“Việc nhỏ” của thủ đô

Dân trí xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Khiết Hưng, báo Tuổi trẻ xoay quanh ý kiến của Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị về những “việc nhỏ" của Thủ đô như xả rác bừa bãi ở một số tuyến phố, nạn giữ xe chặt chém, hầm đường bộ bỏ hoang…

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của TP Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị - bí thư Thành ủy Hà Nội - có kể câu chuyện các hộ dán nilông xe máy ở một tuyến phố thải rác ngập ngụa ra đường nhưng suốt năm chính quyền sở tại không xử lý, chỉ đến khi ông lên tiếng thì tuyến phố này mới có thùng rác.

 

Ông Nghị nói đó là “việc nhỏ”, “cấp phường hoàn toàn xử lý được và làm không khó” nhưng ông không hiểu “tại sao các vị chỉ biết thu phí của họ, nhận phong bì của họ mà lại không giải quyết được những vấn đề nảy sinh”.

 

Nếu dạo quanh Hà Nội một vòng sẽ thấy còn không ít “việc nhỏ” như chuyện bí thư thành ủy nêu nhưng không được giải quyết triệt để. “Việc nhỏ” đầu tiên phải nói đến là tình trạng ô nhiễm bụi ở rất nhiều tuyến đường, tuyến phố của thủ đô.

 

Trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi thành phố cải tạo hồ Bảy Mẫu, tuyến đường Lê Duẩn chạy qua đây lúc nào cũng chìm trong bụi. Từ cuối năm ngoái đến nay, người dân khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm và những ai đi qua khu này đều trở thành nạn nhân của bụi do đơn vị nạo vét hồ làm vương vãi rất nhiều bùn đất ra đường. Ở các tuyến đường vành đai thì khỏi phải nói, đâu đâu cũng thấy bụi mà người ngồi trong ôtô ít thấu hiểu hết nỗi khổ của những người ngày ngày phải hít bụi.

 

Bụi xuất phát từ rất nhiều công trình trên địa bàn thành phố, từ xây dựng nhà cửa, thi công đường sá, nạo vét hồ đến đào đường, đào vỉa hè..., thậm chí từ cả việc quét dọn vệ sinh không khoa học của công nhân môi trường. Đành rằng có xây dựng thì có bụi bẩn nhưng có phải là không giảm thiểu được bụi bẩn từ các công trường không? Chuyện này không khó nếu biết rằng ở giữa thủ đô, công trình nhà Quốc hội đang được xây dựng nhưng không phải ai đi ngang đó cũng biết bởi đơn vị thi công công trình đã tuân thủ rất tốt các quy định về đảm bảo vệ sinh đối với môi trường xung quanh.

 

Hậu quả của tình trạng bụi bẩn trên đường phố khiến mỗi lần xe rửa đường hoạt động là lại gây thêm một nỗi bức xúc khác. Rửa đường thì cũng đỡ bụi một phần nhưng do đường nhiều đất cát nên sau mỗi vòng bánh xe của người đi trước thì những người đi sau lĩnh đủ cả đất cát lên người, lên mặt. Mà không hiểu sao xe rửa đường cứ nhằm giờ cao điểm để hoạt động nên mỗi khi xe đi qua, không ít người không kịp tránh đành hứng cả nước và đất cát vào người. Người nào nhanh chân thì chạy được lên vỉa hè; người nào giật mình, nếu vội vàng tạt vào lề đường thì cũng khó tránh khỏi tai nạn khi xe từ phía sau lao đến.

 

Rồi còn những “việc nhỏ” như nạn giữ xe chặt chém, đường ngập, chuyện hầm đường bộ xây xong không ai đi, chuyện tắc đường... và biết bao “việc nhỏ” khác mà dư luận rất bức xúc đã nhiều lần lên tiếng. Rõ ràng đó không phải những chuyện phải cần đến cái uy của người đứng đầu thủ đô. Đó hoàn toàn là những chuyện mà lãnh đạo các sở ngành, quận huyện và xã phường của thành phố, không cần đợi đến khi dư luận lên tiếng cũng có thể tự mình nhìn thấy và giải quyết được nếu họ thật sự chia sẻ và thấm thía với nỗi bức xúc của người dân.

 

Theo Khiết Hưng
Báo Tuổi trẻ