Vì sao ngoại tình khó bị xử lý hình sự?
(Dân trí) - Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao chuyện ông Sang tố cáo vợ là bà Sen (tên nhân vật đã được thay đổi, ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Cụ thể, năm 2012, hai người đăng ký kết hôn trước khi ông Sang đi lao động tại Hàn Quốc. Lần lượt các năm 2013 và 2019, bà Sen sinh hạ 2 người con. Tới đầu tháng 8 vừa qua, ông Sang phát hiện vợ ngoại tình nên đưa các con đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy cả 2 cháu đều không cùng huyết thống với cha.
Ông Sang đã gửi đơn tố giác tội phạm về hành vi Vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Tuy nhiên, Công an TP Tuy Hòa xác định vụ việc không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án hình sự.
"Quá bất cập. Cứ phải đợi đến khi họ chung sống với nhau như vợ chồng rồi mới xử lý thì làm sao đủ tính răn đe? Chẳng trách ngoại tình ngày một nhiều, vì họ có phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật đâu. Tôi nghĩ Luật Hôn nhân và gia đình nên được sửa đổi để chấm dứt triệt để vấn đề nhức nhối này", người dùng Hoàng Linh bày tỏ sự bức xúc.
"Mua bán dâm cũng không gây ra hậu quả nghiêm trọng như ngoại tình. Vậy nên xử lý hình sự tội ngoại tình để giữ gìn sự bình yên của xã hội", một độc giả khác nêu quan điểm.
Bình luận về vấn đề này, thạc sĩ, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết, thời gian qua, ngoại tình là vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội. Rất nhiều sự việc đã bị bóc trần, công khai trên mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông, gây ra sự phẫn nộ lớn trong dư luận.
Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những người vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Trích dẫn khoản 1, Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ông Giáp cho biết một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Như vậy, đây là nguyên tắc mà mọi cặp vợ chồng phải tuân theo. Việc phá bỏ nguyên tắc này là hành vi vi phạm và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về chế tài hành chính, ông Giáp cho biết theo khoản 1, Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với người khác; chưa có vợ hoặc chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc chồng thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt 3-5 triệu đồng.
Về chế tài hình sự, trích dẫn Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư cho biết người đang có vợ, chồng mà kết hôn/chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chồng mà kết hôn/chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có vợ, chồng. Điều này dẫn tới các hậu quả như Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Mức phạt đối với hành vi này là phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm. Trường hợp hành vi làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong 2 bên tự sát; hoặc đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì mức phạt có thể lên tới 3 năm tù.
"Trên thực tế, việc xử lý người ngoại tình thường chủ yếu dừng ở việc áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật về mặt đạo đức, lối sống theo điều lệ, quy chế của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể mà họ tham gia. Còn theo quy định của pháp luật, người ngoại tình sẽ chỉ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xuất hiện hành vi "sống chung" với người thứ 3 như vợ chồng hoặc kết hôn với người thứ 3 mà bản thân biết rõ là người đó đang có vợ, chồng.
Ngoài ra, pháp luật không có quy định khác về chế tài đối với những hành vi như cặp bồ hay quan hệ tình dục với người đã có gia đình. Bởi vậy, việc áp dụng pháp luật để nghiêm trị các trường hợp ngoại tình còn gặp nhiều khó khăn", luật sư Giáp bình luận.
Hoàng Linh