Hơn trăm công nhân mất việc trong “nháy mắt”:
UBND tỉnh Cà Mau có can thiệp “sâu” vào hoạt động nội bộ Công ty Cấp nước?
(Dân trí) - “Với trách nhiệm được quy định tại Điều 235 Bộ Luật Lao động, UBND tỉnh được quyền chỉ đạo các Sở, Ban ngành chuyên môn tiến hành thanh, kiểm tra nội dung khiếu nại tại công ty theo quy định của pháp luật. Do đó, không có cơ sở cho rằng tỉnh Cà Mau đã can thiệp “sâu” vào việc của Cty Cấp nước Cà Mau”, luật sư Hồ Nguyên Lễ nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ hơn trăm công nhân mất việc tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau (Cty Cấp nước), mới đây, 8 cổ đông của công ty này đã đồng ký đơn gửi UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, tỉnh này đã can thiệp sâu vào nội bộ của công ty. Bản chất vụ việc như thế nào, PV Dân trí đã trao đổi với Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TPHCM) xung quanh vụ việc này để rộng đường dư luận.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho biết, thời gian vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo nhiều Sở, Ban ngành vào kiểm tra tình hình quản lý lao động tại Cty Cấp nước Cà Mau, từ đó kết luận việc công ty này đã tiến hành giải quyết nghỉ việc hưởng chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu thành công ty cổ phần đã có nhiều sai phạm quy định của pháp luật lao động.
Theo Luật sư Lễ, việc thực hiện kiểm tra nói trên không phải là hành động can thiệp vào hoạt động công ty, mà UBND tỉnh đã thực hiện việc quản lý Nhà nước về quản lý lao động trên địa bàn do UBND tỉnh quản lý theo quy định tại Điều 236 Bộ Luật Lao động năm 2012. Theo đó, “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình”.
Cụ thể là tập thể người lao động của công ty có khiếu nại đến UBND tỉnh về việc công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Với trách nhiệm được quy định tại Điều 235 Bộ Luật Lao động về nội dung quản lý nhà nước về lao động, bao gồm những nội dung: Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về lao động; giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật… Do đó, UBND tỉnh được quyền chỉ đạo các Sở, Ban ngành chuyên môn vào tiến hành thanh, kiểm tra nội dung khiếu nại tại công ty theo quy định của pháp luật. “Đây không phải là can thiệp vào nội bộ công ty, mà UBND tỉnh đã và đang thực hiện việc quản lý nhà nước về lao động tại địa phương đúng quy định pháp luật”, Luật sư Lễ nhận định.
Về việc UBND tỉnh có hay không quyền kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo công ty, thì Luật sư Lễ cho rằng, Cty Cấp nước là công ty cổ phần có vốn Nhà nước góp trên 51% (thực tế vốn Nhà nước tại Cty Cấp nước đến gần 90% vốn điều lệ-PV) mà phần vốn này do UBND tỉnh là đại diện chủ sở hữu, để quản lý phần vốn này thì UBND tỉnh đã cử cán bộ, công chức, viên chức làm đại diện quản lý vốn tại công ty và tham gia điều hành công ty. Do đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc quản lý điều hành trái luật, ảnh hưởng đến lợi ích vốn của chủ sở hữu vốn thì UBND tỉnh có quyền kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức của mình. Điều này cũng phù hợp với Luật Cán bộ, Công chức hoặc Luật viên chức.
Đối với vấn đề các cổ đông đặt ra là UBND tỉnh cử nhiều Sở, Ban ngành vào “soi”, rồi kết luận công ty làm sai, kỷ luật nhiều cán bộ công ty nhưng nay tòa án đã phán quyết công ty làm đúng luật thì kết luật có sai không?
Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhận định, nhóm 8 cổ đông kết luận như vậy là chưa đúng pháp luật. Bởi, TAND TP Cà Mau chỉ mới xét xử sơ thẩm, các bản án đã bị kháng cáo nên chưa có hiệu lực pháp luật. Tòa phúc thẩm có thẩm quyền xem xét liệu có chấp nhận các nội dung khởi kiện của người lao động hay không. Kết quả xử lý kỷ luật hàng loạt lãnh đạo công ty là những người đại diện vốn của Nhà nước vì mắc nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành; giải quyết hợp đồng lao động chưa đảm bảo đúng quy định dẫn đến thưa kiện kéo dài, phức tạp; chưa thực hiện đúng quy định về công tác cán bộ; chưa chủ động báo cáo chủ sở hữu tình hình hoạt động và các vụ việc phức tạp phát sinh tại đơn vị để có hướng giải quyết kịp thời… là cơ sở có thể để tòa phúc thẩm xem xét. “Với chức năng quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương thì UBND tỉnh đã và đang thực hiện đúng quy định pháp luật”, luật sư Lễ nêu quan điểm.
Ngoài ra, luật sư Hồ Nguyên Lễ cũng cho rằng, việc tuyển dụng hoặc cho người lao động nghỉ việc là công việc quản lý lao động của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu cho nhiều người lao động nghỉ việc vì thay đổi cơ cấu lao động tại doanh nghiệp thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ Luật Lao động và chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh như quy định của Điều 44 Bộ Luật Lao động năm 2012.
Đặc biệt, trong quá trình giải quyết vấn đề người lao động như nói trên, nếu có khiếu nại của tập thể người lao động thì UBND tỉnh phải can thiệp theo quy định tại Điều 235 Bộ Luật Lao động năm 2012. Trường hợp UBND tỉnh đã xác định doanh nghiệp thực hiện chưa đúng luật và có kiến nghị nhận người lao động trở lại mà doanh nghiệp không nhận thì người lao động có quyền khởi kiện ra tòa.
Như Dân trí đã có nhiều bài phản ánh, trước khi cổ phần hóa vào cuối năm 2015 đầu năm 2016, Cty Cấp nước Cà Mau đã cho hơn 100 lao động nghỉ việc, mà theo kết luận của cơ quan chức năng thì công ty đã cho người lao động nghỉ việc sai quy định; đồng thời đề xuất UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo nhận lại 29 lao động bị cho nghỉ việc vào tháng 5/2016.
Sau kết luận của ngành chức năng, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban điều hành Cty Cấp nước sắp xếp lại lao động đối với 29 lao động theo thực tế tại công ty (thực tế thì công ty còn thiếu rất nhiều lao động-PV) và theo kết luận, đề xuất của các Sở, ngành liên quan.
Sau khi tiếp nhận văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban giám đốc Cty Cấp nước đã có tờ trình gửi Hội đồng quản trị công ty thừa nhận có sai sót và đề nghị nhận lại 29 lao động. Thế nhưng, ông Lý Hoàng Trung (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty) vẫn “phớt lờ” chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau xác định, ông Lý Hoàng Trung đã mắc nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành như: Chưa khéo léo trong điều hành, phân công nhiệm vụ cho cấp dưới; nóng vội, chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, để nội bộ mất đoàn kết; giải quyết hợp đồng lao động chưa đảm bảo đúng quy định dẫn đến thưa kiện kéo dài, phức tạp; chưa thực hiện đúng quy định về công tác cán bộ; chưa chủ động báo cáo chủ sở hữu tình hình hoạt động và các vụ việc phức tạp phát sinh tại đơn vị để có hướng giải quyết kịp thời;…
Các ông Trần Hoàng Khện (Giám đốc công ty) và ông Phạm Phước Tài (Phó Giám đốc công ty) chưa phối hợp tốt với những người đại diện cổ phần vốn Nhà nước giữ chức danh tại công ty; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ; chưa quyết đoán và nhất quán trong giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động; bổ nhiệm người chưa đúng quy định; chưa kịp thời báo cáo những sai phạm của công ty đến cơ quan thẩm quyền;...
Với những sai phạm nói trên, về mặt chính quyền, ông Lý Hoàng Trung bị kỷ luật cảnh cáo; ông Trần Hoàng Khện và ông Phạm Phước Tài cùng bị kỷ luật khiển trách.
Được biết, sau khi kỷ luật những người đại diện phần vốn Nhà nước nói trên, ngày 13/3, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản đề nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tiến hành xem xét, kỷ luật về mặt Đảng đối với ông Trung, ông Khện và ông Tài. Văn bản nêu rõ: “Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức Đảng quản lý đảng viên phải xem xét xử lý kỷ luật về Đảng”. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn quy định mà phía Đảng ủy Khối doanh nghiệp vẫn chưa có quyết định kỷ luật đối với các vị lãnh đạo Cty Cấp nước nói trên.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Tuấn Thanh