiện, khiếu nại là không đúng quy định của pháp luật, không phù hợp với ý chí của các bên, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Ích – người đã bỏ tiền ra mua và sử dụng nhà đất gần hai thập kỷ qua, đồng thời gây tốn kém về nhân lực, thời gian của các cơ quan, ban ngành có liên quan, gây nên tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân về chính sách, quy định pháp luật đúng đắn của Nhà nước ta.

Chính do việc kết luận sai phạm trong quá trình thi hành án không rõ ràng đồng thời Cục thi hành án thành phố Hà Nội cũng chưa giải quyết được vấn đề liên quan tới số tiền mà gia đình ông Ích đã bỏ ra để mua nhà đất, cho nên cho tới nay vụ việc vẫn đang rất bế tắc. Liệu có cần thiết phải lật lại vụ việc khi mà các bên đương sự không hề có tranh chấp với nhau và ba trong số các đương sự đã mất? Ai là người thực sự được hưởng lợi đằng sau câu chuyện gần 20 năm này? Dư luận vẫn đang chờ sự xem xét và câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm