Vụ 2 thuyền viên bị hành hạ: Chủ tàu cá không về bờ có bị truy cứu hình sự?
(Dân trí) - Vụ 2 thuyền viên bị hành hạ, công an đã 3 lần yêu cầu bà H. điều ghe vào bờ để làm rõ vụ việc nhưng chủ tàu chưa chấp hành. Nhiều độc giả thắc mắc, chủ tàu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với Dân trí về tình huống pháp lý trên, Ts. Ls. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ danh tính của các đối tượng có liên quan, xác định hậu quả xảy ra để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì hành vi của các đối tượng không chỉ đánh đập, hành hạ với một người mà có tới hai nạn nhân, gây ra thương tích và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý của họ.
Tuy nhiên đến nay các nạn nhân vẫn chưa có đơn trình báo tố giác tội phạm, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng chưa trình diện với cơ quan chức năng. Bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được danh tính của các đối tượng có liên quan.
Theo quy định của pháp luật thì nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trước tiên, cơ quan chức năng sẽ làm việc với người bị hại, sẽ làm rõ mức độ thương tích, tổn hại sức khỏe của người bị hại, làm rõ diễn biến hành vi, nguyên nhân sự việc đồng thời xác minh đối với những người khác có liên quan.
Trường hợp có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội hành hạ người khác hoặc tội cố ý gây thương tích thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, xác định được danh tính của đối tượng gây án sẽ khởi tố bị can, nếu bị can cố tình trốn tránh, không trình diện thì sẽ bị truy nã.
Bởi vậy, trường hợp tàu cá cố tình không vào bờ, cơ quan điều tra không tiếp cận được với đối tượng trên tàu nhưng có đủ căn cứ cho thấy các đối tượng này đã thực hiện hành vi phạm tội, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự và tiến hành truy nã đối với những người này để bắt giữ xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính những người có mặt trên tàu vào thời điểm nạn nhân bị đánh đập, hành hạ, sẽ làm rõ ý chí của những người này để xác định đối tượng nào trực tiếp gây án, đối tượng nào giúp sức, xúi giục, đối tượng nào là chủ mưu. Trên cơ sở đó sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của từng đối tượng theo quy định của pháp luật. Tất cả các đối tượng có cùng mục đích đánh người, gây thương tích thì đều bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Đối với người chủ tàu, nếu đã được thông báo yêu cầu phối hợp với cơ quan điều tra mà cố tình không phối hợp, không yêu cầu người lái tàu điều khiển tàu về đất liền thì sẽ bị xem xét xử lý.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc đánh đập hành hạ các nạn nhân có phải do chủ tàu chỉ đạo hay không, có hành vi xúi giục giúp sức hay không để xác định trách nhiệm pháp lý. Nếu có căn cứ cho thấy chủ tàu biết về việc đánh đập hay nạn nhân, với vai trò là người chủ mưu hoặc xúi giục, giúp sức thì sẽ xử lý với người này với vai trò đồng phạm.
Trong trường hợp chủ tàu không có mặt tại thời điểm sự việc xảy ra, không biết về sự việc đánh đập, hành hạ thuyền viên nhưng sau khi sự việc xảy ra mà lại tìm cách xóa dấu vết, cản trở việc cơ quan điều tra làm rõ sự việc thì người này có thể bị xử lý về hành vi che giấu tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự.
Tội che giấu tội phạm được quy định tại điều 389, trong đó che giấu đối với tội hành hạ người khác và tội cố ý gây thương tích thì không bị xử lý hình sự về tội danh này.