Việt Nam cần tiết kiệm nhất là chất xám

Một nước nghèo, đang vươn mình trỗi dậy như Việt Nam cần phải hết sức tiết kiệm, đặc biệt là nguồn lực chất xám, vậy mà ở đâu cũng có những chuyện về lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này của đất nước.

Tiền bạc, của cải lãng phí có thể nhìn thấy được nhưng lãng phí về nhân lực, về con người trí tuệ thi sự trả giá rất lớn bằng việc mất đi những cơ hội có khi của cả đất nước, dân tộc.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Trong mục Hiến kế trên Website Chính phủ, có lần tôi có gửi một bài đại ý như sau: đất nước ta đang vươn mình trỗi dậy, để trở thành một con rồng, con hổ muốn nói gì thì nói chúng ta (đất nước) cần rất, rất nhiều tiền. Vậy tiền ở đâu ra: Dầu mỏ ư? Than đá ư? Nông thuỷ sản xuất khẩu ư?... tất cả những nguồn đó đâu có nhiều - ai cũng có thể thấy được. Vậy cái gì để đảm bảo cho sự phát triển, đi lên của đất nước? Tôi nghĩ chỉ còn duy nhất nguồn lực vô tận chưa được khai thác đó là NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ VIỆT NAM 

Tôi có viết: "Trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin, của tri thức và Internet, của “một thế giới phẳng” về cơ hội làm giàu của mọi dân tộc, tôi nghĩ chúng ta sẽ không còn gì khác ngoài nguồn lực vô tận chưa được khai phá của Trí tuệ Việt Nam. Ở đây sẽ có tất cả: đó là “dầu thô” và “than đá” của nền kinh tế tri thức, Trí tuệ Việt Nam có thể sử dụng ở trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Ai dám quả quyết điều đó là không thể? Nếu chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào điều đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân làm mọi cách để tin tưởng và cầu mong cho điều đó thành hiện thực thì hoàn toàn chúng ta có thể không những sử dụng thoải mái nguồn lực trí tuệ ở trong nước mà còn xuất khẩu Trí tuệ Việt Nam ra toàn thế giới".

 

... và "những kỹ sư Công nghệ Thông tin ưu tú nhất của chúng ta sẽ có thể sáng tạo ra những phần mềm ứng dụng vượt xa cả sự sáng tạo của người Mỹ, người Nhật hay người Âu, người Ấn mà phần mềm kì diệu đó được sử dụng rộng rãi trong nước và trên toàn thế giới thì rõ ràng chúng ta sẽ giàu, giàu một cách nhanh chóng và chính đáng.

 

Ở Mỹ, Trung Quốc đã và đang có một số cá nhân làm giàu như vậy, vậy thì tại sao ở Việt Nam lại không thể? Việt Nam còn là đất nước Địa linh, Nhân kiệt, con Rồng cháu Tiên cơ mà. Hoàn toàn có thể lắm chứ, chúng ta hãy tin tưởng và mong muốn cho điều đó xảy ra.

 

Có được một phần mềm kì diệu mới chỉ đạt được về yếu tố kỹ thuật, công nghệ, để thành công rực rỡ cần thiết phải có một kiểu kinh doanh độc đáo mang tính chất nhân văn, nhắm vào những mục tiêu cao cả là vì con người, vì thế giới tự nhiên và cuộc sống loài người trên thế gian".

 

Tôi rất hy vọng và đặt niềm tin vào tiền đồ sáng sủa của nền kinh tế tri thức Việt Nam mà đội ngũ lao động trí tuệ sẽ là lực lượng nòng cốt được quan tâm đào tạo và phát huy tốt ngay từ bây giờ.

 

Ngô Sỹ Thuyết

GĐ Công ty CP Minh Ngọc Việt Nam

Email: nsthuyet@vnn.vn   

 

LTS Dân trí - Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến đề xuất rất tâm huyết và có tính hiện thực của tác giả bài viết trên đây.

 

Thử nhìn ra thế giới, kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… họ đều thấy rõ “chất xám” là tài nguyên vô giá cho nên đã hết sức quan tâm chăm lo đào tạo và sử dụng có hiệu quả đội ngũ lao động có trí tuệ để làm ra những sản phẩm có hàm lượng “chất xám” cao, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Cũng với tầm nhìn của thời đại văn minh trí tuệ, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua đã đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ, thậm chí đã đưa điều hệ trọng này vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung quốc.

 

Nhìn người lại nghĩ đến ta. Vì sao nền giáo dục Việt Nam cũng như khoa học và công nghệ Việt Nam tuy đã được khẳng định ở vị trí quốc sách hàng đầu nhưng vẫn là những lĩnh vực tiến bộ chậm nhất so với các lĩnh vực khác trong quá trình đổi mới hơn 20 năm qua?

 

Phải chăng vì chúng ta còn thiếu một chiến lược đúng tầm cũng như thiếu những chính sách đòn bẩy cần thiết để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đào tạo cũng như sử dụng đội ngũ lao động có trí tuệ đúng với ý nghĩa phát huy mạnh mẽ nguồn tài nguyên “chất xám” vốn giàu có tiềm năng của đất nước Việt Nam văn hiến.