Bài 66:
Vụ 146 Quán Thánh: "Quận Ba Đình xử lý ì ạch, người dân có quyền khiếu nại"
(Dân trí) - “Sự “im lặng” của UBND quận Ba Đình đến thời điểm này là vô cùng khó hiểu bởi mọi sai phạm đã được chỉ ra rõ ràng tại Kết luận thanh tra và các văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Vì vậy khi chính quyền xử lý ì ạch, người dân có quyền thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, luật sư Trương Quốc Hoè phân tích.
Như thông tin đã được công bố thì ngày 30/11/2015, Thanh tra thành phố Hà Nội đã có Kết luận thanh tra số 2901/KL-TTTP-P6 trong đó xác định rõ sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ và việc xây dựng căn nhà số 5 Đặng Dung có 3 tầng nhà xây trái phép. Gần đây nhất, ngày 26/9/2016, tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với UBND TP Hà Nội. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã cam kết với tổ công tác của Thủ tướng giải quyết vụ 146 Quán Thánh chậm nhất là ngày 30/10/2016.
Tuy nhiên, cho tới nay đã gần 01 năm kể từ ngày có Kết luận thanh tra và cũng đã quá thời hạn mà chủ tịch UBND quận Ba Đình cam kết với tổ công tác của Thủ tướng giải quyết vụ việc nhưng mọi việc vẫn “án binh bất động”, người dân tại số nhà 146 Quán Thánh vẫn phải “sống chung” với đường ống cống tắc, ùn ứ rác thải.
Vậy việc thực hiện Kết luận thanh tra được pháp luật quy định như thế nào và trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận Ba Đình ra sao?
Ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình báo cáo sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc 146 Quán Thánh trong tháng 10/2016.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết:
“Thứ nhất, về việc thực hiện Kết luận thanh tra theo quy định pháp luật:
Căn cứ theo quy định tại Điều 50 Luật Thanh tra năm 2010 thì Kết luận thanh tra phải được gửi tới Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên và đối tượng thanh tra.
Tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP Quy định về việc thực hiện kết luận thanh tra đã quy định rõ về quy trình, thời gian thực hiện Kết luận thanh tra như sau:
· Đối với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra:
+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra; kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;
+ Chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý áp dụng biện pháp cần thiết để kịp thời khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, đình chỉ, chấm dứt hành vi vi phạm, hủy bỏ, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản có nội dung trái pháp luật, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
+ Chậm nhất là 02 ngày kể từ ngày ban hành các văn bản trên phải được gửi cho đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan ban hành kết luận thanh tra.
· Đối với thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra và người được giao nhiệm vụ theo dõi:
+ Sau khi ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra.
+ Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về kết quả theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra.
+ Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định kiểm tra khi hết thời hạn phải thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra mà đối tượng đôn đốc không hoàn thành việc thực hiện.
· Đối với đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan:
Sau khi nhận được kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm:
+ Thực hiện và tổ chức thực hiện kịp thời, đúng thời hạn và đầy đủ các nghĩa vụ đã được xác định rõ tại kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
+ Báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra khi nhận được yêu cầu của cơ quan ban hành kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra.
Xét trong vụ việc này, tháng 11/2015, Thanh tra thành phố Hà Nội đã có Kết luận thanh tra đồng thời tháng 7/2016, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản đề nghị các đơn vị có liên quan xử lý vụ việc và báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30/7/2016. Mặt khác, sau buổi làm việc ngày 26/9/2016, lãnh đạo quận Ba Đình đã cam kết với lãnh đạo Bộ giải quyết vụ việc chậm nhất là ngày 30/10/2016.
Như vậy, nếu xem xét theo quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố và lãnh đạo Bộ thì rõ ràng đã quá thời hạn để xử lý vụ việc, lãnh đạo quận Ba Đình và các cá nhân, đơn vị có liên quan đã không thực hiện đúng nội dung Kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội.
Thứ hai, giá trị pháp lý của Kết luận thanh tra và biện pháp xử lý khi không thực hiện đúng Kết luận thanh tra:
Tại Điều 5 Nghị định 86/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra quy định như sau:
“Điều 5. Bảo đảm thi hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chấp hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra mà không chấp hành thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”.
Cuốn sổ đỏ được cấp đè lên cả phần đất chung là đường cống nhà 146 Quán Thánh do Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình Bùi Văn Thông ký.
Như vậy, kết luận thanh tra cũng được bảo đảm thi hành như một quyết định, bản án của Tòa án. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chấp hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra mà không chấp hành thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc UBND quận Ba Đình không chấp hành kết luận thanh tra thì những cán bộ có trách nhiệm có thể bị xử lý kỷ luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, trong trường hợp việc không chấp hành kết luận thanh tra gây ra thiệt hại thì UBND quận Ba Đình còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Thứ ba, người dân tại số nhà 146 Quán Thánh có thể khiếu nại, tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xử lý:
Ở đây, sai phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng đã được xác định rõ trong kết luận thanh tra.
Vì vậy, việc chậm chễ trong quá trình giải quyết vụ việc của lãnh đạo quận Ba Đình là không đúng với quy định pháp luật. Do đó, người dân có quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi sai phạm.
Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011 và Luật tố cáo năm 2011 thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu đối với hành vi sai phạm thuộc về Chủ tịch UBND quận Ba Đình.
Ngoài ra, đường ống cống cũ chưa được khơi thông dẫn tới việc ùn ứ rác thải, nước thải nên người dân sinh sống tại số nhà 146 Quán Thánh có quyền đề nghị Thanh tra Sở xây dựng xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BXD.
Sự “im lặng” của UBND quận Ba Đình đến thời điểm này là vô cùng khó hiểu bởi mọi sai phạm đã được chỉ ra rõ ràng tại Kết luận thanh tra và các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Hành vi này của lãnh đạo quận Ba Đình vừa trái với quy định pháp luật vừa kéo dài thêm thời gian chờ đợi của người dân vì vậy người dân có quyền thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”.
Xin cảm ơn luật sư!
Anh Thế (thực hiện)