Bài 62:
Vụ 146 Quán Thánh: Căn cứ pháp luật buộc trả lại cống cũ cho dân!
(Dân trí) - “Theo các quy định của pháp luật thì Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) phải tiến hành thủ tục để thu hồi GCNQSDĐ, Giấy phép xây dựng và ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình đối với nhà số 5 Đặng Dung để trả lại đường ống cống cũ cho khu nhà 146 Quán Thánh. Tuy nhiên, mọi việc vẫn “án binh bất động” là biểu hiện của việc phạm luật”, luật sư Trương Quốc Hoè nhận định.
Sau loạt bài báo điều tra của Báo Dân trí về những sai phạm nghiêm trọng của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc tại biển số nhà 146 Quán Thánh (Ba Đình - Hà Nội); trải qua quá trình điều tra, xác minh, ngày 30/11/2015, Thanh tra thành phố Hà Nội đã có Kết luận thanh tra số 2901/KL-TTTP-P6 trong đó xác định rõ sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ và việc xây dựng căn nhà số 5 Đặng Dung có 3 tầng nhà xây trái phép. Tiếp sau đó, ngày 20/7/2016, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra Thông báo số 27/TB-UBND chính thức kết luận hàng loạt sai phạm và đề nghị xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan tới việc cấp sổ đỏ cho cả phần diện tích đất chung có đường ống nước của khu nhà 146 Quán Thánh.
Tuy nhiên, kể từ khi có thông báo của UBND thành phố Hà Nội đến nay đã hơn 03 tháng, UBND quận Ba Đình vẫn chưa quyết định khơi thông đường ống cũ hay xây dựng đường ống cống mới để giải quyết tình trạng nước thải sinh hoạt ùn ứ bao lâu nay cho các hộ dân trong khu nhà?
Liên quan đến vấn đề này Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla cho rằng cần phải phá dỡ công trình sai phạm, trả lại đường ống cống cũ cho các hộ dân thuộc khu nhà 146 Quán Thánh bởi vì:
Thứ nhất, việc cấp GCNQSDĐ, Giấy phép xây dựng cho nhà số 5 Đặng Dung xây dựng trùm lên cả phần đường ống cống chung là trái quy định pháp luật:
Theo quy định tại Luật Đất đai 2003 và Điều 6 Nghị định 181/2004/NĐ-CP thì đất xây dựng công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè … là đất sử dụng vào mục đích công cộng. Bên cạnh đó, cũng tại Luật đất đai, Luật Xây dựng 2003 và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ việc cấp GCNQSDĐ, Giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và nghiêm cấm các hành vi sau:
+ Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai; không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; huỷ hoại đất;
+ Nghiêm cấm cơi nới, lấn chiếm không gian, khu vực công cộng, lối đi và các sân bãi khác đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố;
+ Nghiêm cấm xây dựng công trình sai quy hoạch, vi phạm chỉ giới, cốt xây dựng; không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.
Xét thời điểm nhà số 5 Đặng Dung được cấp GCNQSDĐ, Giấy phép xây dựng và tiến hành xây dựng (từ năm 2003 đến năm 2008) thì việc cấp các loại giấy tờ trên và việc xây dựng là trái pháp luật bởi: đường cống nhà số 146 Quán Thánh đã được xây dựng từ lâu. Khi nhà số 5 Đặng Dung được cấp GCNQSDĐ và Giấy phép xây dựng và tiến hành xây dựng chưa có bất cứ quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền xác định diện tích đất thuộc phạm vi đường ống cống thuộc quyền quản lý, sử dụng của chủ sở hữu nhà số 5 Đặng Dung. Bên cạnh đó, thời điểm đó cũng không có bất cứ văn bản nào của cơ quan có cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất công trình công cộng (phần diện tích đất thuộc phạm vi của đường ống cống) sang đất ở.
Luật sư Trườn Quốc Hoè: "Căn cứ pháp luật buộc trả phải lại cống cũ cho dân!".
Như vậy, việc cấp GCNQSDĐ, Giấy phép xây dựng cho nhà số 5 Đặng Dung và việc xây dựng công trình trùm lên đường ống cống là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Thứ hai, về biện pháp xử lý đối với việc cấp giấy tờ trái pháp luật và công trình xây dựng sai phạm:
Một là, đối với các giấy tờ được cấp trái quy định:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì:
“Trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra có văn bản kết luận Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp xem xét, xác định Giấy chứng nhận đã cấp là đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo lại cho cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra;” .
Tức là theo quy định này thì các cơ quan có thẩm quyền phải thu hồi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trái pháp luật. Tương tự đối với Giấy phép xây dựng được cấp trái pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cũng phải thu hồi lại Giấy phép này.
Hai là, đối với các cán bộ, cá nhân đã có sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ, Giấy phép xây dựng:
Việc cấp GCNQSDĐ, Giấy phép xây dựng trái pháp luật đã dẫn tới tình trạng rác thải, nước thải ùn ứ tại nhà số 146 Quán Thánh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, đối với các cán bộ, cá nhân đã có sai phạm trong việc cấp các loại giấy tờ trên và việc để xảy ra việc xây dựng vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, bị kỷ luật và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Bộ luật hình sự Việt Nam nếu còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ba là đối với chủ đầu tư xây dựng công trình trái pháp luật và việc xử lý đối với công trình xây dựng đè lên đường ống cống:
Theo kết quả điều tra, xác minh thì nhà số 5 Đặng Dung không chỉ bị cấp phép xây dựng trái quy định mà còn xây dựng sai so với giấy phép được cấp (được cấp Giấy phép xây dựng 4 tầng nhưng hiện trạng là 7 tầng).
Cuốn sổ đỏ được cấp đè lên cả phần đất chung là đường cống nhà 146 Quán Thánh do Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình Bùi Văn Thông ký.
Nhiều năm sau đó, ông Nguyễn Phong Cầm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng không phải hỏi ý kiến người dân việc xây đường cống mới tại số nhà 146 Quán Thánh.
Vì vậy, theo quy định pháp luật, chủ đầu tư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 229 Bộ luật hình sự)…nếu còn trong thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự thì kể cả trường hợp còn thời hiệu xử lý hoặc đã hết thời hiệu xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả đó là:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
+ Buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm.
Đường ống cống của số nhà 146 Quán Thánh là công trình công cộng được xây dựng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Cho tới thời điểm này, chưa có bất cứ văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền về việc dịch chuyển đường ống cũ của số nhà 146 Quán Thánh. Vì vậy, cần phải phá dỡ toàn bộ nhà số 5 Đặng Dung để trả lại đường ống cống công cộng cho các hộ dân như nguyên trạng ban đầu trước đây.
Về thủ tục để thực hiện việc phá dỡ: Quy trình để phá dỡ công trình sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BXD đó là:
“b) Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng, người có thẩm quyền lập biên bản theo Mẫu biên bản số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày lập biên bản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình vi phạm phải chuyển hồ sơ lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, chuyển cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện.”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thành phố Hà Nội chưa hoàn thành chỉ đạo của Thủ tướng trong vụ việc 146 Quán Thánh.
Ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình báo cáo sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc 146 Quán Thánh trong tháng 10/2016.
Như vậy, sau khi đã có Biên bản về hành vi vi phạm của chủ đầu tư, chủ tịch UBND quận Ba Đình có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình và chuyển cho chủ tịch UBND phường Quán Thánh thực hiện. Trong thời hạn quy định mà Chủ tịch UBND quận Ba Đình không ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ thì Chánh Thanh tra Sở Xây dựng có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.
“Rõ ràng, theo các quy định trên thì Chủ tịch UBND quận Ba Đình phải tiến hành thủ tục để thu hồi GCNQSDĐ, Giấy phép xây dựng và ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình đối với nhà số 5 Đặng Dung để trả lại đường ống cống cũ cho các hộ dân trong khu nhà 146 Quán Thánh. Cho tới thời điểm này, kết luận thanh tra đã xác định rõ sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ cũng như việc xây dựng nhà số 5 Đặng Dung. Vì vậy, thiết nghĩ rằng, UBND quận Ba Đình và các cơ quan có liên quan cần thực hiện đúng chỉ đạo, đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm những cán bộ, cá nhân đã có sai phạm để nhanh chóng trả lại đường ống cũ cho người dân”, luật sư Hoè khẳng định.
Trước đó, sáng ngày 26/9, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 1/1/2016 đến 15/9/2016 đã làm việc tại trụ sở UBND TP Hà Nội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND quận Ba Đình báo cáo các nội dung liên quan đến vụ 146 Quán Thánh. Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết đây là một nhiệm vụ TP Hà Nội để quá hạn đã 56 ngày so với yêu cầu giải quyết của Thủ tướng.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế (thực hiện)