Bài 4:

Vụ 1.200m2 đất dân thành đất công: Mất đất vì đơn xin vào HTX nông nghiệp giả mạo?

(Dân trí) - “Chính quyền ngang nhiên lấy đất nhà tôi, dựa vào lý do duy nhất là đơn xin vào Hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1979. Nếu vào HTX nông nghiệp thì họ đăng ký trong sổ 5A, còn mẹ tôi lại đứng tên trong sổ 5B theo chỉ thị 299/TTg năm 1982. Đơn này hoàn toàn bịa đặt, giả mạo hòng chiếm đoạt đất mặt tiền của gia đình tôi”, ông Bùi Công Việt (con trai bà Tuyết) bức xúc.

“Phớt lờ” xác nhận của Bộ TNMT?

Điều khác thường, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi lấy 1.200m2/3.710m2 đất cùng mục đích của bà Nguyễn Thị Tuyết (đã mất), chỉ dựa tờ đơn xin vào Hợp tác xã nông nghiệp xã Nghĩa Điền (sau này là HTX nông nghiệp Quảng Phú) ghi năm 1979.

Trong khi đó, bà Tuyết đã kê khai đất theo chỉ thị 299/TTg vào năm 1982, sử dụng ổn định đến thời điểm xảy ra tranh chấp với thực hiện dự án nhà sinh hoạt văn hóa 1, 2 và 3 thuộc UBND phường Quảng Phú (TP Quảng Ngãi).

Xác định chủ sở hữu diện tích 1.200m2 đất trên, vào năm 2007, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực khẳng định tại Báo cáo số 60/BC-BTNMT nêu: “Việc UBND tỉnh Quảng Ngãi căn cứ vào đơn xin vào Hợp tác xã của gia đình bà Tuyết năm 1979 để cho rằng diện tích đất 3.710m2 gia đình bà đã đưa vào HTX là không đúng thực tế”.

Bộ TN&MT nêu lý do đơn xin vào HTX năm 1979 của gia đình bà Tuyết chỉ kê khai tại thời điểm đó gia đình bà có 9 người và có các loại ruộng đất gia đình đang quản lý, sử dụng. Do đó không thể căn cứ vào đơn này để khẳng định diện tích đất trên gia đình bà đã góp vào HTX từ năm 1979. Mặc khác, qua kết quả kiểm tra 562 đơn của các hộ gia đình xin vào HTX năm 1979 đang còn lưu trữ tại HTX Quảng Phú thì thấy các hộ có đất thổ cư và đất vườn đã kê khai trong đơn nhưng đến nay họ vẫn đang quản lý, sử dụng, không đưa đất đó vào HTX.

Lúc còn sống, bà Tuyết xác định chữ ký này trong đơn vào HTX nông nghiệp giả mạo. Nét chữ ký khác biệt so với các chữ ký thật.
Lúc còn sống, bà Tuyết xác định chữ ký này trong đơn vào HTX nông nghiệp giả mạo. Nét chữ ký khác biệt so với các chữ ký thật.

“Từ năm 1979 đến năm 1985, gia đình bà Tuyết vẫn liên tục quản lý, sử dụng đất này và năm 1982, bà Tuyết đã kê khai, đăng ký và có tên trong sổ đăng ký ruộng đất mẫu 5B của xã Quảng Phú. Trường hợp nếu là đất của HTX thì theo quy định phải đăng ký vào sổ đăng ký ruộng đất mẫu 5A. Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 30/HĐBT ngày 23/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì gia đình bà Tuyết là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất đó”, Bộ trưởng Mai Ái Trực trước đây khẳng định.

Mặc dù Bộ TN&MT (đơn vị quản lý đất đai của Chính phủ) xác định bà Tuyết là chủ sở hữu hợp pháp diện tích đất trên nhưng chính quyền tỉnh Quảng Ngãi lại căn cứ vào đơn xin vào HTX để chiếm đoạt 1.200m2 đất làm dự án. Đồng thời, không bồi thường đất, hoa màu, tài sản trên đất cùng các khoản hỗ trợ nào cho gia đình bà Tuyết.

Con trai bà Tuyết - ông Bùi Công Việt nói: “Cả mảnh đất 3.710m2 đều cùng loại đất vườn, nếu họ cho rằng 1.200m2 đã đưa vào HTX nông nghiệp thì tại sao không lấy hết mà chỉ chiếm đoạt bấy nhiêu đất làm dự án? Từ trước giải phóng đến nay, mảnh đất này chưa lần nào trồng lúa mà chỉ trồng cây lâu năm, cây ăn quả, có cái giếng thì làm sao thuộc HTX nông nghiệp (đất lúa) được chứ. Thật quá vô lý, vậy mà chính quyền ép lấy đất cho bằng được và hành gia đình tôi hàng chục năm qua”.

Yêu cầu giám định chữ ký

Từ khi UBND phường Quảng Phú chiếm đoạt đất của bà Tuyết, bất ngờ xuất hiện đơn xin vào HTX với mốc thời gian bất hợp lý. “Để hợp thức hóa việc chiếm đoạt đất, cán bộ phường đẻ ra đơn xin vào HTX mà mẹ tôi chưa bao giờ ký. Nhìn vào chữ ký, rõ ràng họ ký giả mạo”, ông Bùi Công Việt khẩn thiết nói.

Căn cứ các chữ ký của bà Tuyết trên các loại giấy tờ, đều thấy rõ khác biệt so với chữ ký trong đơn vào HTX Quảng Phú. Cụ thể chữ ký trong Di chúc (lập năm 2011), Thẻ căn cước (nay là CMND) cấp năm 1970, Giấy ủy quyền cho con trai Bùi Công Việt,...

Vụ 1.200m2 đất dân thành đất công: Mất đất vì đơn xin vào HTX nông nghiệp giả mạo? - 2

Thẻ căn cước của bà Tuyết có chữ ký thật từ năm 1970.
Thẻ căn cước của bà Tuyết có chữ ký thật từ năm 1970.

Chữ ký thật của bà Tuyết trong di chúc lập năm 2011.
Chữ ký thật của bà Tuyết trong di chúc lập năm 2011.

Chữ ký trong Giấy ủy quyền mà bà Tuyết giao cho ông Bùi Công Việt tiếp tục hành trình đi tìm công lý.
Chữ ký trong Giấy ủy quyền mà bà Tuyết giao cho ông Bùi Công Việt tiếp tục hành trình đi tìm công lý.

Liên quan đến chữ ký trong đơn vào HTX trên, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TPHCM cùng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị cơ quan chức năng giám định chữ ký. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan nào thực hiện giám định chữ ký của bà Tuyết.

Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TPHCM đề nghị Công an tỉnh Quảng Ngãi giám định nhưng vẫn chưa có hồi âm.
Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TPHCM đề nghị Công an tỉnh Quảng Ngãi giám định nhưng vẫn chưa có hồi âm.

Văn bản Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuyển đơn tố cáo cán bộ phường Quảng Phú giả mạo chữ ký.
Văn bản Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuyển đơn tố cáo cán bộ phường Quảng Phú giả mạo chữ ký.

“Gia đình tôi cầu xin các cơ quan chức năng, hãy giúp chúng tôi thực hiện giám định chữ ký giả mạo. Chỉ có giám định chữ ký, sự việc sẽ làm sáng tỏ. Đó là mong ước trước lúc mẹ tôi mất, để linh hồn mẹ được siêu thoát về cõi vĩnh hằng và giúp vụ việc chạm đến ánh sáng công lý”, ông Việt đề nghị được giám định chữ ký trong đơn ngụy tạo vào HTX Quảng Phú.

Dân trí tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Hồng Long