Vụ bà Phương Hằng: Hai cơ quan cùng khởi tố, có chồng chéo không?

Hải Hà

(Dân trí) - Bạn đọc thắc mắc, theo nguyên tắc "không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm" thì tại sao bà Phương Hằng lại bị hai cơ quan cùng khởi tố? Liệu có sự chồng chéo giữa các cơ quan tố tụng không?

Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án liên quan đến các đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, nội dung vụ án được khởi tố tương tự với vụ án mà Công an TPHCM đã khởi tố đối với bà Nguyễn Phương Hằng trước đó, để làm rõ hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331, Bộ luật hình sự.

Trước đó, ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra Quyết định số 190-01/QĐ về việc khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự; đồng thời ra Quyết định số 300-50/QĐ về việc khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 300-04/LB và Lệnh khám xét số 300-07/LKX đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi như trên. Các quyết định và lệnh trên đã được VKSND TP.HCM phê chuẩn.

Bạn đọc Dân trí thắc mắc, nguyên tắc "không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm" là một nguyên tắc mới được quy định tại Điều 14 BLTTHS 2015, theo đó, nếu một người thực hiện hành vi phạm tội thì họ chỉ bị xét xử bởi một tòa án và chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý bởi một bản án. Vậy, ở đây có sự chồng chéo giữa 2 cơ quan này không? Sau này  2 cơ quan trên có tiến hành nhập/tách vụ án không? Quy trình thực hiện ra sao?

Vụ bà Phương Hằng: Hai cơ quan cùng khởi tố, có chồng chéo không? - 1

Bị can Nguyễn Phương Hằng.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, hai cơ quan tố tụng trên đang thực hiện đúng theo Khoản 4 điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, tội phạm xảy ra ở địa phương nào thì cơ quan CSĐT địa phương đấy tiếp nhận xử lý, không phải theo nơi cư trú.

Tại Tp HCM, thông tin ban đầu cho biết, bà Hằng bị khởi tố theo đơn tố giác của ca sỹ Vy Oanh, như vậy việc bà Hằng thực hiện tội phạm với ca sỹ Vy Oanh tại các buổi livestream là tại TP.HCM, nên Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thụ lý, khởi tố và điều tra vụ án là đúng thẩm quyền.

Tại Bình Dương, trước đó, Công an tỉnh này đã thụ lý xác minh đơn tố giác tội phạm của 6 cá nhân đối với bà Phương Hằng gồm: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên -  Công Vinh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng đã có hành vi "Vu khống"; "Làm nhục người khác"; "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân".

Trong 6 người đứng đơn tố cáo này có nhà báo Hàn Ni tố cáo bà Phương Hằng thêm hành vi "Đe dọa giết người" và đề nghị công an có biện pháp bảo vệ.

Vụ bà Phương Hằng: Hai cơ quan cùng khởi tố, có chồng chéo không? - 2

Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, một trong 6 người đứng đơn tố cáo bà Phương Hằng (ảnh: TL).

Luật sư Lực nhấn mạnh, hiện công an tỉnh Bình Dương chỉ mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.

Dù Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Công an tỉnh Bình Dương vẫn có thể khởi tố vụ án liên quan đến bà Hằng. Tuy nhiên, khả năng Công an tỉnh Bình Dương có phối hợp với Công an TP.HCM nhập vụ án để một nơi xử lý hay không thì còn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan này dựa trên quy định pháp luật.

Khi nào nhập/tách vụ án?

Luật sư Quách Thành Lực cho biết, tùy vào từng trường hợp mà tòa án, cơ quan có thẩm quyền quyết định về việc nhập hoặc tách những vụ án để thuận lợi cho việc xét xử.

Giai đoạn tiến hành điều tra

Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Bị can phạm nhiều tội;

+ Bị can phạm tội nhiều lần;

+ Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

- Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

Giai đoạn truy tố

- Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Bị can phạm nhiều tội;

+ Bị can phạm tội nhiều lần;

+ Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

- Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:

+ Bị can bỏ trốn;

+ Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;

+ Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Việc tổng hợp hình phạt sau khi xét xử 2 vụ án được thực hiện ra sao?

Theo Luật sư Lực, việc tổng hợp hình phạt theo khoản 1 và khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015 có một điều kiện bắt buộc chung là người bị tòa án xét xử phải là người đang chấp hành một bản án, tức là đã có một bản án có hiệu lực pháp luật kết tội người đó về một tội nào đó.

Vì vậy, quy định tại khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015 là để tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nếu như khi xét xử tòa án không thể tổng hợp hình phạt theo khoản 1 và khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015. Thẩm quyền tổng hợp hình phạt là của chánh án tòa án mà không phải là hội đồng xét xử.

Ví dụ: Ngày 03/01/2019, tòa án nhân dân huyện X tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn B 01 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày 15/01/2019, tòa án nhân dân huyện Y lại xét xử Nguyễn Văn B về tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này, tòa án nhân dân huyện Y không thể áp dụng khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015 để tổng hợp hình phạt, vì bản án kết tội Nguyễn Văn B của tòa án nhân dân huyện X chưa có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, chánh án tòa án nhân dân huyện Y sẽ tổng hợp hình phạt khi hai bản án của tòa án nhân dân huyện X và tòa án nhân dân huyện Y có hiệu lực pháp luật.

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của BLHS năm 2015. Tuy nhiên, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật hiện nay có thể tham khảo hướng dẫn tại mục 5 của Thông tư liên tịch số 02/TT-LN ngày 20/12/1991 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao như sau:

Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một tòa án thì chánh án tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.

Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án không cùng cấp thì chánh án tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau;

Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án của tòa án nhân dân, có bản án của tòa án quân sự, thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện tương tự như hướng dẫn trên đây;

Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của tòa án nước ngoài đã được tòa án Việt Nam công nhận, có bản án là của tòa án Việt Nam, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định tổng hợp hình phạt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm