Vay tiền rồi "xù nợ" có thể bị phạt tù đến 12 năm!
(Dân trí) - Hành động của người bạn vay tiền có dấu hiệu của hành vi “ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;” nếu với giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Tôi có cho một người bạn vay 10 cây vàng bằng cách quy ra tiền mặt có giá trị tương đương. Khi cho bạn vay, tôi đã chụp lại màn hình điện thoại toàn bộ nội dung cuộc đối thoại giữa 2 bên, đến nay đã quá thời hạn bạn hứa trả 15 tháng nhưng người bạn vẫn lần lữa không trả, thậm chí gần đây còn nói rằng chẳng có bằng chứng nào chứng minh là bạn vay tiền của tôi. Khi tôi đưa hình ảnh nội dung cuộc đối thoại thì bạn tôi cho rằng chỉ là tấm hình chụp có thể chỉnh sửa được và không có giá trị pháp lý.
Trong trường hợp này tôi phải làm sao thưa luật sư?
Bạn đọc NHH (Hà Nội)
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa cho rằng: Bạn có thể lựa chọn việc khởi kiện dân sự đề nghị Tòa án có thẩm quyền buộc người vay trả tiền cho bạn.
Muốn khởi kiện dân sự đòi số tiền ra tòa án có thẩm quyền bạn cần cung cấp bằng chứng chứng minh yêu cầu của mình có căn cứ và hợp pháp. Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được cung cấp, giao nộp để Tòa án sử dụng là căn cứ xác định các tình tiết khách quan của vụ án. Chứng cứ được có thể được thu thập từ nguồn các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử. Bạn chụp màn hình điện thoại tin nhắn qua lại giữa hai bên có thể được coi là tài liệu nhìn được một nguồn hình thành chứng cứ chứng minh có việc vay tiền của bên kia với bạn.
Khi bạn cung cấp ảnh chụp màn hình điện thoại thì bạn cần phải có văn bản trình bày rõ nguồn gốc, xuất xứ của ảnh chụp, bản mô tả quá trình hình thành nguồn chứng cứ gửi cho Tòa án. Khi bạn gửi nguồn chứng cứ này đến tòa án, nếu bên kia cho rằng giả mạo thì họ có quyền đề nghị Tòa án tiến hành trưng cầu giám định để xác định chứng cứ đó có phải giả mạo hay không.
Tôi cũng lưu ý, nếu bạn còn lưu giữ tin nhắn nội dung việc vay tiền thì đây là nguồn chứng cứ dưới dạng dữ liệu điện tử có giá trị chứng minh vững chắc hơn rất nhiều ảnh chụp màn hình.
Hành động của người bạn vay tiền có dấu hiệu của hành vi “ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;”
Bạn có quyền tố giác hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đến cơ quan công an nơi người vay tiền cư trú, nơi việc vay tiền diễn ra để họ tiến hành việc điều tra xác minh dấu hiệu vi phạm hình sự trong hành vi của người bạn.
Trường hợp bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu với giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm theo khoản 3 điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Xin cảm ơn luật sư!
Ngọc Hân (thực hiện)