Vì sao có sự lãng phí nguồn lực trí tuệ?
Tôi đã có tranh luận nảy lửa với người bạn thân và cả với mẹ tôi về quan điểm mua (chạy)… việc. Khỏi phải nói lại bao nhiêu ví dụ mẹ tôi liệt kê người nọ, người kia phải trả mấy chục triệu để được nhảy vào vị trí nào đó. Hoặc bán vị trí đó cho người khác nếu mình về hưu mà không có người “nối dõi”!
Tôi chỉ nói rằng rồi sẽ không mua được mãi chỗ đó nếu không có năng lực thật sự. Mẹ tôi bảo: “Úi giời, mày cứ lo con bò trắng răng, vào làm rồi quen hết! Tao chưa thấy đứa nào bị bật ra!”.
Còn với người bạn tôi - cũng đáng buồn - vì cũng cùng quan điểm với mẹ tôi. Bạn bảo: “Xã hội nó thế!”, bản thân bạn cũng phải “quen biết” theo cả tình thân lẫn quà cáp mới mon men được chân phụ giảng rồi mới chính thức làm giảng viên.
Chuyện ta…
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Một người bạn khác của tôi, hiện đang làm trong một cơ quan nhà nước đàng hoàng với công việc có liên quan tới ngành học của mình - Luật học. Lâu rồi không liên lạc, đầu năm, tôi nhận được cú điện thoại từ cậu, hỏi thăm và hỏi… vay tiền để giữ chỗ cho vợ cậu - cũng đang làm giảng viên môn phụ nào đó ở trường nào đó!
Đem những chuyện này ra than thở với một cậu bạn làm doanh nghiệp nhỏ gia đình, cậu bảo: “Tớ thông cảm với bức xúc của cậu, nhưng cậu làm với cơ quan nước ngoài nên không quen với chuyện như thế! Việt Nam nó thế!”
Tôi rất buồn: Việt Nam nó thế! Chẳng lẽ ta lại cứ tiếp tục với sự chấp nhận buông xuôi về nguồn nhân lực thật - rởm lẫn lộn như vậy ư? Vậy thì nhân tài, người có trí tuệ sẽ chen vào đâu? Bao nhiêu vị trí không được công bố rộng rãi, công khai và trung thực? Bao nhiêu vị trí chỉ đăng tải để cho có đủ thủ tục? Hoạ chăng chỉ có các công ty nước ngoài, liên doanh, các tổ chức phi chính phủ mới có thói quen tuyển dụng công khai!
Đôi lúc, tôi tiếc những “nhân tài” xung quanh. Với anh bạn tôi, tiếc rằng một cử nhân Luật - sắp học thạc sỹ kia đã coi việc mua bán việc làm là việc hết sức bình thường. Vậy thì người không học luật thì sẽ cư sử ra sao? Tôi băn khoăn cậu ấy sẽ lấy bằng thạc sỹ kiểu gì đây?
Tôi thường tự hào họ hàng nhà tôi có ông anh vẽ rất đẹp, lại học được nghề chụp ảnh và phải nói là có tài với nghệ thuật nhiếp ảnh. Không chỉ riêng tôi mà các anh chị trong câu lạc bộ nhiếp ảnh anh thường sinh hoạt cũng khen như vậy. Anh cũng là người rất giàu cảm xúc, tình cảm. Tôi nhớ về hình ảnh ông anh họ ra Bắc vào mùa đông, ngồi ngoài cửa, bố tôi bảo vào nhà không lạnh, anh ấy bảo: “Cháu ra đây để “hứng” cảm giác cái lạnh Hà Nội!”.
Vậy mà 2 năm trở lại đây, ông anh họ của tôi đã biến thành con người của thị trường chứng khoán. Chủ đề bao trùm là tình hình cổ phiếu. Chẳng thấy anh ăn được “quả” nào mà tôi đang sợ một ngày nào đó không còn được nghe chuyện nghệ thuật và được theo dõi bước chân người nghệ sỹ này nữa.
Chuyện người…
Khác hẳn với thói quen chạy chọt và giữ chỗ làm việc ở nước ta, tôi xin tóm tắt tình hình tuyển dụng và sử dụng nhân viên của nước ngoài, nơi tôi đã từng làm việc.
Khi được gọi đến phỏng vấn, thì tôi còn đang ở tận Lào Cai, cho nên xin phép họ lui cuộc phỏng vấn vào tuần sau và tôi nói thật đang bận công tác ở nơi xa. Họ đã đồng ý ! Cuộc phỏng vấn diễn ra rất tốt, có ba người tham gia phỏng vấn, ngay sau đó họ đề nghị tôi đợi 30 phút để vào gặp giám đốc. Vị giám đốc gần như chỉ giới thiệu về cơ quan hơn là phỏng vấn tôi. Trước khi ký hợp đồng, tôi có thông tin được đánh giá rất tốt và yên trí mang về cuốn Chính sách đối với nhân viên, có các điều khoản rất rõ ràng, đặc biệt là trong hỗ trợ học tập nâng cao trình độ.
Chỉ làm cho cơ quan này gần 3 năm, tôi đã được học tới 3 khoá nâng cao ở những Viện đào tạo có giá trị, 1 lần dẫn đoàn đi tham dự hội thảo tại nước ngoài. Riêng về “in-house training” - đào tạo tại chỗ thì đã có 2 đợt dài hơi cùng các đồng nghiệp khách tại khách sạn 4-5 sao!
Trong cơ quan chúng tôi không gọi nhau là sếp, quân mà là anh, chị, bạn đồng nghiệp. Nhân viên nào cũng phải trình bày, đóng góp ý kiến, viết bài. Phòng làm việc cho nhân viên, bàn ghế cho nhân viên phải đạt độ chuẩn về an toàn cho lưng, mắt. Tất nhiên các loại bảo hiểm được trả đầy đủ. Lúc tôi không may bị tai nạn gẫy xương quai xanh, bộ phận hành chính giúp làm thủ tục bảo hiểm nhanh gọn.
Ấn tượng nhất trong các kỳ sát hạch, ở đây cơ quan tôi gọi là “Staff Development Center”, hay lúc làm “Knowledge Map” - Sơ đồ kiến thức, chúng tôi hiểu biết được điều mình mong muốn hướng tới trong sự nghiệp cũng như các anh chị em khác. Điều thú vị là có những phương pháp giúp nhân viên thoải mái bộc lộ điểm mạnh yếu và các nguyện vọng sâu kín.
Với những đầu tư như vậy, cơ quan đã đào tạo được một lực lượng nhân viên thông thạo nghiệp vụ, tự tin, mạnh dạn sáng tạo và rất hay marketing hình ảnh tốt đẹp cho cơ quan mình.
Sau ba năm làm việc tại cơ quan này, tôi xin kết thúc hợp đồng để đi học thêm rồi về làm ở một cơ quan khác, nhưng vẫn thường xuyên tìm được sự cộng tác rất tốt và sự thăm hỏi thân tình từ các đồng nghiệp cũ. Do mối hợp tác này, công việc của đôi bên có thêm động lực và thuận lợi.
Tôi đã từng áy náy không còn làm ở cơ quan cũ, nhưng rất ngạc nhiên là họ rất vui mừng cho tôi đã thành công trong công việc mới, và luôn sẵn lòng chia sẻ những thông tin mới ở cơ quan cũ. Họ bảo: “Nếu bạn thành công ở những vị trí mới, chúng tôi rất vui vì đã đóng góp vảo sự phát triển năng lực của bạn!” Đấy cũng là cách ứng xử văn minh và có sức thuyết phục cao.
Mennomama
10/10/2007
LTS Dân trí - Câu chuyện mà tác giả viết bài trên đây phản ảnh là có thật và khá phổ biến trong thực tế. Chỉ cần so sánh cách tuyển dụng cũng như cách sử dụng nguồn nhân lực (của ta và của họ) là có thể thấy được những nguyên nhân gây nên sự lãng phí nguồn lực trí tuệ ở nước ta.
Một nguyên nhân quan trọng cần nhấn mạnh, đó là công tác tổ chức cán bộ chưa đổi mới kịp với yêu cầu của thời kỳ mới, còn để tồn đọng không ít những quan điểm bảo thủ trì trệ cũng như thiếu những tiêu chuẩn rõ ràng, chuẩn xác trong việc tuyển người và dùng người. Còn để những lợi ích riêng tư chi phối việc tuyển người và dùng người, làm méo mó sự công tâm của người lãnh đạo và người làm công tác tổ chức. Đấy là điều đáng quan tâm và khắc phục.