Trách nhiệm pháp lý của người mẹ 15 tuổi ở vụ bé 3 tháng tuổi bị bạo hành

PV

(Dân trí) - "Do chưa đủ 16 tuổi, mẹ bé trai có thể được miễn trách nhiệm nếu biết việc Phụng bạo hành con nhưng không tố cáo lên công an. Người mẹ sẽ chỉ bị xử lý nếu giúp sức, cùng bạo hành bé trai".

Như đã đưa tin, Nguyễn Minh Phụng (19 tuổi, ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm giữ để xác minh làm rõ hành vi Giết người.

Theo công an, Phụng khai nhận thường xuyên có hành vi bạo hành con trai của chị T.H.B.L. (15 tuổi, người tình của Phụng) là bé B. (3 tháng tuổi, chưa đăng ký khai sinh) dẫn tới việc bé tử vong vào ngày 15/8.

Kết quả giám định cho thấy nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não, vật tác động là vật tày, diện rộng. Bên cạnh đó, khắp cơ thể, tay, chân, vùng mặt bé cũng có nhiều vết xây xát da; xương tay trái, đùi trái bị gãy còn dưới da đầu có máu bầm.

Trách nhiệm pháp lý của người mẹ 15 tuổi ở vụ bé 3 tháng tuổi bị bạo hành - 1

Nguyễn Minh Phụng đang bị tạm giữ (Ảnh: Công an cung cấp).

Độc giả Dân trí băn khoăn, với những hành vi nêu trên, Phụng có thể đối diện mức phạt nào theo quy định của pháp luật? Ngoài ra, người mẹ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao trong vụ việc này?

Cha dượng đối diện khung hình phạt cao nhất, mẹ đẻ có thể được miễn xem xét trách nhiệm

Luật sư Đặng Văn Cường (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) cho biết, trẻ em là đối tượng yếu thế, được quan tâm đặc biệt trong xã hội. Pháp luật Việt Nam và quốc tế đã có nhiều văn bản pháp lý quan trọng, là cơ sở để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em.

Dẫu vậy, thời gian qua, các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, quyền cơ bản của trẻ em diễn ra gây nhức nhối trong xã hội, trong đó phải kể đến hành vi bạo lực, bạo hành và sát hại trẻ em. Không ít những đối tượng bạo hành, sát hại trẻ em đã phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Nhìn nhận đối với vụ việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, luật sư Cường đánh giá, với kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng đã ra tay rất tàn nhẫn đối với cháu bé. Với một cháu bé mới 3 tháng tuổi, hộp sọ còn rất mỏng, mềm, chỉ cần không nhẹ nhàng là có thể gây tổn thương, chưa nói đến việc tác động vật lý.

Với một người có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi, cần hiểu rằng việc đánh vào đầu, bóp vào mặt, lắc mạnh hộp sọ cháu bé là hành vi giết người, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Dù có ý chí tước đoạt mạng sống bé trai hay không, hành vi của Phụng vẫn thể hiện sự tàn nhẫn, mất tính người, xâm phạm nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của trẻ em. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra tạm giữ nghi phạm để xác minh hành vi Giết người là có cơ sở.

Trích dẫn quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, với hành vi có dấu hiệu phạm tội Giết người cùng tình tiết định khung giết người dưới 16 tuổi, khung hình phạt nghi phạm có thể đối diện sẽ là 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng sẽ xác minh trách nhiệm của mẹ cháu bé đối với vụ việc này. Cụ thể, luật sư Cường cho rằng cần làm rõ việc trong nhiều lần Phụng bạo hành cháu bé thì mẹ cháu có biết, có hành vi ngăn cản hay không. Đồng thời, cần làm rõ những lần thương tích trước đây là do ai gây ra.

Trường hợp có căn cứ cho thấy mẹ cháu bé biết nhưng không ngăn chặn, không tố giác sự việc với cơ quan chức năng hoặc thậm chí che giấu hành vi của Phụng, và những lần bạo hành đó của Phụng có tính chất nguy hiểm, có khả năng tước đoạt tính mạng nạn nhân, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Không tố giác tội phạm hoặc Che giấu tội phạm.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội danh nhất định, trong đó không có tội Che giấu tội phạm và Không tố giác tội phạm quy định tại các Điều 389, 390 Bộ luật này. Do đó, trách nhiệm pháp lý của mẹ cháu bé sẽ chỉ được xem xét nếu người này cũng có hành vi bạo hành, hành hạ dẫn tới việc cháu bé tử vong.

Có thể xử lý thêm 2 tội danh?

Cùng theo dõi sự việc, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, với các hành vi tấn công vào vùng trọng yếu là đầu cháu bé, việc cơ quan chức năng tạm giữ Phụng để điều tra hành vi Giết người là có cơ sở.

Bên cạnh đó, đối với các thương tật ở vùng tay, chân cháu bé, cơ quan chức năng có thể tiến hành giám định kết quả thương tật. Trong trường hợp kết quả cho thấy tỷ lệ phần trăm thương tích, bất kể có đạt mức 11% hay không, Phụng đều có thể bị xử lý thêm về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 cùng tình tiết định khung phạm tội đối với người dưới 16 tuổi.

Bên cạnh đó, một chi tiết khác đáng chú ý là nghi phạm khai nhận trong quá trình chung sống đã nhiều lần quan hệ tình dục với mẹ của cháu bé dù L. chưa đủ 16 tuổi. Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ, chứng cứ để làm rõ tình tiết này, từ đó xác định thực tế có hay không hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi.

Trong trường hợp lời khai của Phụng và L. là trùng khớp và chính xác, Phụng có thể bị xem xét khởi tố thêm về tội Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cơ bản là 1-5 năm tù. Trường hợp thực hiện hành vi từ 2 lần trở lên, mức phạt tù sẽ là 3-10 năm.

Về việc L. có tự nguyện cho Phụng quan hệ hay không, luật sư Tiền cho rằng đây không phải cơ sở để xem xét miễn trách nhiệm hình sự với nghi phạm bởi ở độ tuổi dưới 16 tuổi, ý chí và nhận thức của người đó vẫn chưa đầy đủ, chưa thể ý thức được mức độ và hậu quả mà hành vi có thể gây ra.

Nếu L. tự nguyện giao cấu với Phụng, đây chỉ là chi tiết để nghi phạm không bị xử lý về các tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) hoặc Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144) tại Bộ luật Hình sự 2015.