Phụ huynh thâu đêm kiếm chữ cho con: Do thiếu trường hay muốn chọn trường?

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Mặc dù kỳ thi vào lớp 10 đã kết thúc, thế nhưng câu chuyện về "thiếu hay không thiếu trường học" dẫn đến phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người

Xoay quanh việc phụ huynh phải xếp hàng từ đêm hôm trước để nộp hồ sơ cho con nhập học; rồi điểm chuẩn liên tục "nhảy múa" như thị trường chứng khoán... và gần đây là khẳng định của Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho rằng thành phố không thiếu chỗ học cho sĩ tử lớp 10, đã dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trong xã hội cũng như của độc giả Dân trí nói riêng.

Phụ huynh thâu đêm kiếm chữ cho con: Do thiếu trường hay muốn chọn trường? - 1

Phụ huynh ngồi canh cổng trường THPT Tạ Quang Bửu từ đêm để giành suất học cho con (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Gửi bình luận về báo Dân trí, đa phần độc giả cho rằng, việc gia tăng dân số cơ học, nhập cư ồ ạt hay việc học trái tuyến… đều là những nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh ở một số trường phải xuyên đêm tìm chữ cho con đi học.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả cho rằng, sự việc "xếp hàng giành suất cho con vào lớp 10", một sự việc khá hi hữu của kì thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay cho thấy, phụ huynh đang chọn trường chất lượng chứ không phải thiếu trường.

Độc giả S.Đ.E.Đ: "Tôi thấy chuyện chen nhau vào trường tốt là rất bình thường. Đây là những trường tư thục chất lượng cao, thì việc chen nhau chẳng có gì lạ. Ngoài ra còn rất nhiều trường tư thục khác, cứ nộp hồ sơ là đỗ, kể cả học lực yếu, hạnh kiểm yếu. Tôi năm nay cũng có con vào cấp 3 nên tìm hiểu kỹ. Có nhiều trường tư chỉ trừ học sinh có hạnh kiểm kém là không nhận, còn lại là nhận hết. Do đó không thiếu chỗ học, chỉ là cạnh tranh vào các trường chất lượng tốt thôi".

Đồng quan điểm trên, độc giả havinh: "Chính xác là không thiếu trường học. Chỉ là việc quản lý chất lượng không đồng đều giữa các trường và việc chênh lệch này có thể là quá lớn đến mức phụ huynh phải chen cho con vào học trường tốt vì các trường khác phụ huynh không an tâm. Đây mới là vấn đề chứ không phải là không thiếu trường học".

Độc giả trungkien: "Thực ra đúng tuyến thì không thiếu, học không giỏi nhưng cứ thích thi nguyện vọng 1 trường cao đến lúc trượt thì lao đầu đi xếp hàng, chứ đúng tuyến thì mặc định đủ điểm là được vào sao phải xếp hàng".

Hà Nội thiếu trường hay phụ huynh muốn chọn trường chất lượng?

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023- 2024 của Hà Nội có hơn 100.000 thí sinh dự thi. Trong đó bậc THCS, Hà Nội tuyển trên 72.000 học sinh vào trường công lập; tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 em; tuyển vào các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 em và tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 em.

Việc phân chia rõ chỉ tiêu, số lượng học sinh cho ta thấy rõ việc phân luồng sau THCS của ngành Giáo dục.

Cụ thể, việc "siết" chỉ tiêu vào lớp 10 công lập nhằm phân luồng học sinh sau THCS thể hiện ở Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp và các hình thức đào tạo khác.

Với chính sách phân luồng này, nếu xét về mặt lý thuyết, Hà Nội không thiếu chỗ học nếu học sinh trượt lớp 10 công lập.

Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm học 2023-2024, chuyện lạ lùng đã xảy ra, hiện tượng phụ huynh xếp hàng từ đêm tới sáng tại một số trường THPT ngoài công lập như THPT Hoàng Cầu, THPT Tạ Quang Bửu… để giành suất học cho con khiến lãnh đạo Sở Giáo dục "tắt máy", khiến phụ huynh bật khóc, thí sinh thì hoang mang… tạo ra những luồng dư luận trái chiều chưa có hồi kết.

Từ câu chuyện trên, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt lõi mà phụ huynh quan tâm hiện nay không còn là câu chuyện "hết công, học tư" mà là chất lượng giáo dục. Phụ huynh thời nay có xu hướng chọn trường dựa trên nhiều tiêu chí như chất lượng giáo viên, môi trường học tập, các chương trình trải nghiệm… bên cạnh đó, các tiêu chí về vị trí địa lý cũng được cân nhắc.

Thực tế, khi phụ huynh xếp hàng vào những trường có mức điểm khá cao, trên 38 điểm, và so sánh với các trường chỉ lấy điểm chuẩn chưa đến 20 điểm, hay các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên… những địa điểm giáo dục mà phụ huynh còn ngần ngại không muốn lựa chọn, cho thấy, khoảng cách chất lượng giáo dục vẫn còn cách nhau rất xa.

Và ở nông thôn, nếu trượt cấp 3, việc học trường nghề hay các trung tâm giáo dục thường xuyên là điều bình thường, gần như không quá áp lực, thì tại các thành phố, những mô hình học này gần như không có trong lựa chọn.

Sẽ rất khó để đưa ra được công thức chung cho những lựa chọn của các phụ huynh, câu chuyện ở đây không có sai, không có đúng, tất cả phụ huynh đều lựa chọn sự phù hợp.