Trách nhiệm pháp lý của vợ tài xế tông tử vong bé 17 tháng tuổi
(Dân trí) - Theo luật sư, từ những dữ liệu hiện có, chưa thể xem xét trách nhiệm của vợ tài xế về các hành vi như khai báo gian dối, không tố giác hay che giấu tội phạm.
Liên quan tới vụ việc ô tô đánh lái, lao vào nhà dân, tông tử vong bé gái 17 tháng tuổi xảy ra tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, tài xế điều khiển phương tiện được công an xác định là ông Nguyễn Khương D. (30 tuổi, cán bộ Công an huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ bởi tại thời điểm ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, vợ của ông D. mới là người tự nhận đã điều khiển phương tiện.
Làm việc với cơ quan công an, người phụ nữ khai do quá hoảng hốt nên đã nhận là người lái xe ở thời điểm đó.
Từ diễn biến trên, nhiều người đặt câu hỏi về việc người phụ nữ này có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không?.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận đây là thông tin có tính nhạy cảm, mới xuất phát từ một phía và cần được tiếp tục xác minh, làm rõ một cách cẩn trọng.
Theo thông tin lực lượng chức năng cung cấp, người vợ khai nhận do quá hoảng hốt nên đã tự nhận là người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, với nhiều thông tin trái chiều xuất hiện tới nay, cộng với nghi vấn về việc có dấu hiệu của hành vi nhận trách nhiệm thay người khác, cơ quan điều tra sẽ cần phải tập trung đào sâu, làm rõ động cơ, ý chí chủ quan và mục đích của người phụ nữ này khi đứng ra nhận thay chồng ở thời điểm sau khi xảy ra vụ tai nạn.
"Nếu có căn cứ cho thấy người phụ nữ đã khai báo gian dối, có thể xem xét trách nhiệm hình sự của người này về tội Khai báo gian dối theo Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hành vi khai báo gian dối chỉ áp dụng đối với nhóm chủ thể là người tham gia tố tụng trong một vụ án, bao gồm người làm chứng, người giám định, định giá tài sản, phiên dịch, dịch thuật và người bào chữa trong vụ án.
Do đó, việc xử lý hình sự hành vi khai báo gian dối (nếu có) chỉ có thể xảy ra nếu người phụ nữ này là người làm chứng trong một vụ án hình sự, mà cụ thể ở đây là vụ việc có dấu hiệu của hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Mức phạt cơ bản của tội danh này là cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm", luật sư Cường bình luận.
Theo dõi sự việc, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng đánh giá đây là hành vi có dấu hiệu khai báo gian dối. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự hành vi khai báo gian dối (nếu có) chỉ có thể áp dụng đối với người làm chứng trong một vụ án cụ thể.
Do đó, nếu cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, trách nhiệm của người làm chứng có dấu hiệu khai báo gian dối khi đó mới được tập trung xác minh làm rõ.
Ngoài ra, về dấu hiệu của hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm thuộc các tình tiết quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 như tội Giết người, Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản hay các nhóm tội danh liên quan tới ma túy... thì bị xem xét trách nhiệm về tội Che giấu tội phạm.
Còn theo Điều 390 Bộ luật này, người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì có thể bị xử lý về tội Không tố giác tội phạm.
Theo quy định của các Điều luật này, việc xử lý hành vi che giấu hoặc không tố giác trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự không bao gồm hành vi có dấu hiệu của vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Do đó, với những thông tin hiện có, chưa có cơ sở để xem xét trách nhiệm về các hành vi theo Điều 389, 390 Bộ luật Hình sự 2015.