2 "ác mẫu" bạo hành bé trai 17 tháng có thể đối diện tội danh giết người

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi của 2 bảo mẫu có dấu hiệu của tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

Liên quan tới vụ bé trai 17 tháng tuổi bị 2 bảo mẫu đánh tử vong khiến dư luận hết sức phẫn nộ, nhiều ý kiến mong mỏi cơ quan chức năng áp dụng hình phạt cao nhất với hành vi dã man đó và không chấp nhận bất cứ tình tiết giảm nhẹ nào.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty Luật VietLawyer cho rằng, hành vi của 2 "ác mẫu" có dấu hiệu của tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự, khó có thể thoát được mức án cao nhất là tử hình. Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, 2 người này phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị, mai táng cho cháu bé và bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân.

2 ác mẫu bạo hành bé trai 17 tháng có thể đối diện tội danh giết người - 1

Bị can An (trái) và Lành tại cơ quan điều tra (Ảnh: T.A.).

Luật sư Phương chia sẻ, "với tư cách là một người mẹ, có con đang ở độ tuổi tới lớp, tới trường tôi hết sức bàng hoàng, đau xót trước sự mất mát của gia đình cháu bé. Bên cạnh đó, tôi cũng không khỏi hoang mang , bức xúc và phẫn nộ đối với hành vi của hai bảo mẫu đã có hành vi bạo hành cháu bé".

Đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến việc bảo mẫu bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, đứng trước sự việc đáng tiếc thế này vấn đề đặt ra là sự an toàn của các cháu bé khi được cha, mẹ gửi tới lớp, tới trường chưa được bảo đảm.

Theo lời khai ban đầu của hai bảo mẫu, chỉ vì quá bực tức khi cháu bé khóc, chạy ra ngoài cửa mà các đối tượng đã cùng nhau trong nhiều ngày sử dụng vũ lực bằng chân, tay đạp vào bụng, ngực rồi đá, dẫm vào đầu cháu bé, ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà để rèn cháu Đ. vào quy củ của lớp vì cháu là học sinh mới. Hậu quả cháu bị chấn thương sọ não và tử vong.

Có thể thấy nguyên nhân gây nên sự việc đáng tiếc này xuất phát từ bản thân hai bảo mẫu chưa đủ tố chất và đạo đức nghề, đặc biệt là cơ sở trông giữ trẻ này chưa được cấp phép hoạt động. Nếu như cơ sở trông giữ trẻ này đủ điều kiện hoạt động, bảo mẫu được trang bị đầy đủ kỹ năng và đáp ứng điều kiện về đạo đức nghề nghiệp cùng với sự giám sát chặt chẽ từ ban quản lý cơ sở thì sự việc đáng tiếc này có lẽ không xảy ra.

Theo nữ luật sư, từ sự kiện đau thương này, chúng ta cần phải cương quyết đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở trông giữ trẻ, chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ để đảm bảo các điều kiện. Ngoài ra, nên khuyến khích các cơ sở giáo dục lắp đặt camera để cha mẹ, phụ huynh, cơ quan chức năng có thể theo dõi, phát hiện sự việc kịp thời.

2 ác mẫu bạo hành bé trai 17 tháng có thể đối diện tội danh giết người - 2

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty Luật VietLawyer, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư cho rằng, hành vi của hai bảo mẫu có dấu hiệu của tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

Cụ thể, hai bảo mẫu giết người có tính chất côn đồ, giết người dưới 16 tuổi. Các bảo mẫu nếu không bị mất năng lực hành vi dân sự thì buộc phải biết việc làm dã man, tàn nhẫn của mình đối với một đứa trẻ 17 tháng tuổi có thể sẽ khiến đứa trẻ đó mất đi mạng sống. Dù họ có đưa ra bất cứ lý do gì để biện minh cho hành động của mình thì vẫn không thể phủ nhận được rằng cái chết của cháu bé có mối quan hệ nhân quả với những gì họ đã làm. 

Hơn nữa, cháu bé mới chỉ 17 tháng tuổi. Vì vậy, theo nhận định của Luật sư, An và Lành sẽ bị xử lý về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: giết người dưới 16 tuổi, phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, phạm tội có tính chất côn đồ và phạm tội vì động cơ đê hèn. Với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy, vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội nên hai đối tượng này rất khó có thể thoát được mức án cao nhất là tử hình

Về trách nhiệm dân sự, họ phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị, mai táng cho cháu bé và bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình cháu bé.

Rất mong vụ việc sẽ sớm được điều tra, làm rõ, xét xử nghiêm minh, sẽ là lời cảnh tỉnh đến toàn xã hội, để không có vụ việc đáng tiếc nào tương tự như vậy có thể tiếp diễn.