Bắn chết bạn vì tưởng thú rừng, thợ săn vô tình hay cố ý?

(Dân trí) - “Hành động của Hải Phương sử dụng súng tự chế bắn khiến anh Dương Văn Ngọc bị tử vong có khả năng phạm tội giết người hoặc tội vô ý làm chết người. Để xác định tội danh cần căn cứ ý chí, lỗi của Phương khi nổ súng”, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa nhận định.

Theo thông tin ban đầu, ngày 24/2, anh Dương Văn Ngọc, Hải Phương (SN 1979, cùng trú tại xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa) và một nhóm thanh niên khác rủ nhau đi săn thú tại khu vực tiểu khu 1587, thuộc địa phận rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (nằm trên diện tích hai xã Đắk Nia và Nhân Đạo).

Sáng sớm ngày 25/2, khi nghe tiếng động phát ra từ phía bụi cây, tưởng đó là thú rừng nên anh Phương dùng súng tự chế bắn về phía bụi cây. Hậu quả khiến anh Dương Văn Ngọc bị đạn bắn trúng vào người tử vong tại chỗ.

Sau khi xảy ra sự việc, anh Phương cùng nhóm người đi săn đưa anh Ngọc về cho gia đình lo hậu sự. Sau đó anh Phương đến cơ quan công an đầu thú.


Tình trạng dùng súng tự chế đi săn vẫn diễn diễn ra tại nhiều địa phương.

Tình trạng dùng súng tự chế đi săn vẫn diễn diễn ra tại nhiều địa phương.

Nhìn nhận sự việc dưới góc đố pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Hành động của Hải Phương sử dụng súng tự chế bắn khiến anh Dương Văn Ngọc bị tử vong có khả năng phạm tội giết người hoặc tội vô ý làm chết người. Để xác định tội danh cần căn cứ ý chí, lỗi của Phương khi nổ súng.

Ở tội vô ý làm chết người, khi lập pháp, các nhà làm luật đã cụ thể hóa các đòi hỏi về an toàn xã hội trong việc đưa ra trách nhiệm của mọi người trong việc thuân theo các quy tắc an toàn tính mạng của con người trong sinh hoạt, sản xuất. Người thực hiện hành vi đã vi phạm các quy tắc an toàn tính mạng gây ra hậu quả chết người. Trường hợp này là lỗi vô ý, theo đó người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gâyra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả đó.

Ở tội người phạm tội thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác với lỗi cố ý, theo đó, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra như lấy lời khai. Lời khai của Phương có vai trò quan trọng trong việc xác định lỗi. Nếu lời khai khi nghe tiếng động phát ra từ phía bụi cây, tưởng đó là thú rừng nên anh Phương dùng súng tự chế bắn về phía bụi cây thì có cơ sở xác định Phương có lỗi vô ý. Nếu Phương khai biết hoặc nghi ngờ đó có thể là người là thú khi nổ súng về phía bụi cây thì xác định đó là lỗi cố ý.

Tuy nhiên lời khai của Phương không phải căn cứ duy nhất để đi đến xác định lỗi của Phương. Để giải quyết toàn diện, khách quan, đúng đắn vụ án cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành thêm những hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác để làm cơ sở xác minh tình tiết có ý nghĩa giải quyết vụ án.


Luật sư Quách Thành Lực.

Luật sư Quách Thành Lực.

Trong vụ án này các hoạt động điều tra sẽ tập trung xác định khoảng cách từ nơi nổ súng đến nơi người bị hại bao xa, điều kiện ánh sáng, tầm nhìn có bị che khuất hay không để xác định Phương khi thực hiện hành động nổ súng có ý chí mình sẽ bắn thú hay bắn người. Nạn nhân bị bắn mấy lần, lời khai của nhân chứng.

Nhiều trường hợp khi thực hiện đầy đủ các biện pháp điều tra thì mới xác định đúng được mức lỗi, ý chí của người thực hiện hành vi phạm tội.

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Anh Thế (thực hiện)