Vụ sinh viên trường FPT hành hung bạn đổ máu: Có bị truy cứu hình sự?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu tỷ lệ thương tích của nạn nhân từ 11% trở lên thì T.Q. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích; ngoài ra cần làm rõ trách nhiệm nhóm sinh viên đi cùng Q.

Trong vụ việc mới đây xảy ra tại trường Đại học FPT, theo thông tin ban đầu, nam sinh C. sau khi tan học đã bị một nhóm sinh viên chặn đường, trong đó có T.Q. văng tục, chửi bậy, lao vào đạp, đánh đấm vào đầu và gáy khiến C. chảy nhiều máu và phải chuyển đến bệnh viện để cấp cứu. Sau khi xem clip về sự việc, nhiều người còn rùng mình vì những "miếng đòn thù" mà Q. dùng để đánh C., thậm chí dùng cả hung khí để tấn công.

Vụ sinh viên trường FPT hành hung bạn đổ máu: Có bị truy cứu hình sự? - 1

Nam sinh đấm, đạp bạn liên tục, vừa đánh vừa chửi bậy (Ảnh: Từ clip).

Nhiều ý kiến độc giả Dân trí cho rằng, thời gian gần đây bạo lực học đường xảy ra nhiều do hình thức xử phạt mới chỉ dừng lại ở việc răn đe chứ chưa mang tính chất trừng phạt, nghiêm trị. Trong vụ việc này, Q. có thể đối diện hình phạt nào trước hành vi côn đồ, dã man với bạn học như vậy?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong vụ việc này, có thể thấy Q. đã có hành vi cố ý gây thương tích đối với nam sinh C. và để xác định trách nhiệm của Q. thì cơ quan chức năng căn cứ vào kết quả điều tra hành vi của Q. cũng như kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân.

Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà Q. có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Trường hợp giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của C. là dưới 11% và không thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì nam sinh T.Q. có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ - CP về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với nạn nhân. 

Vụ sinh viên trường FPT hành hung bạn đổ máu: Có bị truy cứu hình sự? - 2

Nam sinh bị đánh chảy máu đầu (Ảnh: Mạng xã hội).

Trường hợp giám định thương tích đối với nam sinh L.T.C. mà tỷ lệ từ 11% trở lên thì Q. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự hiện hành. Theo đó, Q. có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Tiền cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ nhóm sinh viên đi cùng Q. để có biện pháp xử lý nghiêm túc đối với những sinh viên này.  

Mô hình Phó hiệu trưởng pháp chế ở Trung Quốc giúp giảm thiểu bạo lực học đường

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, để tránh những vụ việc tương tự xảy ra thì các nhà trường cần có những biện pháp phòng tránh, ngăn chặn bạo lực học đường. Cụ thể, nhà trường cần có biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh về hành động, hậu quả của hành động bạo lực.

Với những học sinh thường xuyên gây hấn thì phải khoanh vùng, phối hợp cùng gia đình uốn nắn, giúp đỡ các em, khuyến khích các em tham gia các phong trào của lớp, tạo sân chơi lành mạnh.

Về phía gia đình, cha mẹ cần nhìn nhận lại cách giáo dục con trẻ, cần quan tâm tìm hiểu xem trẻ nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè. Cha mẹ hãy là bạn đồng hành với con cái, không nên tạo cho con cái một vỏ bọc quá cứng nhắc sẽ gây tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, chơi bời, hưởng thụ. Cần có thái độ phê phán, lên án những hành vi ứng xử không đúng mực, có tính bạo lực và nên có những biện pháp xử lý có tính chất răn đe để làm gương cho người khác.

Luật sư chia sẻ thêm, hiện nay ở một số quốc gia đã và đang triển khai những giải pháp để hạn chế tình trạng bạo lực học đường khá hiệu quả.

Tại Trung Quốc, ngoài việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan phòng, chống bạo lực học đường như Chương trình hành động xử lý tình trạng bạo lực học đường của Văn phòng Ủy ban Giám sát giáo dục Quốc vụ viện (Chính phủ), Hướng dẫn phòng, chống tình trạng bạo lực và bắt nạt trong học sinh tiểu học và trung học của 9 bộ, ngành Trung ương; Luật Bảo vệ người vị thành niên, Luật phòng, chống người vị thành niên phạm tội...; những năm gần đây, các địa phương ở Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện mô hình phó hiệu trưởng pháp chế.

Theo đó, trường mời các chuyên gia trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, công an, tư pháp... kiêm nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng phụ trách kỷ luật và pháp chế của trường học. Đến nay, hầu hết các trường học ở Trung Quốc đều có Phó Hiệu trưởng pháp chế với một trong các chức năng chính là phòng, chống bạo lực học đường.

Ngoài công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, biện pháp phòng, chống bạo lực học đường, người đảm nhận chức danh này còn định kỳ lên lớp, thực hiện phổ biến và giáo dục pháp luật thông qua phân tích các vụ việc điển hình, truyền tải các kiến thức, kỹ năng liên quan phòng, chống bạo lực học đường cho giáo viên và học sinh, góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường tại Trung Quốc.

Tại Nga, để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, các trường học đã thành lập tổ hòa giải hoạt động với phương châm giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần xây dựng.

Các tổ hòa giải sử dụng gói giải pháp xử lý vụ việc trong bầu không khí an toàn; tương tác với từng người mà không dùng áp lực hay đe dọa; chữa lành tinh thần cho nạn nhân thông qua đối thoại cởi mở và sự ăn năn của người phạm lỗi; vạch kế hoạch hành động để không lặp lại mâu thuẫn; khôi phục tinh thần cảm thông giữa các bậc phụ huynh… Sau một thời gian hoạt động, các tổ hòa giải ngày càng lấy được niềm tin từ các bậc cha mẹ.

Bạo lực học đường vẫn luôn là một vấn nạn gây ra nhiều nhức nhối trong xã hội hiện nay. Nguy hiểm hơn, tình trạng này đang diễn ra phổ biến với mức độ nghiêm trọng trong trường học ở mọi cấp học.

Những nạn nhân của bạo lực thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh đeo đẳng suốt thời gian dài. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.