Có phải là lãng phí nguồn lực “chất xám” hay không?

Tôi là một cử nhân điều dưỡng, muốn được trao đổi một số quan điểm về việc sử dụng lãng phí nguồn lực “chất xám” từ câu chuyện thực tế của bản thân.

Không phải vô cớ mà dư luận ở bệnh viện của tôi truyền nhau: "Giám đốc tuyên bố chỉ cần người biết nghe lời chứ không cần người giỏi", đến khi điều đó được áp đúng vào tôi, tôi mới tin và thật sự thấy chua xót vì trong thời buổi hiện nay mà vẫn còn có người sử dụng cán bộ như vậy thì liệu bao giờ đất nước mới tiến bộ và đuổi kịp các nước trong khu vực?

Từ một y tá trung học, trải qua 18 năm làm việc trong một BV lớn ở Hà Nội, tôi đã phấn đấu học cử nhân Cao đẳng rồi cử nhân Đại học, cả 2 bằng này của tôi đều đạt loại Giỏi, tốt nghiệp thủ khoa, đều có Giấy khen về thành tích học tập của Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (năm 2000 và 2006). Ngoài ra tôi còn được cử đi học quản lý điều dưỡng trong và ngoài nước, được Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng điều dưỡng Quốc tế phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ và tôi được công nhận là giáo viên nguồn để giảng dạy và đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Qua 18 năm công tác, tôi đã nhiều lần đạt danh hiệu Y tá giỏi thanh lịch, giải nhất chuyên môn tại bệnh viện và nhất thực hành ngoại khoa toàn quốc năm 1995, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, chưa bao giờ bị phê bình khiển trách. Tôi thành thạo vi tính và luôn hoàn thành xuất sắc các công việc được giao.

Được biết, để chuẩn bị thay thế một cán bộ trưởng phòng sắp nghỉ hưu, tôi đã được lãnh đạo BV trước đây xếp vào danh sách cán bộ nguồn từ nhiều năm nay, tạo điều kiện để phát huy năng lực mang lại nhiều lợi ích cho BV và được cử giữ chức vụ phó phòng từ năm 2005.

Gần đây, BV tôi thay đổi, Giám đốc mới lên nhậm chức đã gây dựng một ê- kip- biết- nghe- lời, điển hình là đưa một người mới về BV được 2 năm, bằng cấp kém tôi, chưa biết sử dụng vi tính, chưa một ngày nào có tên trong danh sách cán bộ nguồn lên làm trưởng phòng của tôi.

Chưa hết, sau khi đưa người ê kíp của mình lên vị trí trưởng phòng, Giám đốc còn điều chuyển tôi sang một vị trí công tác khác không liên quan đến các kiến thức tôi được đào tạo và tôi được biết vì sợ tôi còn ở vị trí cũ sẽ làm cho cô trưởng phòng mới khó làm việc. 

Ở vị trí mới, chức năng nhiệm vụ của tôi hoàn toàn khác và không mang lại hiệu quả thực sự cho BV. Và điều đáng quan tâm hơn, không chỉ một mình tôi rơi vào tình trạng như trên. Hiện giám đốc này đã gây dựng ê kíp từ nhiều người mới về BV và cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong BV, không cần quan tâm đến hiệu quả công tác chuyên môn, chỉ cần luôn tỏ ra “tâm phục khẩu phục” và luôn tỏ thái độ tán thưởng và khen ngợi Giám đốc; nếu ai dám đưa ra chính kiến ngược với ý giám đốc hoặc phân tích trái, phải đều bị quy thành chống đối và tìm cách vô hiệu hoá người dám đấu tranh.

Tôi thực sự buồn và thất vọng vì vị Giám đốc này còn trẻ mà có cách sử dụng cán bộ thủ cựu như vậy, và với cách dùng người như vậy thì BV sẽ đi đến đâu? Liệu đó có phải là sự lãng phí nguồn lực “chất xám” hay không? Bởi để đạt được bằng cấp và kiến thức chuyên môn như bây giờ, nhà nước và nhân dân đã tốn kém bao nhiêu tiền của chi phí cho tôi, nhưng rất đáng tiếc là lãnh đạo cơ quan của tôi đã không tạo cơ hội cho tôi phát huy năng lực và kiến thức được trang bị.

Nguyen Hong Lam
(
lam3266@hn.vnn.vn)
 

LTS Dân trí - Câu chuyện cá nhân mà tác giả bài viết trên đây nêu ra để bạn đọc cùng chia sẻ không phải là trường hợp cá biệt. Trong xã hội ta hiện nay, vẫn còn tồn tại những quan điểm cục bộ bản vị dựa trên lợi ích cá nhân của người lãnh đạo mà việc tuyển dụng cán bộ cũng như sử dụng cán bộ không dựa trên nguyên tắc vì hiệu quả công việc mà chọn người. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng, không ít sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, kể cả thủ khoa, mà không có các mối quan hệ thân quen cũng khó tìm được việc làm trong các cơ quan nhà nước, hoặc các doanh nghiệp, dịch vụ thuộc hệ thống quốc doanh.

Cũng không ít người có năng lực chuyên môn, thậm chí có tài năng, nhưng chưa được sử dụng đúng vị trí, chưa được phát huy tốt, do thiên kiến của lãnh đạo, do quan điểm “ê kíp” còn bị phối ở không ít cơ quan. Mà đấy chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây lãng phí nguồn lực trí tuệ vốn chưa phải là giàu có ở nước ta.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm