Vụ bé 2 tháng tuổi bị bạo hành: Người mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Hải Hà

(Dân trí) - Nếu người mẹ được xác định tạo điều kiện về tinh thần hoặc vật chất để Thương hành hạ cháu, thì có thể bị xem xét vai trò đồng phạm đối với các tội danh của Thương.

Như đã đưa tin, Công an tỉnh Lâm Đồng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Hoài Thương (33 tuổi, ngụ thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) để điều tra về hành vi giết người trong vụ bé gái hơn 2 tháng tuổi bị bạo hành, phải nhập viện cấp cứu. Các quyết định đã được chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo quy định.

Theo cơ quan chức năng, Thương là người tình của N.P.H.A. (22 tuổi). Hồi tháng 3, A. ly thân chồng và cùng con là bé N.N.T.C. (hơn 2 tháng tuổi) chuyển về sống cùng Thương tại khu nhà trọ. Quá trình chung sống, do bé C. hay quấy khóc, Thương đã nhiều lần dùng tay, chân đánh, tát vào mặt cháu bé.

Vụ bé 2 tháng tuổi bị bạo hành: Người mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự? - 1

Đối tượng Trần Hoài Thương (Ảnh: V.T.)

Ngày 19/5, Thương đặt núm vú giả vào miệng rồi dán băng dính để cháu không khóc. Khi bé C. có dấu hiệu khó thở, đối tượng mới bỏ ra. Một ngày sau, khi thấy C. không chịu uống sữa, Thương đã tát vào đầu, mặt làm cháu khó thở, trớ sữa ra ngoài.

Từ những hành vi trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, có đủ căn cứ để xử lý đối tượng về tội Giết người hay không? Mẹ cháu bé có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Dấu hiệu của tội Giết người và Hành hạ người khác?

Luật sư Lưu Kiều Trang - Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, để giải đáp vấn đề này, cần đánh giá chính xác tính chất và mức độ hành vi của đối tượng có thể dẫn đến chết người hay không. Cụ thể, có 2 hành vi cần đặc biệt lưu tâm trong vụ việc này, đó là việc Thương đặt núm vú giả vào miệng cháu bé rồi dán quanh miệng và việc tát vào đầu, mặt làm bé bị khó thở, trớ sữa ra ngoài.

Về hành vi thứ nhất, cần làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của đối tượng, cần xác định Thương có nhận thức được rằng việc đặt núm vú giả vào miệng cháu C. rồi dán băng dính có thể gây ảnh hưởng tới việc hô hấp của cháu, có khả năng gây ra hậu quả chết người hay không?

Vụ bé 2 tháng tuổi bị bạo hành: Người mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự? - 2

Luật sư Lưu Kiều Trang - Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Về hành vi thứ hai, luật sư nhìn nhận đây là hành vi nguy hiểm, đối tượng đã tấn công vào các vùng trọng yếu trên cơ thể bé C. là đầu và mặt. Ngoài ra, đối tượng bị bạo hành là một cháu bé mới 2 tháng tuổi, còn non nớt, yếu ớt và không có khả năng chống cự trong khi Thương là một thanh niên khỏe mạnh, có đầy đủ năng lực nhận thức.

Một người trưởng thành, có đầy đủ nhận thức phải ý thức được việc tấn công cháu bé như vậy là hành động nguy hiểm, có thể gây ra chấn thương não và ảnh hưởng tới tính mạng của nạn nhân. Do đó, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Lạt nhận định đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 là có cơ sở.

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, Thương sẽ bị áp dụng tình tiết định khung Giết người dưới 16 tuổi tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật này. Ngoài ra, trong quá trình xác minh, cơ quan công an sẽ làm rõ từng hành vi trong những lần bạo hành trước đó của Thương đối với bé C., từ thời điểm đối tượng này chuyển về sống cùng bé và mẹ tại khu nhà trọ.

Nếu xác định trong thời gian này, đối tượng còn nhiều lần có những hành vi đánh đập nguy hiểm khác với cháu bé, các tình tiết tăng nặng "Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng" và "Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác" theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được áp dụng.

Bên cạnh đó, do cháu bé là con riêng của người tình của Thương, luật sư Kiều Trang cho rằng cần xem xét mối quan hệ giữa Thương và cháu bé. Nếu có căn cứ cho thấy cháu bé bị lệ thuộc về mặt vật chất với đối tượng, Thương có thể bị xử lý thêm về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, khung hình phạt áp dụng sẽ là 1-3 năm tù.

Mẹ cháu bé có phải chịu trách nhiệm hay không?

Đối với mẹ của cháu bé, luật sư cho rằng cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của người phụ nữ này. Cần xác minh và làm rõ việc mẹ cháu bé có biết con mình bị Thương đánh đập, thậm chí có thể chứng kiến việc con mình bị hành hạ trong suốt thời gian chung sống với Thương từ tháng 3 đến nay hay không.

Trường hợp có căn cứ xác định được rằng mẹ cháu bé biết, chứng kiến việc người tình của mình đánh đập, hành hạ con mà vẫn mặc kệ, bỏ mặc bé thì có thể bị xử lý hình sự về tội Không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 nếu Thương bị xử lý về tội Giết người. Thậm chí, nếu người mẹ tạo điều kiện về tinh thần hoặc vật chất để Thương hành hạ cháu, người này có thể bị xem xét vai trò đồng phạm đối với các tội danh mà đối tượng có thể bị xử lý hình sự nêu trên.

Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn không có hình phạt nào tương xứng dành cho một người mẹ để mặc cho con đẻ của mình còn đang rất nhỏ phải chịu cảnh hành hạ, tra tấn tàn độc, dã man. Trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội, được ưu tiên chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện phát triển tốt nhất; đặc biệt được pháp luật bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại tinh thần, sức khỏe, tính mạng, mọi hành vi xâm phạm đến quyền được chăm sóc, giáo dục và phát triển của trẻ em, sẽ phải bị xử lý nghiêm minh nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm