Những vấn đề pháp lý từ vụ ô tô cán tử vong bà cụ nhặt phế liệu
(Dân trí) - Theo luật sư, từ các vấn đề pháp lý cần làm rõ, sự việc có thể xảy ra theo 2 tình huống với 2 tội danh khác nhau quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Như Dân trí thông tin, Công an TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đang tạm giữ hình sự Trần Xuân Hùng (41 tuổi, người địa phương) để điều tra hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Theo công an, sáng 31/8, Hùng chở vợ và chị họ đi ăn sáng rồi đi mua đồ làm bánh. Khi dừng trước số nhà 101 Thánh Thiên, xe của Hùng cách một người phụ nữ đang nhặt phế liệu khoảng gần 3m. Khoảng 10 phút sau, người này lái xe rời đi thì đâm vào bà T. khiến nạn nhân bị cuốn vào gầm ô tô.
Sau khi vợ xuống kiểm tra nhưng không phát hiện nạn nhân, Hùng đạp ga rời đi thì chèn xe qua người bà T. Phát hiện nạn nhân nằm dưới đường, tài xế quay lại, đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng người này không qua khỏi. Qua xác minh, Công an TP Bắc Giang cho biết tài xế không có nồng độ cồn, âm tính với ma túy, có giấy phép lái xe phù hợp quy định.
Từ sự việc trên, nhiều người băn khoăn số phận pháp lý của tài xế này sẽ ra sao?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận với diễn biến hành vi của tài xế Hùng, việc cơ quan điều tra bước đầu tạm giữ người này để điều tra hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là có cơ sở.
Tiếp nối quyết định tạm giữ này, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tố tụng như củng cố lời khai tài xế Hùng, các nhân chứng, thu thập thêm dữ liệu camera hay thực nghiệm hiện trường... nhằm làm rõ trách nhiệm của tài xế này và những người liên quan. Trong đó, có một số vấn đề cần tập trung làm rõ một cách chi tiết, cẩn trọng như sau:
Thứ nhất, cần xác định một cách chắc chắn rằng tài xế này có phát hiện bà cụ nhặt phế liệu hay không bởi theo kết quả xác minh ban đầu, trước khi xảy ra va chạm, bà T. ở cách đầu xe của Hùng khoảng gần 3m, vị trí có thể quan sát được. Vì vậy, cần làm rõ trước khi cho xe di chuyển, tài xế này có biết sự xuất hiện của bà T. hay không.
Thứ hai, cần xác định sau khi va chạm, Hùng cùng những người trên xe có biết nạn nhân đang bị kẹt dưới gầm xe hay không. Theo lời khai của tài xế này và những người liên quan, sau khi phát hiện có va chạm, vợ của tài xế này đã xuống kiểm tra nhưng chỉ thấy túi rác mà không phát hiện nạn nhân. Do đó, lái xe này đã cho xe chạy tiếp và dẫn tới việc tiếp tục chèn xe vào bà T. khiến nạn nhân tử vong.
Việc làm rõ vấn đề này sẽ giúp xác định chính xác ý chí chủ quan, mục đích của tài xế Hùng khi điều khiển xe tiếp tục di chuyển là gì.
Từ những căn cứ trên, có thể dẫn tới 2 tình huống sau: Nếu ông Hùng hoàn toàn không biết về sự xuất hiện của bà T., kể cả sau khi xảy ra va chạm, việc cho xe di chuyển và cán vào người phụ nữ xuất phát từ sự thiếu quan sát, chủ quan, cẩu thả của người điều khiển phương tiện, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Với tình tiết định khung làm chết 1 người, mức phạt có thể áp dụng là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Nếu ông Hùng biết sự xuất hiện của bà T. nhưng vẫn cố tình cho xe di chuyển và tông vào nạn nhân, sau khi va chạm dù biết sự việc nhưng vẫn bỏ qua việc bà T. bị kẹt dưới gầm xe để tiếp tục di chuyển, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, đây là hành vi có thể bị xem xét trách nhiệm về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, nếu vợ của tài xế khi xuống xe phát hiện sự việc nhưng bỏ qua và để chồng tiếp tục lái xe, người này cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự nếu tình huống này xảy ra.
Dưới góc độ dân sự, tài xế Hùng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho nạn nhân, căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.