Tai nạn "dồn toa" trên cao tốc, ai bồi thường cho ai?
(Dân trí) - Theo luật sư, cần làm rõ yếu tố lỗi trong việc giữ khoảng cách và xử lý tình huống trên cao tốc, từ đó xác định trách nhiệm bồi thường của từng người điều khiển phương tiện trong vụ tai nạn.
Trong kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho biết trên cả nước xảy ra 257 vụ tai nạn giao thông, làm 124 người chết và 193 người bị thương. Trong số 257 vụ tai nạn giao thông, không ít trường hợp nguyên nhân xuất phát từ việc xe đi trước dừng đột ngột trên cao tốc hoặc các đoạn đường có tốc độ di chuyển cao, khiến các xe đi sau không kịp xử lý, dẫn tới tai nạn liên hoàn.
Từ vấn đề trên, nhiều người đặt câu hỏi đối với trường hợp này, trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về những ai?.
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Bộ luật Dân sự 2015, căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm những yếu tố sau: Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Có thiệt hại xảy ra về vật chất, tinh thần và Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm.
Trong trường hợp xảy ra thiệt hại, đây là hệ quả tất yếu của hành vi vi phạm, và hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại, xâm phạm tới các quyền, lợi ích của người khác được pháp luật bảo hộ.
Đối với lĩnh vực giao thông, Điều 4 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT đã quy định như sau: "Khi tham gia giao thông trên đường bộ, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe được ghi trên biển báo hiệu đường bộ".
Như vậy, có thể thấy việc giữ khoảng cách khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, đặc biệt khi lưu thông trên cao tốc hoặc các tuyến đường có tốc độ lưu thông cao. Trong trường hợp xảy ra tai nạn liên hoàn, cơ quan chức năng sẽ xác minh nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra tai nạn liên hoàn để có thể xác định được lỗi vi phạm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cụ thể đối với mỗi xe vi phạm.
Nếu có kết luận về việc vi phạm quy định về khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông thì những xe phía sau sẽ có lỗi, khi đó xe sau sẽ phải bồi thường cho xe trước và cứ thế đến xe đầu tiên.
Trong trường hợp các xe ở giữa đã đảm bảo khoảng cách, đã dừng xe ngay khi xe trước xảy ra sự cố nhưng bị xe sau đẩy về phía trước gây va chạm thì khi đó, các xe ở giữa không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe mình gây ra, đồng thời xe có lỗi sẽ phải bồi thường cho toàn bộ xe phía trước.
Trong trường hợp xe đầu tiên có lỗi khi phanh đột ngột dù không rơi vào tình huống khẩn cấp, dẫn tới các xe sau dù đã giữ khoảng cách nhưng không kịp xử lý, tạo ra tai nạn liên hoàn, lỗi sẽ thuộc về xe đầu tiên. Ngoài ra, các xe sau nếu không giữ khoảng cách an toàn cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.