Vụ 28 ha rừng cách trạm bảo vệ 15m bị phá: 7 năm công ty lâm nghiệp làm mất gần 300 ha rừng
(Dân trí) - Được giao rừng, đất rừng để thực hiện dự án, tuy nhiên nhiều năm qua, đơn vị chủ rừng liên tục để mất rừng và bị người lấn chiếm đất lâm nghiệp. Sau 7 năm, số rừng còn lại của công ty này cũng chỉ còn bằng 1/8 diện tích được giao ban đầu.
Năm 2011, Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Nam (Công ty Khang Nam) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 336,439 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó rừng tự nhiên là 324,645 ha) để thực hiện Dự án Bảo vệ rừng, đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp.
Theo Báo cáo số 06/BC-KL, ngày 30/1/2018 của Hạt Kiểm lâm Tuy Đức, hiện nay rừng của Công ty chỉ còn lại khoảng 40ha, chủ yếu là rừng lồ ô tái sinh, rừng hỗn giao lồ ô xen với gỗ rải rác. Do bị tàn phá, nên rừng bị phân chia rải rác, manh mún và bị xen lấn với những diện tích đất xâm canh của người dân.
Ngày 12/3/2018 Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức cũng có báo cáo về việc phá rừng xảy ra tại lâm phần của Công ty Khang Nam. Theo đó, thời gian qua, rừng của Công ty Khang Nam liên tục bị tàn phá.
Giai đoạn cuối năm 2017, lực lượng kiểm lâm huyện Tuy Đức đã phát hiện 3 vụ phá rừng trên lâm phần của công ty này, với tổng diện tích bị phá hơn 5ha. Diện tích rừng này bị thiệt hại hoàn toàn và đều bị người dân chiếm dụng đất để trồng cây nông nghiệp.
Đến ngày 23/2/2018, lực lượng kiểm lâm huyện Tuy Đức phát hiện 5 vị trí tại tiểu khu 1529, thuộc lâm phận của Công ty Khang Nam bị phá, với diện tích hơn 3,4ha. Tiếp đến, ngày 10/3/2018, lực lượng kiểm lâm lại phát hiện hơn 1ha rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 1529 của Công ty Khang Nam bị tàn phá.
Ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) khẳng định, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên nhận được thông tin từ nhân dân về việc rừng của Công ty Khang Nam bị tàn phá. Chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức lực lượng để tiến hành tuần tra, kiểm tra trên diện tích rừng của Công ty này và nhận thấy rừng bị tàn phá rất nhiều. Những diện tích rừng bị phá đều đã bị người dân lấn chiếm đất để trồng mì.
Cũng theo ông Quân, toàn bộ diện tích rừng của Công ty Khang Nam nằm trên địa bàn xã Quảng Trực, nhưng thời gian qua, đơn vị này chưa hề phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý, bảo vệ rừng. Thậm chí, công ty cũng chưa hề có bất kỳ một liện lạc nào với chính quyền địa phương. "Tôi chả biết cái ông giám đốc Khang Nam tên gì, mặt mũi ra làm sao", ông Quân ngao ngán.
Ông Nguyễn Duy Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuy Đức thông tin thêm, lực lượng kiểm lâm đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn, nhưng tình hình phá rừng ở lâm phần của Công ty Khang Nam vẫn thường xuyên diễn ra.
"Người dân phá rừng vô tội vạ. Phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác gỗ... Cái này là một "điểm nóng" phá rừng của huyện Tuy Đức trong thời gian qua", ông Tân cho biết.
Theo Hạt Kiểm lâm Tuy Đức, từ trước tới nay, Công ty Khang Nam không đầu tư công tác quản lý bảo vệ rừng, bỏ bê dự án. Đến nay, lực lượng bảo vệ rừng của công ty này chỉ có 3 người. Hàng năm, Công ty Khang Nam cũng không xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Công ty này cũng chưa hề phối hợp với chính quyền địa phương cũng như các lực lượng chức năng ở Tuy Đức để thực hiện quản lý bảo vệ rừng...
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức cho biết, mặc dù rừng bị phá như vậy, nhưng từ trước tới nay, Công ty Khang Nam chưa hề có bất kỳ báo cáo nào với Hạt Kiểm lâm Tuy Đức. Thậm chí, nhiều lần Hạt Kiểm lâm Tuy Đức tổ chức lực lượng tiến hành kiểm tra rừng của Công ty Khang Nam, nhưng đơn vị này đều không có người tham gia. Hầu hết các vụ phá rừng đều do lực lượng kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương phát hiện chứ không phải do Công ty Khang Nam phát hiện.
Trước đó Dân trí đã phản ánh, từ cuối năm 2017 tới nay, tại tiểu khu 1529 thuộc lâm phần của Công ty cổ phần Địa ốc Khang Nam liên tục xảy ra phá rừng, lấm chiếm đất rừng. Sau khi đốn hạ hàng chục hecta rừng, người dân đã tiến hành cưa xẻ các cây gỗ lớn để mang đi nơi khác, gỗ tạp và gốc cây bị đốt trụi. Trên diện tích rừng bị phá, nhiều diện tích cây nông nghiệp mọc lên xanh tốt. Đáng chú ý là hiện trường chỉ cách chốt quản lý bảo vệ rừng của công ty chưa đầy 15m và luôn có người túc trực 24/24.
Dương Phong