Hà Nội:

UBND quận Hà Đông lúng túng thi hành quyết định do chính mình ban hành?

(Dân trí) - "UBND quận Hà Đông ban hành Quyết định số 82/QĐ-UBND là hoàn toàn đúng pháp luật. Việc khiếu nại của người liên quan đã quá thời hạn thế nhưng vẫn được tiếp nhận.UBND quận Hà Đông lúng túng thi hành quyết định do chính mình ban hành", luật sư Vi Văn Diện phân tích.

Vụ tranh chấp đất đai kéo dài tại phường Phú La - Hà Đông (Hà Nội) đã được TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, TAND quận Hà Đông ra quyết định đình chỉ giải quyết và UBND quận Hà Đông ban hành Quyết định số 82/QĐ-UBND do Phó chủ tịch Nguyễn Trường Sơn ký khẳng định: Xác định thửa đất số 28, tờ bản đồ số 57 thuộc quyền sử dụng của bà Trần Thị Bằng, trú tại khu Văn Phú - Phú La - Hà Đông (Hà Nội). Ông Đỗ Tiến Gia có trách nhiệm trả lại toàn bộ thửa đất số 28 nêu trên cho bà Bằng quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật.

Quyết định của UBND quận Hà Đông nêu rõ: trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, nếu các bên không đồng ý có quyền gửi đơn đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa theo quy định.

Vụ việc tưởng đã có phán quyết cuối cùng khi quá thời hạn  vẫn không có bên nào khiếu nại. Tuy nhiên, sau đó, mãi đến ngày 15/5/2013 gia đình ông Đỗ Tiến Gia, đại diện là ông Nguyễn Văn Phú (con rể ông Gia) mới gửi đơn khiếu nại lên UBND TP Hà Nội. Căn cứ vào việc khiếu nại quá thời hiệu này, UBND phường Phú La lại có văn bản trả lời gia đình bà Bằng phải tiếp tục "ngâm tôm" sự việc chờ giải quyết.

Để nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

 Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh: 
 Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh: Quyết định số 82/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông là hoàn toàn đúng pháp luật cần phải được thi hành ngay.

Luật sư Diện khẳng định: Quyết định số 82/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông đã căn cứ cụ thể báo cáo xác minh về nguồn gốc, đăng ký quyền sử dụng đất, quá trình sử dụng, nộp thuế, các chứng cứ do các bên tranh chấp cung cấp, viện dẫn các điều luật, nghị định và văn bản liên quan. Ngoài ra vụ việc tranh chấp cũng đã từng được cơ quan tòa án xác minh, xét xử và lập luận đã xác định bà Trần Thị Bằng được quyền sử dụng thửa đất này từ ông cha để lại, đã đăng ký quyền sử dụng đất vào sổ mục kê do xã quản lý.

Căn cứ Nghị định số 30-HĐBT ngày 23/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về thi hành luật đất đai 1987: Điều 4 - Người đang sử dụng đất hợp pháp là người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; người có tên trong sổ địa chính.

Theo quy định tại Điều 38, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành luật đất đai năm 2003 bà Bằng vẫn là người đăng ký, kê khai sử dụng đất có tên trong sổ mục kê, sổ địa chính và bản đồ đo đạc từ trước đến nay mà chưa có sự thay đổi nào.

"Vậy theo quan điểm của tôi, căn cứ các quy định của Pháp luật về cơ sở pháp lý và thực tế sử dụng đất nội dung Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 09/01/2013 của UBND quận Hà Đông, thành phố Hà Nội là hoàn toàn có cơ sở, đúng pháp luật", luật sư Diện khẳng định.

TAND qu
TAND qu
TAND quận Hà Đông xác nhận thửa đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Bằng.

Theo luật sư Diện, hơn nữa, hiệu lực thi hành của Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 09/01/2013 của UBND quận Hà Đông: Quyết định nêu trên đã được người có thẩm quyền đại diện UBND quận Hà ĐôngPhó chủ tịch Nguyễn Trường Sơn  ký và ban hành, trong đó có quy định thời hạn thi hành là 30 ngày kể từ ngày nhận, vậy sau 30 ngày các bên không có ý kiến thì Quyết định sẽ được coi là có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra Luật Khiếu nại có quy định: Điều 9 - Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Như vậy Quyết định số 82/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông đã được ban hành ngày 09/01/2013. Nhưng đến tận ngày 15/5/2013 gia đình ông Đỗ Tiến Gia mới cho đại diện là con rể Nguyễn Văn Phú gửi đơn khiếu nại và thời hạn gửi đơn đã vượt quá quy định của Quyết định là quá 90 ngày, theo chúng tôi cơ quan có thẩm quyền có thể từ chối nhận đơn trong trường hợp này.

Hơn nữa, việc con rể ông Đỗ Tiến Gia tham gia vụ việc, gửi đơn khiếu nại đến UBND thành phố Hà Nội với tư cách đại diện thì cần xem xét đại diện theo diện nào? Có đủ tư cách đại diện hay không?. Đối với quyền sử dụng 103,1m2 đất đang tranh chấp, đã được UBND quận Hà Đông xác định rõ ràng bởi Quyết định nêu trên thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Bằng và buộc ông Gia có trách nhiệm trả lại toàn bộ thửa đất số 28, diện tích 103,1m2, tờ bản đồ số 57, bản đồ đo đạc năm 1998 cho bà Bằng quản lý sử dụng.

"Nghĩa là Quyết định đã phủ nhận quyền sử dụng thửa đất đó đối với gia đình ông Đỗ Tiến Gia. Vậy đây không phải đối tượng là tài sản, di sản thừa kế của ông Gia để lại cho những người thuộc hàng thừa kế của ông Gia nữa cho nên họ không có quyền phân chia di sản thừa kế trong trường hợp này", luật sư Diện phân tích.

Sau khi xác định Quyết định số 82/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông đã được ban hành ngày 09/01/2013 đã có hiệu lực thi hành, bà Trần Thị Bằng hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ban hành Quyết định trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quận Hà Đông tiến hành thu hồi, cưỡng chế thu hồi (nếu cần) để giao lại cho bà quản lý sử dụng theo nội dung Quyết định nêu trên.

Trong trường hợp này, sau khi xem xét đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Phú nếu biết rõ đã quá thời hiệu của việc giải quyết khiếu nại UBND phường Phú La phải từ chối nhận đơn và giải thích rõ cho người khiếu nại biết rõ lý do, và cơ quan tiếp nhận đơn và giải quyết khiếu nại là UBND thành phố chứ không khải UBND phường Phú La theo quyết định nêu trên.

"Chúng tôi cho rằng trên cơ sở các cơ quan chuyên môn đã tham mưu và UBND quận Hà Đông đã giải quyết tranh chấp đối với vụ việc này là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, cần có quyết định sớm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Bằng, giải thích pháp luật cho ông Nguyễn Văn Phú để ông Phú hiểu chấp hành, tránh việc gây cản trở quyền sử dụng đất hợp pháp của công dân và việc khiếu kiện kéo dài.

"Nếu như các cấp chính quyền quận Hà Đông chậm trễ trong việc thi hành quyết định đúng pháp luật do chính UBND quận Hà Đông ban hành gây thiệt hại cho gia đình bà Trần Thị Bằng. Sau khi xác định được thiệt hại, gia đình bà Bằng hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật",  luật sư Diện khẳng định.

Anh Thế