Từ vụ vợ chồng bị oan sai đòi hơn 22 tỷ: Xác định mức bồi thường ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, mức bồi thường bao gồm thiệt hại về thu nhập, thiệt hại về tinh thần và các chi phí khác. Việc xác định con số dựa trên số ngày oan sai và tính toán theo các quy định của pháp luật.

Như Dân trí thông tin, TAND tỉnh Đắk Nông mới đây đã đưa ra phán quyết vụ án "Bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Võ (61 tuổi, ở huyện Tuy Đức), bà Nguyễn Thị Thưởng (62 tuổi, vợ ông Võ) và bị đơn là TAND huyện Tuy Đức. Theo đó, HĐXX buộc TAND huyện Tuy Đức bồi thường cho vợ chồng ông Võ số tiền 312 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với con số mà hai vợ chồng yêu cầu là hơn 22,5 tỷ đồng. 

Từ vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi với trường hợp người dân bị oan sai, việc định mức trách nhiệm bồi thường của cơ quan Nhà nước sẽ được tính như thế nào. 

Từ vụ vợ chồng bị oan sai đòi hơn 22 tỷ: Xác định mức bồi thường ra sao? - 1

Ông Nguyễn Văn Võ (Ảnh: Uy Nguyễn).

Xác định mức bồi thường ra sao? 

Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo khoản 1 Điều 60 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách để bồi thường. Kinh phí bồi thường gồm tiền chi trả cho người bị thiệt hại và chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại. 

Mức độ thiệt hại có thể tính gồm những khoản sau: 

Thứ nhất, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất là khoản tiền công, tiền lương bị mất trong thời gian người chịu thiệt hại bị giam và tạm giam, căn cứ Điều 24 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trường hợp không thể xác định được mức thu nhập ổn định hoặc không ổn định từ tiền lương, tiền công bị giảm sút, mức độ thiệt hại sẽ được tính dựa trên thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. 

Nếu tiếp tục không thể xác định được mức thu nhập trung bình thì mức bồi thường của 1 ngày bị thiệt hại sẽ được tính tương đương 1 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú. 

Thứ hai, thiệt hại về tinh thần do người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc bị áp dụng biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, trường hợp bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, thiệt hại về tinh thần tương đương 2 ngày lương cơ sở. 

Trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì mức bồi thường cho 1 ngày bị áp dụng các biện pháp nêu trên được xác định tương đương 5 ngày lương cơ sở. Nếu người bị thiệt hại không bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt không phải là hình phạt tù thì mức bồi thường cho 1 ngày bị áp dụng các biện pháp trên tương đương 2 ngày lương cơ sở. 

Trường hợp bị phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng hưởng án treo thì mức bồi thường là 3 ngày lương cơ sở cho 1 ngày chấp hành hình phạt. Còn trong trường hợp người bị thiệt hại đã chấp hành xong bản án, quyết định mà mới có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự thì mức bồi thường là 2 ngày lương cơ sở cho 1 ngày chưa có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 

Thứ ba, các chi phí khác như in ấn tài liệu, hồ sơ, thuê phòng nghỉ, đi lại, nếu người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì chi phí được bồi thường không quá 6 tháng lương cơ sở cho một năm, tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại, tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực.

Thứ tư, chi phí gửi đơn thư tới cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết là không quá 1 tháng lương cơ sở cho 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại, tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho tới ngày có văn bản giải quyết có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền. 

Thứ năm, chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại được thanh toán theo hợp đồng thực tế nhưng không quá mức thù lao do Chính phủ quy định đối với luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ thanh toán cho một người bào chữa hoặc một người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại tại một thời điểm.

Thứ sáu, chi phí thăm gặp người bị tạm giam xác định theo số người, số lần thăm gặp thực tế nhưng không quá số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật.

Với trường hợp của ông Võ, bà Thưởng, thông tin vụ việc cho thấy hai vợ chồng bị hàm oan từ tháng 4/2018, khi Công an huyện Tuy Đức ra quyết định khởi tố bị can về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tới ngày 5/6/2020, khi TAND huyện Tuy Đức tổ chức xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho 2 người. 

Để có thể xác định chính xác con số bồi thường thiệt hại, trước tiên cần xác định chính xác số ngày từ thời điểm vợ chồng ông Võ bị hàm oan tới khi được giải oan là bao nhiêu ngày. Tiếp đó, cần làm rõ trong khoảng thời gian này, hai vợ chồng có bị bắt, giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam hay chấp hành hình phạt tù hay không. 

Nếu không bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc chưa phải chấp hành hình phạt tù thì mức bồi thường về tinh thần cho 1 ngày bị hàm oan tương đương 2 ngày lương cơ sở hiện tại. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, mức lương cơ sở hiện là 2,34 triệu đồng/tháng. 

Đối với các khoản bồi thường khác như thu nhập thực tế bị mất hay chi phí ăn ở, đi lại, gửi đơn thư hay thuê người bào chữa..., người bị thiệt hại cần cung cấp các hồ sơ, chứng từ hợp lệ để chứng minh những chi phí mình đã bỏ ra. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, việc xác định thiệt hại sẽ tính theo quy định pháp luật. 

Từ vụ vợ chồng bị oan sai đòi hơn 22 tỷ: Xác định mức bồi thường ra sao? - 2

Vợ chồng ông Võ thời điểm được xin lỗi công khai vào tháng 6/2020 (Ảnh: Uy Nguyễn).

Người thi hành công vụ làm sai phải bồi thường ra sao?

Một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm là trách nhiệm của những cán bộ, người thi hành công vụ gây ra hậu quả. Giải đáp vấn đề này, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước, người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường. Nếu phát hiện oan sai khi những người thi hành công vụ đã nghỉ hưu, những người có trách nhiệm vẫn có nghĩa vụ hoàn trả.

Theo quy định của Điều 71 luật này, trường hợp người thi hành công vụ gây án oan đã nghỉ hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho những người này có trách nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước

Ngoài cơ quan bảo hiểm, cơ quan trực tiếp quản lý những người này tại thời điểm gây ra thiệt hại cũng có thể là tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm