Bài 8:
VKSND Cấp cao tại Hà Nội tiếp nhận đơn kêu oan trong vụ ly kỳ án giữa thủ đô!
(Dân trí) - Liên quan đến kỳ án khởi tố xong mãi 14 năm sau mới tuyên án sơ thẩm phạt tù hai anh em ruột tại Hoài Đức (Hà Nội), cùng với việc luật sư Nguyễn Chiến - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích các dấu hiệu oan sai, VKSND Tối cao đã tiếp nhận các nội dung kêu oan và chuyển VKSND thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 25/9/2017, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã gửi giấy báo tin số 603/BT-VC1 tới người bị kết án là hai anh em Quản Đắc Thúy và Quản Đắc Quý.
Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận được đơn của hai anh em Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy ghi ngày 03/7/2017. Nội dung: kêu oan và đề nghị xem xét lại Bản án hình sự sơ thẩm số 07A/2017/HSST ngày 26/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội.
Căn cứ quy định của pháp luật, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã chuyển đơn trên đến Viện KSND thành phố Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.
Như Dân trí đã đưa tin về kỳ án khởi tố xong mãi 14 năm sau mới tuyên án phạt tù hai anh em ruột tại Hoài Đức (Hà Nội), cùng với việc luật sư Nguyễn Chiến - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích các dấu hiệu oan sai, TAND Tối cao đã tiếp nhận đơn tố cáo đích danh thẩm phán Nguyễn Anh Huy, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm.
TAND Tối cao có Công văn số 222/TANDTC-BTTr gửi Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết: TAND Tối cao nhận được Đơn tố cáo đứng tên anh Quản Đắc Thúy và anh Quản Đắc Quý, địa chỉ tại thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Nội), là các bị cáo trong vụ án hình sự sơ thẩm “Cố ý gây thương tích” do TAND huyện Hoài Đức xét xử ngày 25/6/2017.
Nội dung đơn tố cáo ông Nguyễn Anh Huy, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nêu trên đã không triệu tập đủ các nhân chứng tại phiên tòa, gây bất lợi cho các bị cáo và ngăn cản các bị cáo tranh tụng với đại diện Viện kiểm sát là vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Từ đó, TAND Tối cao đã chuyển nội dung đơn tố cáo của anh Quý, anh Thúy đến Chánh án TAND TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ ly kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án tù với 2 anh em ruột này là thẩm phán Nguyễn Anh Huy. Đại diện VKSND huyện Hoài Đức tham gia là bà Tống Thị Thu Hiền.
Tại phiên tòa, dù các bị cáo một mực kêu oan, thẩm phán Huy đã thay mặt HĐXX tuyên phạt bị cáo Quản Đắc Quý 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Quản Đắc Thuý 5 năm tù.
Trước đó, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng đã nhận được đơn của anh Quản Đắc Quý khiếu nại và tố cáo một số vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hoài Đức trong việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án “Cố ý gây thương tích” này.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã chuyển nội dung khiếu nại và tố cáo của anh Quản Đắc Quý đến Vụ 12 VKSND Tôi cao để cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.
Vụ án có dấu hiệu oan nghiêm trọng xảy ra tại Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) kéo dài từ năm 2003 đến nay đã 14 năm với hơn 10 lần điều tra và điều tra bổ sung đối với các bị cáo Quản Đắc Thúy và Quản Đắc Quý được xem như một kỳ án trong lịch sử tố tụng hình sự.
Hai anh em Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thuý gửi đơn kêu oan khẩn thiết đến Báo Dân trí và các cơ quan Trung ương.
Luật sư Nguyễn Chiến - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã chuyển nội dung đơn kêu oan của hai bị cáo đến Chánh án TAND TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời phân tích nhiều dấu hiệu oan sai trong vụ án:
“Vụ án kéo dài đã 14 năm, có đến hơn 10 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng những vấn đề mấu chốt để chứng minh tội phạm của vụ án vẫn không đầy đủ! Chính thời gian tố tụng của vụ án đã nói lên sự thật khách quan của vụ án là đâu.
Điều bất thường là việc tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án vào tháng 5/2017 vừa qua, những người làm chứng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử không được triệu tập và không có mặt tham gia tố tụng tại phiên tòa. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án theo quy định tại Điều 10 BLTTHS.
Có một vài vấn đề quan trọng còn vướng mắc cần lưu tâm khi chứng minh tội phạm.
Thứ nhất, mâu thuẫn phát sinh giữa ông Quản Đắc Họp (bố của 02 bị cáo) với cha con người bị hại. Vụ án “cố ý gây thương tích” buộc tội đối với Quý và Thúy nhưng cả hai khẳng định không được chứng kiến sự việc, họ đều không có mặt tại thời điểm xảy ra việc mâu thuẫn giữa bố mình và cha con người bị hại. Người làm chứng phía bị hại khai có mặt Quý và Thúy tham gia cùng ông Họp đuổi đánh người bị hại, nhưng lại có có nhiều người làm chứng khác khẳng định khi xảy ra vụ án không có mặt Thúy và Quý, cũng không có ai gây thương tích cho ai. Đại diện UBND xã Vân Côn cũng đã xác nhận theo đơn của Quản Đắc Quý là trong cuộc xô xát, cha con người bị hại đều không hề bị đánh. Như vậy, Thúy và Quý có là đối tượng gây thương tích cho người bị hại hay không, đây là mấu chốt bắt buộc phải xác định sự thật vụ án.
Luật sư Nguyễn Chiến - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích hàng loạt dấu hiệu oan sai trong vụ án ly kỳ giữa thủ đô.
Thứ hai, việc trưng cầu giám định và đi giám định không khách quan. Theo xác nhận của đại diện UBND xã Vân Côn thì bản kết luận giám định pháp y về thương tích của người bị hại vào năm 2003 là do gia đình người bị hại tự đi làm và nộp cho công an xã.
Thứ ba, việc kết luận tỷ lệ thương tích tại Bản kết luận giám định pháp y còn đang gây tranh cãi vì người bào chữa của hai bị cáo cho rằng giám định viên đã áp dụng trái quy định tại Thông tư Liên tịch số 12 ngày 26/7/1995 của liên Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH để kết luận tỷ lệ thương tích cho người bị hại (thương tích vùng trán áp dụng tỷ lệ thương tật vùng hàm, kết luận suy nhược sau chấn thương sọ não thể nhẹ nhưng kết quả chụp X- Quang không có tổn thương sọ não…).
Thứ tư, vật chứng vụ án không thu thập, lời khai của các đương sự rất mâu thuẫn về việc có hay không có sử dụng hung khí khi xô xát giữa bố các bị cáo và người bị hại còn chưa có căn cứ vững chắc xác định nhưng các bị cáo lại bị cáo buộc và xét xử với tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm”.
Thứ năm, cơ chế vết thương không phù hợp với lời khai của các bên cũng như hung khí xác định trong vụ án.
Thứ sáu, lời khai của người bị hại, các nhân chứng hoặc của chính 01 nhân chứng cũng mâu thuẫn với nhau và họ cũng không thể giải thích rõ vì sao lại biết các tình tiết để có lời khai mâu thuẫn trong rất nhiều lần điều tra bổ sung như vậy. Đặc biệt còn bỏ sót nhiều người làm chứng khách quan của vụ án.
Ngoài ra, quá trình điều tra vụ án, còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chưa được đề cập như việc tạo lập giấy tờ nhằm tranh chấp đất đai giữa người bị hại và ông Quản Đắc Họp.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế - Ngọc Hân