“Vì một con chó, có đáng để kẻ bị đánh chết, người vào trại giam?”
(Dân trí) - Chỉ vì nóng giận nhóm người tham gia đánh chết đối tượng trộm chó có thể phải đối mặt với án phạt cao nhất đến lên tới 15 năm tù.
Như Dân trí đã đưa tin, cơ quan công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc một đối tượng trộm chó rút súng K54 bắn người dân truy đuổi, sau đó đối tượng đã bị nhóm dân đánh đến tử vong.
PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hoè, Trưởng văn phòng luật sư Interla, đoàn Luật sư Hà Nội xung quanh vụ việc này.
Thưa Luật sư, việc người dân bức xúc đánh hội đồng khiến đối tượng trộm chó tử vong có vi phạm pháp luật hay không và bị xử lý như thế nào?
Trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ trộm chó gây nhiều bức xúc trong xã hội, làm mất an ninh trật tự. Thủ đoạn trộm chó của những đối tượng này ngày càng tinh vi, trắng trợn, đặc biệt hơn khi bị phát hiện chúng còn tấn công lại những người phát hiện bằng những công cụ tự chế, vũ khí nguy hiểm như súng bắn điện, rùi cui điện, dao, kiếm … gây ra những cái chết oan uổng cho người khác. Bức xúc trước những hành vi đó nhiều người dân đã đánh những kẻ trộm chó và vô tình vướng phải vòng lao lý.
Trong vụ việc trên, mặc dù khi bị người dân phát hiện, đối tượng trộm chó đã rút súng quân dụng giấu trong áo bắn nhiều phát vào những người truy đuổi là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của người khác. Trong trường hợp này hành vi của người trộm chó tấn công lại những người phát hiện nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó đã chuyển hóa tội danh từ “Trộm cắp tài sản” sang “Cướp tài sản”.
Tuy nhiên, việc người dân bức xúc đánh hội đồng khiến đối tượng trộm chó tử vong là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự theo tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” Điều 95 Bộ luật hình sự: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thẩn bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Hoặc bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự:
“Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người mà tỷ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.
Ngoài ra những người này còn có thể còn bị truy cứu về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự.
Đây không phải là vụ việc việc đầu tiên xảy ra hậu quả người dân đánh chết trộm chó. Tình trạng này có đáng lo ngại. Theo ông, cơ quan quản lý địa phương nên làm gì để ngăn chặn những vụ việc tương tự?
Việc liên tiếp xảy ra những vụ người dân đánh chết trộm chó là rất đáng lo ngại và gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Trước hết, Nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nghĩa. Theo đó, mọi công dân đều phải tuân theo pháp luật. Việc người dân tự ý xử lý và đánh chết kẻ trộm chó là vi phạm quy định của pháp luật. Bởi việc xử lý hành vi vi phạm hay phạm tội thuộc quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước theo luật định.
Nếu người dân cứ tự ý xử lý không tuân theo pháp luật và hành vi này không bị xử lý nghiêm minh thì sẽ dẫn đến những tiền lệ xấu, pháp luật không được coi trọng, bảo vệ, mọi người tự ý hành sử theo ý muốn, cảm xúc của mình và sẽ dẫn đến một xã hội hỗn loạn, mất kiểm soát.
Do đó, khi người dân phát hiện tội phạm cần phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý ngăn chặn tội phạm. Trong trường hợp này, người dân không báo cho công an mà lại tự ý xử lý nên không thể quy trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng được. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tình trạng trộm chó để tìm ra những giải pháp ngăn ngừa, phòng chống tội phạm tránh những sự việc tương tự, đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường việc tổ chức tuần tra, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách xử lý khi phát hiện và bắt được những đối tượng trộm chó thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết, không được tự ý xử lý.
Có thể thấy mặc dù hành vi của những người trộm chó là vi phạm pháp luật, nhưng chỉ vì thế mà đối tượng ăn trộm chó bị nhóm người địa phương đánh chết thì lại là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Nhìn dưới góc độ nhân văn, luật sư có ý kiến gì trước sự việc trên?
Cá nhân tôi cho rằng đây là những hành động đáng báo động cả về đạo đức, tình thương, đùm bọc của người Việt Nam. Những bức xúc của người dân khi bị mất đi những con vật yêu quý, gắn bó với gia đình họ thậm chí như một thành viên trong gia đinh là điều hiển nhiên.
Những người tham gia đánh hội đồng khiến người trộm chó chết chắc hẳn cũng sẽ hối hận, day dứt về việc làm của mình bởi dù sao thì họ cũng đã tước đi mạng sống của một con người, hơn thế đó là hành vi trái pháp luật.
Đôi khi chúng ta vẫn chưa hiểu về hoàn cảnh, nguyên nhân mà những người này hành nghề trộm chó. Việc trộm chó diễn ra ngày càng nhiều cũng do nguyên nhân nhu cầu ăn thịt chó của người Việt Nam. Tính trung bình hàng năm chúng ta tiêu thụ hơn 5 triệu con chó từ việc buôn bán chó nuôi, bắt trộm chó và buôn lậu bất hợp pháp. Thiết nghĩ, cần phải xử lý thật nghiêm minh những đối tượng ăn trộm chó, tuyên truyền, giáo dục họ để họ hiểu rõ hành vi vi phạm của họ. Việc này giúp làm giảm đi những bức xúc của người dân, tránh xảy ra việc vướng vào vòng lao lý khi tự ý hành xử những người trộm chó.
Xin cảm ơn luật sư!
Thanh Trầm