Vì sao cựu Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng được giảm án dù không kháng cáo?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, việc HĐXX xét giảm án cho ông Dũng là có cơ sở. Việc ông Dũng được xét giảm án là phù hợp quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc có lợi cho bị cáo trong tố tụng hình sự.

Kết thúc phiên xét xử phúc thẩm ngày 5/9 xem xét kháng cáo của một số bị cáo trong vụ án sai phạm tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), HĐXX TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên phạt bị cáo Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op) mức án 8 năm tù, giảm 2 năm tù so với bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử TAND TPHCM. Trước đó, ông Dũng bị tuyên phạt 10 năm tù về tội Lạm quyền trong thi hành công vụ. 

Đáng chú ý, ông Dũng không có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm xác định bị cáo có 4 tình tiết giảm nhẹ, đã khắc phục thiệt hại 17 tỷ đồng và có nhiều đóng góp cho xã hội nên vẫn quyết định giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch Saigon Co.op. 

Dưới góc độ pháp lý, dù ông Diệp Dũng không có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, căn cứ nào để HĐXX xét giảm mức phạt cho bị cáo là thắc mắc của nhiều độc giả.

Vì sao cựu Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng được giảm án dù không kháng cáo? - 1

Bị cáo Diệp Dũng (Ảnh: T.M).

Dưới góc độ của người có nhiều năm hoạt động trong các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, đối với phiên tòa phúc thẩm, ông Dũng dù không có kháng cáo nhưng vẫn có thể tham gia với vai trò người liên quan. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử vẫn sẽ lấy lời khai còn luật sư bào chữa vẫn có quyền bảo vệ cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

Trích dẫn Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm, ông Thắng cho biết Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của Bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

Từ quy định trên, có thể thấy việc mở phiên tòa phúc thẩm sẽ nhằm xem xét kháng cáo, kháng nghị của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu. Đồng thời, những phần nội dung không có kháng cáo, kháng nghị cũng sẽ được đánh giá lại nếu thấy cần thiết.

Do đó, việc HĐXX cấp phúc thẩm xem xét lại trách nhiệm hình sự của ông Dũng là hoàn toàn có cơ sở. Việc ông Dũng được xét giảm án là phù hợp quy định của pháp luật, thể hiện sự khoan hồng, tính nhân văn trong hoạt động xét xử và phù hợp với nguyên tắc có lợi cho bị cáo trong tố tụng hình sự.

Vì sao cựu Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng được giảm án dù không kháng cáo? - 2

Ông Dũng bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 115 tỷ đồng cho Saigon Co.op (Ảnh: Xuân Duy).

Theo cáo buộc, ông Diệp Dũng đã không thông qua Hội đồng quản trị Saigon Co.op, tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á số tiền 300 tỷ đồng và hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đô Thị Mới số tiền 700 tỷ đồng. Ông Diệp Dũng đã ký ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng trong số tiền 3.000 tỷ đồng mà Saigon Co.op huy động để thực hiện thương vụ mua lại Big C trước đó cho hai công ty trên.

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định là 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán gốc, lãi một lần vào cuối kỳ hợp tác. Hợp đồng được gia hạn thời gian hợp tác theo 4 phụ lục ký giữa ông Diệp Dũng với ông Tôn Thất Hào và ông Võ Thành Trung.

Nhưng đến ngày 24/3/2018, ông Diệp Dũng tiếp tục không thông qua hội đồng quản trị, tự ký thỏa thuận điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm.

Hành vi của ông Dũng tạo điều kiện cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới không phải thanh toán khoản lợi nhuận cố định 7% (kể cả phần lãi từ việc cho vay và gửi tiết kiệm của 2 công ty này).

Hành vi của ông Dũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Saigon Co.op bị thiệt hại 115,6 tỷ đồng lợi nhuận 7% từ 2 hợp đồng hợp tác đầu tư trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm