Viết tiếp bài "Cục Thi hành án TP. HCM cố tình làm sai bản án?":

Viện Kiểm sát TP. HCM chỉ rõ sai phạm của chấp hành viên

(Dân trí) - Theo quy định của pháp luật Công ty Nam Hà được liệt vào hạng “ưu tiên thanh toán”, thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Doanh nghiệp này đã bị mất quyền thanh toán khoản nợ có đảm bảo và đành chịu “lép vế” đứng sau một loạt các chủ nợ khác.

Như Dân trí đã đưa tin, sau hơn 6 năm chờ đợi, Cơ quan Thi hành án (THA) đã bán đấu giá thành chính tài sản được Tòa án kê biên để đảm bảo thi hành cho bản án 83/DSST mà Công ty Nam Hà là người thắng kiện, doanh nghiệp chỉ được nhận 91,75% (hơn 8,5 tỷ đồng) số nợ gốc trong khi giá trị tài sản bán đấu giá lên tới 45 tỷ đồng. Vậy, số tiền còn lại Cục THA Dân sự TPHCM đã giải quyết như thế nào?
Viện Kiểm sát TP. HCM chỉ rõ sai phạm của chấp hành viên
Văn bản số 3340/THA ngày 02/06/2008 của Cục THA TPHCM
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích văn bản số 3340/THA ngày 02/06/2008 của Cục THA TPHCM về “Danh sách chi bồi thường cho các chủ nợ của Công ty TNHH Mai Anh – Cty TNHH LD NAVARRE VN":

“Tiền thu được từ bán tài sản Cty TNHH TMDV Mai Anh: gồm quyền sử dụng đất có diện tích 15.253m2, trong đó có 10.000m2 nhà xưởng và hạ tầng.

Kết quả bán đấu giá thành ngày 23/11/2007 do Công ty TNHH Đắc Thiên Nhân tổ chức là 45.015.907.500 đồng. Công ty Đắc Thiên Nhân giữ lại 30% giá trị là 13.504.772.600đ để thanh toán thuế thu nhập doanh nghiệp của Cty TNHH TM DV Mai Anh, thuế chuyển quyền sử dụng đất, phí bán đấu giá.

Cty TNHH Bán đấu giá Đắc Thiên Nhân chuyển sang cơ quan Thi hành án Dân sự TP. HCM số tiền còn lại: 31.511.134.900đ số tiền này được xử lý như sau:

Ưu tiên thanh toán

- Án phí thuộc nghĩa vụ của Công ty TNHH TMDV Mai Anh: 376.564.263đ

- Chi phí lập bản vẽ giám định nhà xưởng: 40.000.000đ

- Trích trả tiền góp vốn vào Công ty TNHH LD Navarre Việt Nam: 800.000 USD x 16.000 = 12.800.000.000đ dùng để trả nợ cho 02 chủ nợ là Cty Nam Hà và Công ty BMC theo tỷ lệ trên nợ vốn. Đạt 91,75%, cụ thể:
- Cty SXKD XNK Nam Hà nhận 8.582.273.000đ chiếm tỷ lệ 91,75% trên nợ vốn theo bản án.

- Cty BMC nhận 4.217.727.000đ chiểm tỷ lệ 91,75% trên nợ vốn theo bản án

Số tiền còn lại dùng để trả nợ cho các chủ nợ Cty Mai Anh: 18.294.480.637đ. Trong đó nợ có bảo đảm:

Ngân hàng TMCP Việt Á:  Vốn + lãi = 6.330.943.615 + 2.837.054.106 = 9.167.997.721đ; Cty Quản lý và phát triển nhà Quận 2:Tổng cộng nợ vốn + nợ lãi:4.585.590.879đ; Bà Bùi Thị Kim Lan: Tổng cộng nợ vốn + nợ lãi: 2.188.910.000đ

Tổng cộng thanh toán nợ có bảo đảm: 15.942.498.600đ

Nợ không bảo đảm: chia theo tỷ lệ trên nợ vốn trên số tiền còn lại: 2.351.982.037đ/39.495.204.188đ. Đạt tỷ lệ 5,955% (bao gồm 12 doanh nghiệp khác - PV)”

Theo bảng danh sách trên đây, Công ty Nam Hà được liệt vào hạng “ưu tiên thanh toán”, thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Doanh nghiệp này đã bị mất quyền thanh toán khoản nợ có đảm bảo bằng bản bán có hiệu lực pháp luật và đành chịu “lép vế” đứng sau một loạt các chủ nợ khác.

Theo nhận định của chúng tôi, danh sách chủ nợ do Cục THADS TPHCM lập quả tình tồn tại rất nhiều điểm “phi lý”.

Ưu tiên… lùi

Theo quy định tại Điều 52 Pháp lệnh THADS thì: “Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành ánđược ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ các chi phí về thi hành án”

Bản án của Tòa án đã xác định tài sản bán đấu giá nêu trên là tài sản được đảm bảo để thi hành bản án này, cho nên Công ty Nam Hà không có lý do gì không nhận được toàn bộ số nợ gốc và nợ lãi tính đến thời điểm thanh toán, ngoại trừ trường hợp số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ.

Thế nhưng, mặc dù tài sản bán đấu giá lên tới 45 tỷ, nhưng “éo le” thay, Công ty Nam Hà còn không được nhận đủ số tiền nợ gốc mà Công ty Mai Anh đã chậm thanh toán tiền hàng từ năm 2001.

Chủ nợ có đảm bảo, kể cả không có đảm bảo, đảm bảo một phần được thanh toán 100% nợ gốc và nợ lãi

Càng nghịch lý hơn khi có tới 03 chủ nợ khác được trả đủ cả gốc lẫn lãi “không thiếu một xu”, dù không phải đối tượng được hưởng quyền ưu tiên thanh toán theo bản án 63/DSPT:

Một là, Ngân hàng TMCP Việt Á là đơn vị nhận thế chấp quyền sử dụng đất của Công ty Mai Anh từ năm 2001. Tuy nhiên, giá trị pháp lý của việc nhận thế chấp của Ngân hàng này cần phải xem xét lại, vì cho đến tháng 12/2002 Công ty Mai Anh mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hai là, Công ty Quản lý Phát triển nhà Quận 2 theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 52/CNTT KT ngày 24/02/2004, trong đó không đưa ra chế tài kê biên xử lý tài sản của Công ty Mai Anh nhưng vẫn được thanh toán đủ theo yêu cầu.

Ba là, bà Bùi Thị Kim Lan theo Bản án số 54/DSST ngày 15/8/2007 của Tòa án nhân dân Quận 1 với phán quyết bà Lan được hưởng “trên phần tài sản mà mà THA đã định giá và đem đấu giá”. Theo bản án này, lẽ ra bà Lan chỉ được ưu tiên trên số tài sản dư ra sau khi thực hiện các nghĩa vụ trước đó, nhưng bà Lan lại rất “may mắn” được chi trả toàn bộ số nợ của mình!
 
12 chủ nợ được xác định là không có đảm bảo vẫn được hưởng tỷ lệ 5,955% phần nợ vốn
 
Theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật THA, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản sau khi trừ các chi phí về thi hành án thì các khoản nợ không có đảm bảo được thanh toán sau cùng.

Trong trường hợp này, tài sản của doanh nghiệp vẫn còn 2,3 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ đối với các khoản nợ “hạng cuối” là nợ không có đảm bảo. Điều này cho thấy, doanh nghiệp chưa hết khả năng thanh toán đối với các khoản nợ có đảm bảo. Thế nhưng, thay vì trả đủ cho Công ty Nam Hà, Cơ quan THA lại “ưu ái’’ dành tặng cho các chủ nợ không có đảm bảo số tiền hơn 2,3 tỷ đồng!

Chủ nợ từ “trên trời” rơi xuống

Theo bản danh sách trên đây, bỗng dưng Công ty Nam Hà buộc phải chịu tỷ lệ “ngang bằng” với Công ty BMC với lý do Công ty BMC là chủ nợ của Công ty Liên doanh Navarre Việt Nam theo bản án số 591/KTPT ngày 24/11/2003 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân TPHCM.
Viện Kiểm sát TP. HCM chỉ rõ sai phạm của chấp hành viên
Công văn của VKSND TPHCM chỉ rõ những "bất thường" của chấp hành viên
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Về vấn đề này, tại công văn số 1083/VKS-P10, ngày 28/10/2008 của VKSND TPHCM đã nhận định: “Qua diễn biến việc thi hành án nêu trên, VKSND TPHCM nhận thấy đây là vụ việc thi hành án phức tạp, liên quan đến nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và có nhiều ý kiến của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố. Tuy nhiên quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên có nhiều vi phạm.
 
Cụ thể, Chấp hành viên… đã tự ý đưa Công ty BMC vào danh sách chủ nợ có đảm bảo đối với số tiền 800.000 USD theo danh sách chi bồi thường số 340/THA… là không có cơ sở, cố tình kéo dài thời gian chi trả tiền THA và trái với bản án số 591/KTPT”.

Đến đây bạn đọc chắc hẳn đã quá kinh ngạc với cách xử lý vô cùng “linh hoạt”,biến hóa” của chấp hành viên khiến số phận các chủ nợ của các quyết định thi hành án dựa vào“may rủi” nhiều hơn là các quy định của pháp luật!

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến