Văn hoá tượng đài và những nghịch lí
Tượng đài không phải là sản phẩm của văn hoá truyền thống Việt Nam. Trong nền văn hoá truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc không có tượng đài mà chỉ có tượng thờ (tượng chân dung, tượng Phật, thánh thần…).
Tượng đài là sản phẩm của nền văn hoá ngoại lai được du nhập vào nước ta từ những năm 60 của thế kỉ trước. Hàng chục năm trở lại đây, phong trào xây dựng tượng đài diễn ra khá rầm rộ, có rất nhiều tượng đài được xây dựng trên cả nước, có nhiều tượng đài hoành tráng, đồ sộ. Tuy nhiên, bất cập nhất là chúng ta xây dựng rất nhiều tượng đài nhưng lại chưa xây dựng được văn hoá tượng đài, vì vậy đã nẩy sinh nhiều nghịch lí “cười ra nước mắt”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.
Nghịch lí thứ nhất là vấn đề thiết kế, qui hoạch tượng đài. Đặc thù của tượng đài là loại hình nghệ thuật không gian, nhằm ngợi ca, tôn vinh một danh nhân, kỉ niệm một sự kiện lịch sử đặc biệt…thông qua ngôn ngữ của hình khối, đường nét có giá trị tạo hình, thẩm mĩ cao. Yêu cầu đầu tiên và trọng yếu là phải có một không gian rộng, trang trọng, thoáng (theo kiến trúc sư Ngô Huy Giao thì không gian quyết định 50% sự thành công của tượng đài), thế nhưng, nhiều tượng đài của chúng ta được xây dựng trong một không gian nhỏ hẹp, chật chội, ồn ào, thậm chí ngay giữa một khu chợ, hay ngay cửa ngõ thành phố như một chướng ngại vật. Một số tượng đài lại được xây dựng ở những nơi vắng người qua lại, hẻo lánh nên không được đông đảo người dân biết đến.
Nghịch lí thứ hai: tượng đài là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, yêu cầu tác giả phải là những nghệ sĩ tài ba, có kiến thức uyên thâm, thế nhưng, việc dựng tượng, chọn mẫu thiết kế, qui hoạch…lại nhiều khi được quyết định bởi một số cá nhân hoàn toàn “mù tịt” về nghệ thuật. Các nhà chuyên môn cho rằng, nhiều tượng đài của chúng ta thiết kế đơn điệu, mô phỏng, thậm chí xấu xí, thô kệch, phản thẩm mĩ, kích thước không phù hợp với nội dung tượng…
Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng phát biểu trong một cuộc hội thảo: “Việt Nam chỉ có ba loại tượng đài: tượng đài công nông binh (tất cả đều giống nhau); tượng đài danh nhân (chia thành hai loại văn và võ); tượng đài Bác Hồ thì luôn mặc áo Tôn Trung Sơn, tuổi được ấn định là 65 trở lên. Điều này chứng tỏ tư duy của chúng ta rất nghèo nàn”.
Còn nhà phê bình mĩ thuật Nguyễn Quân thì nói: “Lãng phí, tham nhũng, xấu xí và phản thẩm mỹ dân tộc v.v... đó là "ngôn ngữ nghệ thuật” của tượng đài của chúng ta” (trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet). Công tác thi, lựa chọn mẫu tượng đài cũng còn những bất cập, nên nhiều khi không chọn được mẫu tốt nhất.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, người đã từng thực hiện nhiều tượng đài từ Bắc chí
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo lo ngại: “Kinh nhất là tượng đài làm theo ngẫu hứng của các lãnh đạo địa phương. Thẩm mỹ hạn chế, qui hoạch không theo nguyên tắc nào, ông nào lên năm năm cũng muốn để lại dấu ấn của mình, thế là cho xây tượng đài, tiền thì là tiền nhân dân, mà nhân dân ở địa phương ấy lại kiên quyết không chấp nhận tượng đài ấy. Lẽ ra, nhà điêu khắc nên biết tự trọng mà từ chối mỗi khi được mời trong trường hợp này”. Việc xây dựng tượng đài đã trở thành cơ hội làm ăn béo bở cho một số người, thành một nguyên cớ hợp lí để rút ruột công quĩ, vì thế nhiều người gọi tượng đài là “tượng làm ăn”. Tượng đài là công trình văn hoá thẩm mĩ, nhưng nhiều khi lại được xây dựng trên “nền móng” của những hiện tượng tiêu cực, phi văn hoá!
Nghịch lí thứ ba, tượng đài là công trình vĩnh cửu, nhưng vì nhiều lí do, nhiều công trình tượng đài bị xuống cấp nhanh chóng và trầm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự thưởng thức, chiêm ngưỡng của công chúng. Tiêu biểu nhất là tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, với kinh phí đầu tư 47 tỉ đồng nhưng vì vật liệu không đảm bảo chất lượng nên chỉ hoàn thành xong một thời gian ngắn đã xuống cấp, rạn nứt, chảy rỉ nước…
Mặt khác, sự quan tâm giữ gìn, sửa sang tượng đài không được chú trọng ở nhiều nơi. Nhiều tượng đài xây dựng xong rồi bị bỏ hoang phế, rêu phong, không gian bị lấn chiếm, bị ô nhiễm… không được chấn chỉnh, bảo vệ kịp thời. Kinh phí nhà nước bỏ ra để xây dựng tượng đài là rất lớn, trong khi đất nước còn nghèo, vì vậy cần cân nhắc kĩ lưỡng, tham khảo ý kiến của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trước khi quyết định xây dựng một tượng đài. Tượng đài là kiểu công trình không cần vội và không thể làm vội, nhưng nhiều khi được quan niệm như một công trình có tính thời vụ.
Nghịch lí thứ tư là cách “đối xử” không đúng với bản chất văn hoá của tượng đài. Phổ biến nhất là sự nhầm lẫn giữa tượng đài với tượng vườn (dựng trong các công viên hoặc vườn nhà mang tính trang trí hoặc kỉ niệm), giữa tượng đài với tượng thờ (các nhân vật cao quý như thần, Phật, vua, chúa... đặt trong các đình, chùa, thánh đường, lăng, miếu, đền, điện). Tượng đài là công trình nghệ thuật, có ý nghĩa biểu tượng, có giá trị giáo dục. Tượng đài cũng là nơi để tập hợp quần chúng, nơi thưởng ngoạn, thư giãn của nhân dân.
Trước tượng đài, tâm hồn con người hướng về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt, cái đẹp vĩnh hằng để chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, về lẽ đời, thanh lọc tâm hồn. Tượng đài là sự nhắc nhở, sự vẫy gọi, sự thôi thúc, sự toả sáng, sự che chở, sự sẻ chia… có ý nghĩa hướng thượng, hướng thiện. Thế nhưng, một hiện tượng rất phổ biến ở Việt Nam là người ta coi tượng đài các danh nhân, kể cả các lãnh tụ cách mạng như một công trình văn hoá tâm linh và có nhiều hành vi mang nặng màu sắc mê tín dị đoan, hoàn toàn trái ngược với bản chất văn hoá, giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn đích thực của tượng đài. Đó là sau khi tượng đài hoàn thành, nhiều nơi tổ chức cúng bái, mời thầy cúng, pháp sư, sắm sửa lễ vật, hương hoa… để “mời hồn nhập tượng”, nhiều khi lễ cầu cúng kéo dài hai, ba ngày đêm. Rồi người ta đặt trước các tượng đài một bát hương, và cứ thường xuyên thắp hương, khấn vái, cầu mong được “chứng giám, phù hộ”...
Một số người cho rằng, việc thắp hương trước các tượng đài là một nét văn hoá tâm linh truyền thống bình thường, không có gì phải phê phán. Tuy nhiên, hành vi ấy cũng không phù hợp với quan niệm truyền thống của dân tộc. Người Việt thường thắp hương cho linh hồn tổ tiên, người thân hay các thánh thần tại bàn thờ được lập một cách trang trọng trong nhà hoặc trong đền, chùa, có ảnh (tượng thờ), bài vị hoặc thắp hương tại mộ phần hoặc đài tưởng niệm, không ai thắp hương tưởng niệm tổ tiên, người thân, thánh thần bằng cách dựng nên một bức tượng giữa không gian rồi đặt bát hương tại đó cả. Việc thắp hương ở những vị trí ngoài trời chỉ dành cho thổ thần, thổ công, tà thần hoặc những vong linh không nơi nương tựa. Có lẽ nhiều người đã nhầm lẫn tượng đài với tượng thờ, tuy giống nhau một chữ “tượng” nhưng bản chất lại hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi cho rằng, tượng đài chỉ là nơi để chiêm ngưỡng, nếu muốn bày tỏ tình cảm thì chỉ nên đặt hoa, vòng hoa…còn thắp hương là một hành vi phi văn hoá. Xin hãy đừng suy nghĩ theo kiểu “thần cây đa, ma cây gạo” của người xưa, cứ bạ đâu là cắm hương vào đấy. Đó không phải là tôn vinh, mà là đang hạ thấp các danh nhân. Dĩ nhiên là một số người biết thế, nhưng đã có sẵn bát hương, ai cũng thắp hương nên cũng phải làm theo cho khỏi “lập dị”.
Nhà phê bình mĩ thuật Nguyễn Quân cho rằng “tượng đài hoàn toàn xa lạ với tâm hồn người Việt”. Dù sao tượng đài mới được du nhập vào nước ta, cho nên từ quan niệm, cách tiếp cận, cách ứng xử với tượng đài của đa số người dân vẫn còn những bất cập nhất định. Chúng ta thường nói “văn hoá tượng đài”, vậy thì hãy ứng xử với tượng đài một cách có văn hoá và có lẽ việc trước mắt cần làm là xây dựng và phổ biến “văn hoá tượng đài”.
Trần Quang Đại
quangdaiht@gmail.com
Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh
LTS Dân trí - Làm việc gì muốn thành công cũng cần có sự hiểu biết, cần chăm lo cho cái gốc là nền tảng văn hóa của công việc định làm. Việc xây dựng tượng đài là một công trình nghệ thuật tồn tại lâu dài càng đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo và cái nền tảng cần có là “văn hóa tượng đài”.
Đúng như tác giả bài viết trên đây đã nhận định: việc xây dựng tượng đài những năm gần đây hầu như đã trở “phong trào” trong khi chúng ta chưa xây dựng được nền tảng của nó là “văn hóa tượng đài”, cho nên đã dẫn tới bốn nghịch lý thật đáng quan tâm.
Đừng để cho việc xây dựng tượng đài trở thành một cái mốt phô trương hình thức gây nhiều lãng phí và không đem lại hiệu quả mong muốn, thậm chí nhiều khi còn gây ra phản cảm về ý nghĩa lịch sử cũng như giá trị thẩm mỹ.