Bài 27:
Văn phòng Thành ủy Hà Nội giải quyết đơn tố cáo của cư dân chung cư 229 Phố Vọng
(Dân trí) - Trước sự chây ỳ của chủ đầu tư trong việc khắc phục các sai phạm của mình theo chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng đã có đơn tố cáo về những hành vi sai phạm của chủ đầu tư và một số vấn đề còn tồn đọng tại cụm nhà chung cư gửi tới Văn phòng Thành ủy Hà Nội.
Ngày 19/4/2018, bà Vương Thị Thanh Hương - Phó Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện Văn phòng Thành ủy Hà Nội, Sở xây dựng TP Hà Nội, Cảnh sát PCCC Thành phố, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Đồng Tâm, đại diện Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Du lịch Sao Mai, Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và phát triển nhà để giải quyết đơn tố cáo của Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng.
Sau khi chủ đầu tư có báo cáo và các đơn vị tham gia cuộc họp phát biểu, cuộc họp đã kết thúc với nội dung được thống nhất, kết luận như sau:
“1. Việc bàn giao hồ sơ Tòa nhà căn cứ theo ý kiến của Sở xây dựng Công ty Sao Mai đã bàn giao hồ sơ theo đúng hướng dẫn của Sở xây dựng; đồng thời Sở xây dựng đã có văn bản số 12358/SXD-QLN ngày 22/12/2017 đã kết luận: “Diện tích tầng trệt nhà A1 (652,74m2), tầng trệt nhà A2 (609,658m2) tại 229 Phố Vọng thuộc sở hữu Nhà nước do UBND làm chủ sở hữu”. Do vậy, việc Ban quản trị tố cáo việc “vi phạm bàn giao hồ sơ Tòa nhà theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD vì vậy không phân rõ diện tích chung, diện tích riêng” là chưa đúng với quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện Dự án.
2. Vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy chữa cháy:
Đại diện Ban quản trị thống nhất phương án hoàn thiện PCCC tại vị trí khu vực gom rác tại trục (E,F – 3,4) nhà chung cư A1; trục (E,D-4,6) nhà chung cư A2 là “không sử dụng ống đổ rác và chuyển thành phòng gom rác từng tầng: xây tường bịt trục rác và xây tường tạo phòng gom rác, lắp cửa chống cháy, đầu báo cháy tự động trong phòng gom rác”
Căn cứ báo cáo của Sở xây dựng, Cảnh sát PCCC, ý kiến thống nhất phương án hoàn thiện PCCC của đại diện Ban quản trị: Công ty xây lắp tiến hành hoàn chỉnh thiết kế về PCCC và trình thẩm duyệt bổ sung gửi Cảnh sát PC&CC Thành phố Hà Nội theo quy định, tổ chức thi công, khắc phục các tồn tại về PCCC theo ý kiến của Cảnh sát PC&CC Thành phố và hoàn thành nghiệm thu tổng thể về PCCC (hoàn thành trước 20/6/2018), đồng thời sớm báo cáo bằng văn bản cam kết việc thực hiện gửi Cảnh sát PCCC và Văn phòng Thành ủy.
Văn phòng Thành ủy Hà Nội giải quyết đơn tố cáo của cư dân chung cư 229 Phố Vọng.
3. Có dấu hiệu biển thủ Quỹ bảo trì Tòa nhà từ khoản thu: khoản tiền thu từ cho thuê kinh doanh khai thác diện tích nhà, đất do Thành phố quản lý; khoản thu do cư dân tại chung cư đóng.
Theo ý kiến của Sở xây dựng: tại thời điểm thực hiện Dự án các quy định chưa cụ thể về việc trích tỷ lệ khoản tiền thuê từ cho thuê kinh doanh khai thác diện tích nhà, đất do Thành phố quản lý để hỗ trợ cho công tác bảo trì; Hiện nay Sở xây dựng đang dự thảo xin ý kiến các sở ngành liên quan để trình UBND TP xem xét, quyết định. Do vậy, nội dung này chờ hướng dẫn của UBND Thành phố để thực hiện”.
Liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì tại Cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng và ý kiến của cư dân về việc có dấu hiệu chủ đầu tư biển thủ Quỹ bảo trì tại cụm nhà chung cư, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: “Kết luận của Văn phòng Thành ủy Hà Nội chưa xác định rõ trách nhiệm đóng phí bảo trì cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng của chủ đầu tư. Căn cứ tại Điều 54 Nghị định 90/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở năm 2005, khoản 3, khoản 4 Điều 108 Luật nhà ở năm 2014 về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, đối chiếu với nội dung vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng có thể thấy: Việc đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng là trách nhiệm của chủ đầu tư – phải được thực hiện như sau:
- Đối với căn hộ, phần diện tích trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.
- Đối với những Hợp đồng mua bán căn hộ được ký kết trước ngày 01/07/2006 mà chủ đầu tư chưa thu 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung thì các chủ sở hữu nhà chung cư họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí này.
- Đối với các Hợp đồng mua bán căn hộ được ký kết sau ngày 01/07/2006 thì chủ đầu tư có trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì đối với các phần diện tích này theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 90/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở năm 2005 và khoản 4 Điều 108 Luật nhà ở năm 2014. Theo đó, trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư sau ngày 01/7/2006 mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì thì chủ đầu tư phải đóng khoản tiền này; trường hợp trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở mà giá mua, giá thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì thì các chủ sở hữu nhà chung cư họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí này theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 108 Luật nhà ở năm 2014.
Tuy nhiên, trong vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, chủ đầu tư không thực hiện việc đóng kinh phí bảo trì cụm nhà chung cư theo quy định, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng.
Người dân tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng không biết tới khi nào mới được sống trong cụm chung cư không còn tồn tại sai phạm của chủ đầu tư về phòng cháy, chữa cháy.
Tại cuộc họp ngày 19/4/2018 do Văn phòng Thành ủy tổ chức, trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì cụm nhà chung cư chưa được Văn phòng Thành ủy kết luận rõ. Liên quan đến vấn đề này, Công ty Sao Mai đưa ra ý kiến: “…Nguồn quỹ bảo trì được hình thành từ 2% giá bán nhà do chủ đầu tư xây dựng trong quá trình lập dự án. Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện dự án, quy định về quỹ bảo trì chưa có nên Công ty Đầu tư xây lắp không thu của dân và do vậy cũng không có quỹ bảo trì để chuyển giao cho Công ty Sao Mai. Trong thời gian thực hiện QLVH Công ty Sao Mai cũng không thu tiền bảo trì từ các hộ dân nên Công ty Sao Mai cũng không có quỹ bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị tòa nhà…”
Trên thực tế, ý kiến này của Công ty Sao Mai là không chính xác bởi như đã phân tích ở trên đây, pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì của chủ đầu tư nhà chung cư chứ không phải không có quy định như ý kiến của Công ty Sao Mai. Ngoài ra, theo thông tin do các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng cung cấp thì rõ ràng chủ đầu tư có thu kinh phí bảo trì từ các cư dân, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 10 Quy chế tạm thời về việc quản lý cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng trong quá trình khai thác sử dụng (một bộ phận không thể tách rời của Hợp đồng mua bán căn hộ) thì: “Các tổ chức cá nhân thuê nhà để kinh doanh làm việc, các hộ gia đình sinh sống trong tòa nhà có trách nhiệm đóng góp kinh phí để bộ phận quản lý chung cư hoạt động, kinh phí vận hành các thiết bị kỹ thuật và phần kiến trúc sử dụng chung của tòa nhà, cụ thể:
Đối với các hộ gia đình phải đóng 150.000 đồng/hộ/tháng các chi phí:
Chi phí vận hành, bảo trì thang máy, điện thang máy; Chi phí bảo trì thiết bị cấp nước, điện chiếu sang công cộng, điện PCCC; Chi phí bảo vệ và làm vệ sinh khu vực công cộng trong và ngoài nhà; Duy tu bảo dưỡng mặt ngoài ngôi nhà”.
Như vây, tại nội dung thỏa thuận khi ký kết Hợp đồng mua bán căn hộ giữa các bên, Công ty Đầu tư xây lắp và phát triển nhà đã thống nhất về việc thu phí 150.000 VNĐ của các cư dân bao gồm phí dịch vụ quản lý vận hành và kinh phí bảo trì cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng chứ không phải không thu tiền từ các cư dân”.
Vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng là một vụ việc kéo dài với hàng loạt sai phạm của Công ty xây lắp và Công ty Sao Mai trong quá trình quản lý, vận hành cụm nhà chung cư nói chung và sai phạm trong việc đóng kinh phí bảo trì cụm nhà chung cư nói riêng. Những hành vi này đã xâm phạm quyền - lợi ích hợp pháp và gây rất nhiều bức xúc cho các cư dân tại cụm nhà chung cư. Trước thực trạng xuống cấp của cụm nhà chung cư và khó khăn của Ban quản trị trong việc không có nguồn tài chính để thực hiện bảo trì, các cư dân không khỏi băn khoăn: Tại sao việc đóng kinh phí bảo trì là trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lại không cưỡng chế thực hiện? Cho tới khi nào các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới hoàn thiện cơ chế trích kinh phí khai thác diện tích kinh doanh tầng trệt cụm nhà chung cư để hỗ trợ cư dân?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế